Đằng sau lễ hội là mất mát

26/02/2015 17:00 GMT+7

Lễ hội phải là niềm vui, sự thỏa mãn đời sống tinh thần. Tiếc thay, chúng ta đang phải chứng kiến những lễ hội mà đằng sau nó lại là những bất hạnh, mất mát.

Lễ hội phải là niềm vui, sự thỏa mãn đời sống tinh thần. Tiếc thay, chúng ta đang phải chứng kiến những lễ hội mà đằng sau nó lại là những bất hạnh, mất mát. 

Lễ hội đền Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng
Đằng sau lễ hội là gì? Lẽ ra phải là niềm vui, sự thỏa mãn đời sống tinh thần. Không ai lại đi tổ chức lễ hội để rồi rước về những bất hạnh, đau đớn, buồn tủi, mất mát cả. Lễ phải trọng, hội phải vui, ngày xưa đã thế, nay vẫn phải thế.
Là gì nữa? Mở rộng ra, đào sâu hơn, đó là hình ảnh của một nền văn hóa, vẻ đẹp của một dân tộc, dấu ấn của một quốc gia. Trên thế giới, nhiều khi người ta biết đến, nhắc đến nước này nước khác bằng lễ hội, thông qua lễ hội, như lễ hội Carnival ở Brazil chẳng hạn.
Mùa xuân, tháng giêng, xứ ta nhiều lễ hội. Trong số gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau trên khắp vùng miền cả nước kể từ đầu năm đến cuối năm thì hầu hết dồn vào tháng giêng. Tháng giêng là tháng ăn chơi, cũng chả trách được.
Nhiều lễ hội đáng lý ra phải nhiều niềm vui. Nhưng “vui là vui gượng kẻo mà” bởi một thực tế buồn rõ rành rành: lễ hội ngày càng nhiều thì sự xuống cấp càng ghê gớm. Đông người thì phát sinh chuyện này chuyện nọ, đó là điều không tránh khỏi. Nhưng đi liền với lễ hội là bạo lực, chen chúc tranh giành, hung hăng cướp giật, đổ máu thương tích.
Ở cái nơi lẽ ra có nhiều văn hóa nhất thì lại xảy ra vô vàn hành vi, biểu hiện vô văn hóa. Đánh nhau, cướp giật, hành động côn đồ, phỉ báng tiền nhân thần thánh, trắng trợn bộc lộ những thỏa mãn tầm thường, hiếu sát… làm sao gọi là văn hóa được.

 Tôi thì nghĩ rằng nguy nhất là cái ác không nằm ngoài vùng phủ sóng đạo đức nữa, nó đã xâm nhập mạnh mẽ, tiềm ẩn ngày càng nhiều, càng dai, càng chắc trong từng tế bào, giọt máu con người lúc này. Không phải là một bộ phận không nhỏ mà là một phần quá lớn trong dân chúng đang bị cái ác tấn công dưới đủ hình thức và họ không đủ khả năng miễn nhiễm, chống chọi
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hơn 6.200 người bị thương phải nhập viện do đánh nhau trong mấy ngày tết vừa qua trên cả nước, trong đó 3 ngày từ 28 - 30 tết gồm 700 ca, tiếp đến ngày mùng 2 và 3 tết vọt lên có hơn 930 ca, tổng cộng đã có 15 người chết trong 4 ngày đầu xuân, liệu những con số ấy đủ để chúng ta giật mình chưa. Tôi xin nói thẳng, chưa có tết nào lại buồn như thế, gây lo ngại như thế. Cứ theo đà này rồi có ngày tỷ lệ tử vong trong lễ hội, trong ngày tết sẽ cao chẳng kém gì tai nạn giao thông. Lúc ấy kỷ lục tổ chức Guinness họ ghi nhận, muốn can lại, phỏng có được chăng?
Nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại trước mối nguy không xa ấy. Họ chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhiều lý do, nào là do giáo dục trong nhà trường, nào là vai trò của các tổ chức đoàn thể, nào là rượu bia… Tôi thì nghĩ rằng nguy nhất là cái ác không nằm ngoài vùng phủ sóng đạo đức nữa, nó đã xâm nhập mạnh mẽ, tiềm ẩn ngày càng nhiều, càng dai, càng chắc trong từng tế bào, giọt máu con người lúc này. Không phải là một bộ phận không nhỏ mà là một phần quá lớn trong dân chúng đang bị cái ác tấn công dưới đủ hình thức và họ không đủ khả năng miễn nhiễm, chống chọi.
Ngày xưa, các cụ dạy trẻ thơ khi chúng mới tập tọng những chữ đầu tiên trong đời, rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện” để nhắc nhở đã làm người phải lấy cái thiện, lòng nhân, tình thương, sự thiên lương làm đầu. Cụ Hồ cũng đúc kết “hiền dữ phải đâu là tính sẵn/phần nhiều do giáo dục mà nên”. Thánh hiền, tiền nhân luôn đặt tính thiện làm giá trị cơ bản của con người. Ấy thế mà con cháu cứ làm ngược lại.
Con người, con vật, thậm chí cả cây cối, đều khao khát sống, không muốn bị hành hạ, nhưng người ta kệ, cứ lôi con lợn ra giữa sân đình chém đứt làm đôi trước mắt bao người với lý do tập tục lệ làng; cứ vỗ cho béo mấy con trâu rồi lôi ra bắt chọi tóe máu để tìm niềm vui.
Một người bạn tôi nhận xét rất có lý: chúng ta chỉ giỏi chọi trâu, đâm trâu, chém lợn, hành hạ động vật… và gọi đấy là thể thao, là truyền thống văn hóa, là tinh thần thượng võ nhưng thực ra là phô bày cái ác trước bàn dân thiên hạ. Còn một chị bạn thủng thẳng rằng xứ gì mà lạ, đi chợ phải oánh nhau càng to càng hên, lộc hoa tre phải giẫm đạp nhau cướp được mới may mắn, chém đứt đôi con lợn máu tóe vào mặt càng may. Và chốt lại: Kinh sợ.
Ấy thế mà một số người công quyền, có trách nhiệm, có vai vế chữ nghĩa trong xã hội lại không kinh, không lo, thậm chí còn cổ vũ cho bạo lực trong lễ hội bằng lý do này khác. Khi được hỏi về tình trạng ẩu đả tại lễ hội đền Gióng, ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn cho rằng, sự việc trên là bình thường, bởi đây là phong tục của hội, “lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Việc xảy ra xô xát là bình thường”.
Một vị giáo sư khi bảo vệ cho tục chém lợn đã lý luận, Việt Nam mới chỉ ký công ước bảo vệ động vật hoang dã, còn lợn là vật nuôi, đừng thấy người ta lên tiếng phản đối thì mình phải nghe theo. Khổ nỗi, ông giáo sư ấy đã nhầm bởi vấn đề dư luận đặt ra không phải là bảo tồn những loài thú có nguy cơ tuyệt chủng mà là hãy ngăn chặn, chấm dứt những hành vi man rợ, tàn ác trước mắt cộng đồng. Cứ kiểu ngụy biện như vậy thì đánh nhau trong lễ hội chỉ là chuyện nhỏ, hành vi tàn ác như sát thủ Lê Văn Luyện chỉ là bản nháp dạng đầu tiên thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.