Đăng ký dạy thêm học thêm: Hộ kinh doanh và doanh nghiệp khác nhau thế nào?

18/02/2025 11:13 GMT+7

'Tôi muốn đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm, không biết nên chọn hộ kinh doanh hay đăng ký doanh nghiệp, hai mô hình giống và khác nhau thế nào, ưu nhược điểm ra sao? Có phải hộ kinh doanh thì chỉ được sử dụng dưới 10 người lao động?'.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 với nhiều quy định về dạy thêm học thêm, một trong số đó là tổ chức cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trước băn khoăn của bạn đọc hỏi về nên đăng ký kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh hay doanh nghiệp khi dạy thêm học thêm, khác nhau như thế nào, luật sư Hoàng Tư Lượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết:

Dấu hiệu cơ bản về mặt pháp lý để xác định về hộ kinh doanh và doanh nghiệp

Quy định tại Khoản 10, Điều 4 luật Doanh nghiệp 2020 nêu khái niệm về doanh nghiệp là "tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh".

Đăng ký dạy thêm học thêm: Hộ kinh doanh và doanh nghiệp khác nhau thế nào?- Ảnh 1.

Học sinh ra về ở một trung tâm dạy thêm học thêm tại quận 1, TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định: "1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương".

Sở GD-ĐT TP.HCM Không cấm dạy thêm học thêm nhưng phải đúng quy định

Sự khác nhau của hộ kinh doanh và doanh nghiệp

*Đối với đăng ký thành lập doanh nghiệp:

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Đăng ký doanh nghiệp được hiểu đơn giản là việc cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập một trong những loại hình công ty với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Các loại hình doanh nghiệp hiện nay gồm có: Công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh với quy mô lớn, đa dạng ngành nghề thì nên thành lập công ty, doanh nghiệp. Hình thức kinh doanh này có nhiều ưu điểm như: Có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân), không giới hạn số lượng lao động được sử dụng, được xuất hóa đơn VAT và dễ dàng huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức khác.

*Đối với đăng ký thành lập hộ kinh doanh:

Hộ kinh doanh cá thể là loại hình kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, dễ quản lý, phù hợp với những cá nhân hoặc hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ. Hình thức này không cần con dấu tròn pháp nhân cũng như không cần xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT). Ví dụ: Mở cửa hàng tạp hóa; salon gội đầu, cắt tóc; cho thuê nhà ở; cửa hàng ăn uống…

Cá nhân, hộ gia đình có thể thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện.

Ưu, nhược điểm của 2 loại mô hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh

Về mặt ưu điểm:

Đối với doanh nghiệp:

  • Có tư cách pháp nhân để tách biệt tài sản của công ty và tài sản của nhà đầu tư.
  • Việc sản xuất kinh doanh bài bản, theo quy trình. Có cơ cấu tổ chức và hoạt động cụ thể.
  • Không giới hạn số lượng lao động được quyền sử dụng trực tiếp.
  • Không giới hạn quy mô, vốn và địa điểm kinh doanh.
  • Doanh nghiệp sẽ được khấu trừ phần thuế mua vào với hóa đơn hợp lệ (nếu lựa chọn phương pháp thuế khấu trừ).
  • Doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đăng ký dạy thêm học thêm: Hộ kinh doanh và doanh nghiệp khác nhau thế nào?- Ảnh 2.

Một cơ sở bán trú hè, dạy thêm hè tại quận 12, TP.HCM (ảnh chụp trước khi có Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định dạy thêm học thêm)

ẢNH: NHẬT THỊNH

Đối với hộ kinh doanh:

  • Phù hợp với những cá nhân hoặc nhóm cá nhân muốn khởi nghiệp, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, không yêu cầu về cơ cấu tổ chức quản trị rõ ràng, không có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai.
  • Chế độ kế toán gọn nhẹ, dễ khai báo, có thể đăng ký phương pháp thuế khoán.

Về mặt nhược điểm:

Đối với doanh nghiệp:

  • Thường phải đáp ứng các điển kiện lao động, về bảo hiểm xã hội cho người lao động chặt chẽ và đầy đủ hơn so với loại hình hộ kinh doanh.
  • Chế độ kế toán phức tạp đòi hỏi phải đúng luật, đúng hạn, đúng chuẩn mực kế toán.
  • Doanh nghiệp phải đóng nhiều loại thuế với mức thuế suất cao.
  • Phải thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách cho người lao động như thai sản, bảo hiểm...

Đối với hộ kinh doanh:

  • Không có tư cách pháp nhân, chủ hộ kinh doanh phải dùng tài sản của mình để trả nợ nếu hộ kinh doanh thua lỗ.
  • Quy mô kinh doanh nhỏ nên không dễ huy động vốn hay mở rộng quy mô kinh doanh.
  • Tính chất hoạt động nhỏ lẻ.
  • Mỗi cá nhân chỉ được đứng tên đại diện thành lập một hộ kinh doanh.
  • Do nộp thuế theo phương pháp thuế khoán nên dù kinh doanh lỗ cũng vẫn phải đóng theo tỷ lệ thuế trên doanh thu theo quy định.
Đăng ký dạy thêm học thêm: Hộ kinh doanh và doanh nghiệp khác nhau thế nào?- Ảnh 3.

Một cơ sở dạy thêm hè, bán trú hè có đông học sinh trước khi có Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT

ẢNH: NHẬT THỊNH

Hộ kinh doanh được sử dụng trên 10 người lao động không?

Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay không còn giới hạn số lao động mà hộ kinh doanh được phép sử dụng (trước đây, tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh chỉ được phép sử dụng dưới 10 người lao động). Như vậy, hiện nay hộ kinh doanh sử dụng nhiều người lao động (trên 10 người) thì cũng không bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Giáo viên trường công không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm

Một bạn đọc gửi thắc mắc về tòa soạn: "Theo Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thu nhập thấp thì không cần phải đăng ký kinh doanh. Vậy lớp dạy thêm nhóm nhỏ có thuộc hộ thu nhập thấp không?".

Luật sư Hoàng Tư Lượng cho biết: "Theo Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, việc dạy thêm hiện nay cần phải đảm bảo đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Nội dung quy định về việc quản lý việc dạy thêm, học thêm không phải dựa vào thu nhập để quy định đăng ký hay không mà là dựa vào quy định của thông tư".

Luật sư Lượng cho hay tùy vào quy mô hoạt động mà bạn đọc có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Song với quy mô nhỏ và vừa nên đăng ký hộ kinh doanh. Ông Lượng cũng lưu ý theo khoản 3, điều 4 của Thông tư 29 quy định: "Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường". Như vậy, giáo viên trường công không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ có thể là thành viên hộ (không có quyền quản lý điều hành); hoặc ký hợp đồng dạy thuê với một cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh ngành nghề dạy thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.