|
Bản in tiếng Việt do dịch giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên chuyển ngữ, NXB Khoa học xã hội và Nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016.
Thuyền chiến
Thật khó mà biết số thuyền bến và thuyền chiến do chúa Đàng Ngoài cai quản. Thế nhưng chắc chắn là nhiều hơn số thuyền chúa Đàng Trong. Trong ba bến ở Đàng Trong, có thể phỏng chừng có bao nhiêu thuyền. Một bến ở vào cửa sông lớn, có lần người ta đếm tới sáu mươi tám chiếc. Một bến khác rộng lớn hơn ở vào giữa lãnh thổ gọi là Kẻ Chàm có rất nhiều dùng để bảo vệ đất nước và buôn bán với người Tàu thường tới bến này. Còn bến thứ ba thì ở vào biên giới nước Chiêm Thành (...).
Thuyền của chúa Đàng Trong rất có thể lên tới con số ít ra hai trăm và đúng như người ta nói, chúa Đàng Ngoài có thể có gấp ba hay bốn lần, thế cho nên người ta đoán có tới năm hay sáu trăm thuyền chiến Đàng Ngoài. Mà thuyền Đàng Trong cũng chẳng thua kém về kích thước rộng lớn, về vũ khí và trang trí. Chúng tôi ghi thêm ở đây về cấu trúc và trang trí những thuyền này. Mũi thuyền (ngược với thuyền của chúng ta) là nơi hệ trọng hơn cả, ở đây có một phòng hay một ngai chạm trổ và trang hoàng nhiều tranh ảnh quý, với vàng son óng ánh. Gỗ ở đuôi thuyền cũng sơn vàng son, chạm trổ cầu kỳ ở bên ngoài: đến mái chèo và cột buồm cũng được trang trí đặc biệt. Khi hành trình thì theo hiệu lệnh do một dụng cụ bằng thanh tre đập nhịp điều hòa, tiếng vừa trầm vừa cao. Người chèo chèo rất khéo, rất lẹ, mặc dầu thường chèo cùng một lúc tới ba, năm hay bảy chiếc song song, thế nhưng không chiếc nào vượt lên trước, và nếu phải ngừng, lượn vòng, rẽ, lùi, họ làm rất có mực thước, điều hòa, như thể chỉ là một, do một cử động chung vậy.
|
Đôi khi có cuộc đua, họ tranh nhau đoạt giải nhanh trước mặt nhà chúa, họ chèo hay lên buồm khi có gió hoặc không có gió hoặc vừa có chút gió. Trong cuộc thi đua, người thắng bao giờ cũng được (ngoài danh dự) phần thưởng quý do nhà chúa đại lượng ban phát.
Số dân và binh lính đàng ngoài
Điều làm cho chúa Đàng Ngoài hùng mạnh và đáng sợ cho hết các vua lân bang, đó là số dân rất đông sống trong bảy tỉnh thuộc về nhà vua. Có thể phỏng đoán thế này. Chỉ xem số rất đông người thường trú trong kinh thành chúa ngự gọi là Kẻ Chợ, nơi có triều đình. Vì tuy kinh thành này chỉ dài bằng sáu nghìn bước và rộng cũng như vậy, phố phường thì rất rộng và rất có thể để cho mười hay mười hai con ngựa qua lại dễ dàng được. Thế nhưng mỗi tháng hai lần vào ngày mồng 1 và ngày rằm, họ nghỉ việc và người ta thấy rất đông dân chúng đi đi lại lại, rảo khắp phố phường, đụng chạm nhau.
Và từ số dân đông đúc này mà nhà chúa nắm được hai mối lợi. Thứ nhất khi cần, chúa có thể thành lập nhiều sư đoàn quân sĩ như chúa muốn. Bởi vì ngoài những binh lính thường trực trong các trại kinh thành và sẵn sàng xuất trận khi có lệnh, chúa còn dễ dàng chiêu mộ hơn một trăm nghìn binh lính trong toàn tỉnh thuộc quyền chúa. Như chúa đã làm cách đây không lâu khi chúa đưa quân giao chiến với chúa Đàng Trong ở ngay bên cạnh, chủ yếu khôi phục lại những lãnh thổ đấng tiên vương đã chiếm cứ được, trước đây là một phần, một lãnh thổ của Đàng Ngoài.
Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Những hình phạt tàn khốc
Một trong những nội dung mà nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini (1608 - 1682) quan tâm quan sát và ghi chép đó là hình pháp.
Bình luận (0)