Đảng là niềm tin: Hoàn thiện cơ chế Đảng lắng nghe nhân dân

28/12/2019 07:54 GMT+7

Góp ý cho công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng , phòng chống suy thoái, tham nhũng, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Đảng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế lắng nghe nhân dân.

Tham luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích hiện nay, trong công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, phòng chống suy thoái, tham nhũng có 3 khó khăn chính. Thứ nhất là nguồn thông tin phản ánh về vấn đề này ít. Thứ hai khi có nguồn tin là ý kiến của nhân dân, thì những cơ quan liên quan có khi lại không đọc, không biết, không xử lý. Thứ ba, theo ông Nhân, nhiều khi các cơ quan liên quan biết rồi, nhưng do liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nên không biết ai khởi đầu cho quá trình này, dẫn đến bị chậm.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguồn tin của nhân dân hiện nay gồm 4 hình thức: thông tin tiếp nhận từ các hội nghị tiếp xúc cử tri của HĐND, đại biểu Quốc hội; tin từ ý kiến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân; tin qua công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và HĐND; và tin từ báo chí. Việc xử lý thông tin này cũng có 4 cơ quan liên quan là các cấp ủy Đảng, HĐND, cơ quan chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội. Tuy nhiên, theo ông Nhân, người dân có khi một lúc lại gửi thông tin cho cả 4 cơ quan thì hiện nay chưa có cơ chế phối hợp xử lý.
Dẫn kinh nghiệm của TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, để phát huy tác dụng của 4 nguồn tin và làm rõ trách nhiệm của 4 cơ quan ở 3 cấp, TP đã xây dựng quy định, trong đó nêu rõ, dù tin ở nguồn nào, liên quan lĩnh vực gì thì cấp ủy cấp trên trực tiếp mà hiện tượng đề cập được đề xuất phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, theo dõi việc xử lý. Cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước khi có ý kiến người dân đề xuất phải chủ động xử lý và báo cáo cấp ủy ngang cấp của mình, như vậy cấp ủy đó phải giám sát. Cấp ủy cấp trên nhận được báo cáo từ cấp dưới, tổng hợp, giám sát cấp ủy cấp dưới trực tiếp trong công tác xử lý thông tin từ nhân dân phản ánh.
“Với nguyên tắc cơ bản như vậy, cấp ủy chịu trách nhiệm cuối cùng. Thủ trưởng cơ quan tổ chức phải xử lý, cấp ủy giám sát và việc giải quyết có thời hạn”, ông Nhân cho hay.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, với nguyên tắc này, trong 2 năm qua, TP đã tiếp nhận xử lý 557 tin thuộc trách nhiệm của cấp TP; gần 6.000 tin liên quan trách nhiệm của cấp quận, huyện và gần 10.000 tin cấp phường xã cơ sở. Tổng cộng 2 năm qua đã xử lý 15.276 thông tin phản ánh vi phạm, tiêu cực, suy thoái, tham nhũng… từ 4 nguồn gửi cho Đảng, chính quyền, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. “Bình quân 1 ngày cấp TP có 0,8 tin được phản ánh. Cấp quận huyện 1 ngày có 8 tin, còn ở cơ sở phường, xã ngày có 13 tin”, ông Nhân nói.
Với kết quả tiếp nhận và xử lý thông tin nói trên, ông Nhân cũng cho biết, trong 2 năm qua, TP.HCM đã xử lý kỷ luật khiển trách 6 tổ chức Đảng, 244 đảng viên từ khiển trách đến khai trừ ra khỏi Đảng và 304 cán bộ công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc. “Việc kỷ luật này một mặt trực tiếp xử lý người sai phạm nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là sự nhắc nhở, cảnh tỉnh rằng nếu cố tình vi phạm quy định của Đảng, luật pháp dù cho cơ quan có thể chưa phát hiện, nhưng nhân dân sẽ có ý kiến và sẽ được xử lý”, ông Nhân nhấn mạnh.
“Có thể thấy nguồn tin nhân dân không bao giờ cạn. Chừng nào còn có Đảng, ta còn tiếp tục hoàn thiện cơ chế lắng nghe nhân dân. Và chừng nào còn nhân dân thì nhân dân sẽ đóng góp chân thành giúp chúng ta không ngừng hoàn thiện năng lực của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, Đoàn, tổ chức nhà nước”, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.