Trong bài viết Công tác xây dựng Đảng: Nên đánh giá thế nào cho đúng? đăng từ năm 1996, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) khẳng định, càng đi vào phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, càng cần phải đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế và mọi hoạt động xã hội khác. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không thể có chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, để có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. "Là đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, lại hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường và mở cửa, thế giới đang có những diễn biến phức tạp, có cả thời cơ và nguy cơ, Đảng cần có ý thức sâu sắc và sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ và phẩm chất mọi mặt của mình. Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc", Tổng Bí thư khẳng định.
Quy luật tồn tại và phát triển của Đảng
Trong bài phát biểu tại hội thảo Xây dựng đảng cầm quyền: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc vào 16 - 18.2.2004, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư) tiếp tục khẳng định, trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, phải luôn luôn kiên định vai trò lãnh đạo, vị thế cầm quyền của Đảng; đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Theo Tổng Bí thư, "đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố bảo đảm cho công cuộc đổi mới thành công, đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa".
Tổng Bí thư khẳng định, trong nhiều nghị quyết, Đảng Cộng sản đã khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng; thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.
Từ vấn đề mang tính nguyên tắc và quy luật này, Tổng Bí thư cũng lưu ý, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới là phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng. Cùng với đó, vấn đề cốt tử của công tác xây dựng Đảng là vạch ra cương lĩnh, đường lối đúng để lãnh đạo đất nước, dẫn dắt cả dân tộc đi lên, tránh được nguy cơ sai lầm về đường lối. Điều này đòi hỏi phải thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và chất lượng công tác lý luận của Đảng.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh sâu sắc chân lý: Cán bộ đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ đặc biệt quan trọng.
Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, giậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.
(Bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11.1973 với bút danh Người xây dựng)
Bình luận (0)