Đang đứng nằm xuống chóng mặt, có phải dấu hiệu đột quỵ?

21/08/2023 04:02 GMT+7

Khi đang đứng nằm xuống tự nhiên thấy choáng, chóng mặt, đây có thể là dấu hiệu của rối loạn tiền đình, tuy nhiên cần thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Duy Khoa (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết choáng váng chóng mặt xảy ra khi đang đứng nằm xuống, là triệu chứng gợi ý của chóng mặt do rối loạn tiền đình.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần lưu ý gồm: đột ngột tê hoặc yếu mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể, nhầm lẫn hoặc khó hiểu, đột ngột khó nói, khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt, chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng, mất sự phối hợp hoặc đi lại khó khăn, đau đầu dữ dội không có nguyên nhân. Trong đó, triệu chứng điển hình của đột quỵ là đột ngột nói đớ, méo miệng và yếu liệt nửa người.

Về điều trị ngoài thuốc để giảm triệu chứng chóng mặt, cần phải tìm nguyên nhân để điều trị bệnh nền gây ra chóng mặt. Do đó người bệnh khi có dấu hiệu chóng mặt cần thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác từ đó có hướng điều trị.

Đang đứng nằm xuống chóng mặt có phải dấu hiệu đột quỵ? - Ảnh 1.

Chóng mặt xảy ra khi đang đứng nằm xuống, là triệu chứng gợi ý của chóng mặt do rối loạn tiền đình

SHUTTERSTOCK

Theo Trung tâm y khoa Mayo Clinic (Mỹ), nếu những cơn chóng mặt kéo dài, điều quan trọng nhất là giữ an toàn cho bản thân khỏi những tai nạn như té ngã và được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Có nhiều dạng chóng mặt khác nhau như mất cân bằng (liên quan đến khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc phối hợp tay chân), mất phương hướng (cảm giác dễ nhầm lẫn và cảm thấy không quen thuộc với môi trường xung quanh), oscillopsia (cảm giác các đối tượng xung quanh đang di chuyển trong khi bản thân đang đứng yên), ngất xỉu…

Hầu hết các trường hợp chóng mặt đều kéo dài khoảng một phút. Vì vậy, bạn cần lưu ý chuẩn bị phản ứng ngay lập tức để tránh dẫn đến tai nạn. Té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương khi chóng mặt đột ngột.

Trung tâm y khoa Mayo Clinic khuyến cáo một số điều chúng ta có thể làm để ngăn ngừa nguy cơ té ngã tại nhà nếu bị chóng mặt kéo dài như: đặt thảm chống trượt trên các bề mặt trơn trượt như trong nhà vệ sinh, dưới vòi sen hoặc gạch lát ở bếp…; tránh chuyển động đột ngột như chuyển từ ngồi sang đứng hoặc lăn trên giường quá nhanh; nên sử dụng thiết bị hỗ trợ thăng bằng như gậy khi đi bộ hoặc lên cầu thang, nếu cần thiết…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.