Ngày 23.2, ông N.H.T (55 tuổi, chủ nhà trọ ở P.Dĩ An, TP.Dĩ An, Bình Dương) phản ánh việc ông đến Công an P.Dĩ An để đăng ký tạm trú cho 8 người thuê phòng trọ nhưng được yêu cầu phải có giấy xác nhận nhà ở hợp pháp mới có thể đăng ký tạm trú.
Ông T. cho biết, sau khi được cán bộ công an hướng dẫn, ông đã qua UBND P.Dĩ An để xin giấy xác nhận nhà ở hợp pháp thì lại được yêu cầu phải có sổ đất, giấy phép xây dựng, giấy đăng ký kinh doanh nhà trọ… mới đủ điều kiện để cấp giấy xác nhận.
Theo phản ánh của ông T., việc các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều yêu cầu để được đăng ký tạm trú là vô cùng phiền hà và nhiều chủ nhà trọ không đáp ứng được do một số khu nhà trọ được xây dựng trên đất thổ cư đã lâu…
Trong khi đó, người thuê trọ hoặc công nhân lao động cần phải có giấy đăng ký tạm trú mới có thể xin cho con đi học, giải quyết một số thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra, theo phản ánh của các chủ nhà trọ, việc bắt buộc phải đăng ký tạm trú bằng hình thức khai báo điện tử trên phần mềm VNeID cũng gặp không ít khó khăn, phiền phức do chủ nhà trọ lớn tuổi, mắt kém, ít hiểu biết về máy tính, mạng internet… đã khiến họ phải nhờ vả, thuê người khai báo, đăng ký hộ với số tiền trên 100.000 đồng cho mỗi trường hợp đăng ký tạm trú.
Cơ quan chức năng nói gì?
Liên quan đến các vấn đề người dân phản ánh, cùng ngày (23.2), thượng tá Đàm Bảo Quân, Trưởng công an TP.Dĩ An, cho biết hiện tại trên địa bàn TP.Dĩ An có tình trạng tự phân lô khu đất ở không theo quy hoạch của địa phương và tồn tại rất lâu. Đa số người mua là công nhân lao động do điều kiện thu nhập thấp, chỉ mua được đất với diện tích nhỏ và xây dựng nhà để ở, mua bán giấy tờ tay, không đủ điều kiện chứng thực theo quy định, 1 nhà ở có thể bán qua nhiều người, thay đổi nhân khẩu liên tục.
Thượng tá Quân cho biết, việc công dân muốn đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại nhưng không đủ điều kiện chứng minh nhà ở mình đang ở, đang thuê là hợp pháp theo quy định pháp luật nên công tác đăng ký, quản lý cư trú cũng gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo thượng tá Đàm Bảo Quân, quy định tại luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công dân khi đăng ký thường trú, tạm trú phải có chỗ ở hợp pháp.
Đồng thời, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật Cư trú đã quy định cụ thể các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Theo đó, các khu dân cư, nhà ở tự phát không có giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thì không đủ điều kiện đăng ký cư trú.
Thượng tá Quân cho rằng, trường hợp công dân đến thuê, mua nhà tại các khu dân cư, chung cư, nhà trọ mà chủ sở hữu chỉ có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất là sổ chung, chưa được chủ đầu tư bàn giao nhà ở hoặc thực hiện giao dịch mua bán dưới hình thức viết giấy tay chưa được cơ quan có thẩm quyền công chứng… thì không được đăng ký cư trú vì không chứng minh được chỗ ở đó là chỗ ở hợp pháp.
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho người dân?
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân sinh sống, học tập và làm việc ở TP.Dĩ An, thượng tá Đàm Bảo Quân cho biết đã chỉ đạo công an 7 phường trên địa bàn tiến hành rà soát, phân loại để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Cụ thể, đối với các trường hợp sinh sống ổn định, nhà ở, đất ở không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất ở thì phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND phường thực hiện xác nhận nhà ở, đất ở không có tranh chấp về quyền sở hữu để lực lượng công an có cơ sở đăng ký cư trú cho công dân theo quy định.
Trường hợp người dân đã có nơi thường trú hoặc tạm trú nhưng nơi ở hiện tại không đủ điều kiện để đăng ký thường trú, tạm trú (UBND không xác nhận tình trạng nhà ở, đất ở) thì công an sẽ hướng dẫn người dân khai báo nơi ở hiện tại với cơ quan đăng ký cư trú để được cập nhật nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì công an hướng dẫn người dân khai báo thông tin cư trú theo quy định của điều 19 luật Cư trú và điều 4 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 28.6.2021 của Chính phủ.
Bình luận (0)