Đang nằm võng thì cửa kính rơi, mảnh vỡ đâm thủng tim

19/07/2018 12:25 GMT+7

Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị vết thương ngực dài 4 cm, hình chữ L và một vết thương khác ở vai trái dài 2 cm.

Bệnh viện (BV) Trưng Vương TP.HCM cho biết nơi này vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân H.B.T (35 tuổi), trong tình trạng có vết thương nơi ngực trái, mạch nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi…
Bệnh nhân kể khi anh đang nằm võng thì bị cánh cửa kính rơi xuống, mảnh kính vỡ bắn vào ngực trái, ngay sau đó anh cảm giác mệt, máu chảy nhiều nơi vết thương… nên đi cấp cứu
Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị vết thương ngực dài 4 cm, hình chữ L và một vết thương khác ở vai trái dài 2 cm.
Kết quả chụp CT Scanner ngực phát hiện có dịch màng tim ít, dịch màng phổi trái lượng nhiều… Bệnh nhân được chẩn đoán bị thủng tim. BV đã kích hoạt báo động đỏ nội viện để phẫu thuật khẩn cứu bệnh nhân.
Kết quả phẫu thuật ghi nhận vết thương đi từ ngực, liên sườn V, cách bờ trái xương ức 4 cm, xuyên qua màng tim, thông với khoang màng phổi, đâm thủng tâm thất phải 1,5 cm và máu đang chảy thành tia. Màng ngoài tim bệnh nhân rách 1,5 cm, có khoảng 100 ml máu trong khoang màng tim. Ê kíp phẫu thuật khâu lổ thủng tâm thất cầm máu. Lượng máu trong khoang màng phổi khoảng 2000 ml và 500 gram máu cục.
Các bác sĩ tiến hành thám sát ngực trái thấy đứt động mạch vú trong bên trái nên đã khâu cầm máu và dẫn lưu máu trong khoang màng phổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quốc Minh, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - thần kinh, BV Trưng Vương, cho biết đây là trường hợp vết thương thấu ngực gây thủng tim, tràn máu màng phổi và đức động mạch vú trong bên trái.
Theo bác sĩ, phần lớn vết thương thấu ngực thủng tim sẽ có biểu hiện chèn ép tim cấp, còn trường hợp này vết thương thấu ngực làm màng tim bị thủng thông với khoang màng phổi, máu từ vết thương tim chảy vào khoang màng phổi, nên không có triệu chứng làm chèn ép tim cấp, khiến lâm sàng làm ít nghĩ đến vết thương ngực có tổn thương tim.
Cũng theo bác sĩ, phẫu thuật vết thương tim là phẫu thuật tối khẩn cấp. Khi phát hiện được thì cần phẫu thuật khẩn cấp cùng với sự phối hợp với các chuyên khoa cấp cứu, gây mê, hồi sức tích cực thì mới có cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.