Đằng sau khủng hoảng ngoại giao Qatar

12/06/2017 10:13 GMT+7

Nhà báo Jamal Elshayyal vừa có bài viết phân tích nguyên nhân các nước Ả Rập đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Theo bài viết của ông Elshayyal trên trang tin Middle East Eye, cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh không phải do các nước Ả Rập muốn trừng phạt sự ủng hộ của Qatar đối với “các tổ chức khủng bố” mà ngòi nổ thật sự là những mâu thuẫn vốn có với Doha. Nhà báo này cho biết đã gặp một quan chức cấp cao của một quốc gia Trung Đông được phái làm trung gian đàm phán giữa Qatar với Ả Rập Xê Út. Sau khi gặp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani và Phó thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, vị quan chức tỏ ra rất lo lắng, nhận định với ông Elshayyal: “Rất khó để mọi chuyện không tệ đi. Tình hình sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ trước khi được cải thiện”.

Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 5.6, Ả Rập Xê Út, UAE, rồi Ai Cập, Bahrain… lần lượt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, kèm theo là hàng loạt quyết định vô cùng cứng rắn như cấm cửa tàu thuyền, máy bay. Ả Rập Xê Út thông báo đóng cửa biên giới, cửa ngõ vận chuyển phần lớn lương thực vào Qatar.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước Ả Rập tuyệt giao với một thành viên trong khu vực. Lý do chính thức được Riyadh và Abu Dhabi đưa ra là Doha “ủng hộ và tài trợ cho các tổ chức khủng bố”. Trước đó, Ả Rập Xê Út và UAE cũng đòi đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar và áp dụng các biện pháp cấm vận đối với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo… nhưng bị Doha từ chối.

Kêu gọi lật đổ chính phủ

Không lâu trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng ngoại giao, Doha đã gặp một “sự cố” truyền thông nghiêm trọng. Rạng sáng 24.5, hãng tin của chính phủ Qatar, QNA, bất ngờ đăng thông tin các nhà lãnh đạo nước này chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với Iran và lực lượng Hamas. Theo nhà báo Elshayyal, sự “kỳ lạ” của những tuyên bố được trích dẫn đã cho thấy đây là thông tin không đáng tin cậy và Doha cũng lập tức lên tiếng bác bỏ, khẳng định website của QNA bị tin tặc tấn công.

Tuy nhiên, những cơ quan truyền thông đặt tại UAE như Al Arabiya, Sky News Arabia đều đồng loạt phát lại các tuyên bố mà những kênh này cho là “của giới lãnh đạo Qatar”, đồng thời mời các “chuyên gia” phân tích, chỉ trích Doha một cách nặng nề, thậm chí còn kêu gọi người dân lât đổ chính phủ.

Ngoài ra, ngay sau sự cố truyền thông,  hàng loạt tài khoản Twitter của những nhân vật đối lập với giới lãnh đạo Qatar đã được lập ra. Tất cả đều có địa chỉ IP từ UAE hoặc Ai Cập. Vào thời điểm đó, hồi chuông cảnh báo đã gióng lên tại Doha, sự rạn nứt trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã trở nên rất nghiêm trọng.

Trả đũa

Nhà báo Elshayyal nhấn mạnh các bài viết, phóng sự lên án Qatar hậu thuẫn khủng bố tiếp tục xuất hiện dày đặc trên báo đài Ai Cập, Ả Rập Xê Út và UAE. Theo ông, đây là chủ ý của các nước này nhằm trả đũa những bất đồng sâu sắc với Qatar trong chiến dịch Mùa xuân Ả Rập.

Khi phong trào xuống đường phản đối chính phủ bùng nổ tại Ai Cập, Libya, Syria, Tunisia và Yemen vào mùa xuân năm 2011, khối các nước Ả Rập bắt đầu xuất hiện chia rẽ. Một bên phản đối kịch liệt phong trào này, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, Ai Cập và UAE. Bên còn lại là Qatar, chẳng những không phản đối mà còn tỏ ra ủng hộ những nhóm đối lập như Huynh đệ Hồi giáo.

Abu Dhabi xem thái độ này của Doha là “phản bội”, không chỉ vì đi ngược lại với các thành viên khác của GCC. UAE xem phong trào Huynh đệ Hồi giáo như một mối đe dọa với hệ thống chính trị phổ biến của khu vực. Việc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị buộc phải từ chức và những thay đổi đáng kể tại nước này là điều không được Abu Dhabi chấp nhận dễ dàng. Cairo dưới thời ông Mubarak là đồng minh thân cận của UAE.

Vì vậy, theo nhà báo Elshayyal, không có gì đáng ngạc nhiên khi thời gian qua, nhiều nhà lãnh đạo của Ả Rập Xê Út và UAE liên tục đăng trên Twitter những hashtag (từ khóa) như #GameOverQatar hay #GoodbyeTamim.

Cạnh tranh ngầm ở Riyadh

Nhà báo Elshayyal nhận định tương tự UAE, Ả Rập Xê Út cũng xem Qatar như cái gai trong mắt từ lâu. Nguyên nhân sâu xa là cuộc cạnh tranh quyền lực ngầm tại vương quốc giàu dầu hỏa này.

Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz Al Saul đã 81 tuổi. Hai người có nhiều khả năng nhất sẽ kế vị là cháu nhà vua, Thái tử Mohammed bin Nayef và con trai nhà vua, Phó thái tử Mohammed bin Salman.

Theo nhà báo Elshayyal, ông Mohammed bin Salman cũng là Bộ trưởng Quốc phòng của Ả Rập Xê Út đang rất “tích cực” giành quyền kế vị. Mà một trong những điều kiện quan trọng để đat điều này là được sự ủng hộ của Mỹ. Ông Slshayyal dẫn nguồn tin riêng cho biết UAE đã hứa sẽ giúp vị Phó thái tử được Washington ủng hộ, nếu cùng chống Qatar. Như vậy, không phải “ngẫu nhiên” mà khủng hoảng ngoại giao Qatar bùng nổ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump công du Ả Rập Xê Út.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.