Đăng kiểm lo rớt, đổi bằng lái ùn tắc

18/02/2025 04:00 GMT+7

Giới tài xế đang đứng trước những thay đổi ngay từ đầu năm: khó khăn khi vượt ải đăng kiểm, trong khi nhiều người xếp hàng chờ đợi để được đổi bằng lái mới.

Đăng kiểm khó càng thêm khó

Chỉ còn vài ngày nữa, anh N.H.H, ngụ tại Q.Tân Phú (TP.HCM) sẽ đến hạn đăng kiểm xe, nhưng tới lúc này anh vẫn lo lắng vì sợ rớt kiểm định. "Xe tôi đã hoán cải lốp và đèn xe, nghe nhiều người nói đăng kiểm gần đây rất khó hai hạng mục này, tôi hoang mang không biết xe mình có qua nổi không". Mang câu hỏi này trao đổi với anh Nguyễn Bình, chủ xe Mazda BS 51L-465.xx, người vừa đi đăng kiểm, thì anh Bình chia sẻ: "Theo quan sát của tôi, các trung tâm đăng kiểm hiện nay đang chấp hành rất nghiêm các quy định, những xe độ đèn và lốp bị "soi" nhiều nhất. Tôi phải thay cả 4 lốp về lại nguyên bản thì mới qua được đăng kiểm. Còn đèn bi thì tùy nơi, nếu độ bi mà không đục chế thì vẫn qua được".

Đăng kiểm lo rớt, đổi bằng lái ùn tắc- Ảnh 1.

Nhiều chủ xe phải đổi lốp về “zin” để tránh bị rớt đăng kiểm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, lỗi độ chế đèn, phanh/thắng và lốp là những lỗi trượt kiểm định phổ biến hiện nay. Nhiều tài xế không nắm rõ quy định nên bị đánh trượt và phải mất thời gian để khắc phục. Ví dụ như trường hợp đạp phanh mà một bên đèn tối, một bên đèn sáng thì đã mắc đồng thời hai lỗi gồm: Khi đạp phanh, số đèn hoạt động tại cùng thời điểm của cặp đèn đối xứng nhau không đồng bộ về màu sắc và kích cỡ của vùng sáng và cường độ sáng, và diện tích phát sáng không đảm bảo quan sát nhận biết ở khoảng cách 20 m. Đây là hai lỗi thuộc lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng nên ô tô sẽ bị trượt hạng mục kiểm tra về đèn phanh.

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM xác nhận: Các loại đèn được chú ý kiểm định gồm: đèn chiếu xa (đèn pha) và đèn chiếu gần (đèn cốt), đèn báo rẽ, đèn cảnh báo nguy hiểm, đèn vị trí, đèn phanh, đèn lùi, đèn soi biển số sau. Các loại đèn này phải được lắp đặt chắc chắn, bảo đảm ổn định khi xe vận hành. Đối với các loại đèn này, nếu một trong hai đèn cùng loại lắp theo cặp bị hư hỏng hoặc màu ánh sáng khác nhau, ô tô sẽ bị trượt hạng mục kiểm tra về đèn, đồng nghĩa với việc ô tô bị trượt đăng kiểm và chủ xe phải đưa phương tiện đi khắc phục để được kiểm định lại.

Một trong những trường hợp gặp khó khi đăng kiểm hiện nay là chủ xe bị "dính" lỗi phạt nguội. Anh T.M.K, ngụ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: "Xe của tôi đã đến hạn đăng kiểm, nhưng tôi đang có một lỗi phạt nguội do chạy quá tốc độ quy định tại Ninh Thuận từ năm 2023 chưa được xử lý và chỉ mới cập nhật lên hệ thống nên chưa thể đăng kiểm được. Tôi đi đến nơi đăng ký xe tại TP.HCM để đóng phạt nhưng ở đây cho biết lỗi đã quá thời hạn 1 năm nên không thu hộ được mà chủ xe phải đến cơ quan quản lý nơi vi phạm để đóng phạt". Một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM thông tin, tỷ lệ xe bị trượt do dính lỗi phạt nguội lên đến 20 - 25%, bắt buộc chủ xe phải xử lý đóng phạt xong mới đăng kiểm được.

Có bắt buộc đổi giấy phép lái xe máy theo mẫu mới hay không?

Đổi bằng lái ách tắc

Những ngày qua, người dân ở TP.HCM đổ xô đi đổi giấy phép lái xe khiến nhiều điểm tiếp nhận luôn trong tình trạng quá tải. Theo Sở GTVT TP.HCM, từ tháng 10.2024 đến nay, lượng người đến cấp đổi giấy phép lái xe tăng cao. Bên cạnh nhu cầu cấp đổi bằng lái xe mới, tổng số giấy phép lái xe đã hoàn tất thủ tục nhưng đang bị "treo" lên tới 172.000. Trong đó, có 160.000 giấy phép dành cho các học viên đã đạt sát hạch từ đầu tháng 11.2024 đến ngày 18.1.2025 nhưng chưa được cấp; 12.000 hồ sơ xin cấp đổi, cấp lại từ ngày 13.1 đến 24.1; và khoảng 800 hồ sơ đăng ký trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. Việc chậm trễ này khiến nhiều người dù đã thi đậu từ vài tháng trước vẫn chưa được nhận giấy phép lái xe, gây ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.

Đăng kiểm lo rớt, đổi bằng lái ùn tắc- Ảnh 2.

Ùn tắc cấp đổi giấy phép lái xe trước thời điểm bàn giao nhiệm vụ từ Sở GTVT sang Công an

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết tình trạng chậm trễ trong cấp đổi giấy phép lái xe có nhiều nguyên nhân. Đến hết tháng 10.2024, Cục Đường bộ VN mới cung cấp 581.400 phôi cho TP.HCM, đạt khoảng 81,88% so với hợp đồng đã ký (710.000 phôi). Để giải quyết tình trạng này, TP.HCM đã liên hệ các tỉnh, thành khác để mượn tạm phôi, chờ nguồn cung bổ sung từ Cục Đường bộ VN. Các nguyên vật liệu quan trọng như mực in, phim trung gian cũng đang khan hiếm, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ in bằng lái. Khi tình trạng thiếu phôi bằng tạm thời được khắc phục thì khâu in ấn vẫn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về công suất máy móc. Các đơn vị đang phải làm việc liên tục từ 6 giờ đến 22 giờ nhưng mỗi ngày cũng chỉ in được tối đa 4.000 phôi giấy phép lái xe.

Do đó, để đảm bảo tiến độ, TP.HCM ưu tiên cấp giấy phép lái xe ô tô trước, dự kiến trong khoảng 15 ngày tới sẽ hoàn thành việc cấp bằng lái ô tô cho các trường hợp đổi bằng đến tháng 12.2024. Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục in trả giấy phép lái xe máy và giấy phép lái ô tô cho những trường hợp từ tháng 1.2025 trở đi.

Ngày 15.2, Sở GTVT TP.HCM ra văn bản thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe kể từ ngày 19.2 để phục vụ công tác bàn giao nhiệm vụ sang Công an TP.HCM theo quy định. Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM chỉ tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe ô tô còn giá trị sử dụng từ 1 ngày đến dưới 10 ngày so với ngày hết hạn được ghi trên mặt trước của giấy phép lái xe. Đến trưa 17.2, theo đại diện Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), việc chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an vẫn thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải đảm bảo giao dịch, nhu cầu của người dân, không để bị gián đoạn, phải phục vụ tốt nhất cho người dân. Vì vậy Sở GTVT TP.HCM vẫn tiếp tục nhận hồ sơ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân bình thường; còn việc chuyển giao vẫn được thực hiện song song đến khi hoàn tất việc chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, bày tỏ: "Hiện nay là thời đại 4.0 rồi mà Cục Đường bộ VN vẫn cứ in phôi để cấp phát cho 63 tỉnh thành làm gì? Như vậy vừa mất thời gian, vừa mất tự chủ của địa phương. Theo tôi thì về lâu dài, Cục Đường bộ VN hay cơ quan quản lý thay thế chỉ nên ra quy chuẩn thôi, các địa phương tự in theo nhu cầu của địa phương mình, vừa có thể giảm giá thành vừa chủ động được số lượng, tạo thuận lợi cho người dân trên nguyên tắc là tản quyền, giao quyền về cho các địa phương tự quyết. Về phía các địa phương cũng phải chủ động dự đoán được tình hình, nắm bắt được số lượng, nhu cầu thiếu hụt ra sao để hướng dẫn các trường đào tạo tài xế".

Trước mắt, để giải quyết tình thế ách tắc hiện nay, có thể ban hành một quyết định gia hạn bằng lái tới kỳ hạn cấp đổi để giãn bớt áp lực cho cơ quan tiếp nhận, tương tự như đã từng giải quyết đối với tình hình ùn tắc đăng kiểm trước đây.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.