Tuy nhiên, đằng sau những bất cập đã được chỉ rõ, minh bạch hóa BOT không chỉ từ phía nhà đầu tư, mà phải trong cả hành xử giữa cơ quan chức năng với hợp đồng BOT và nhà đầu tư.
Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, về mặt pháp lý, hợp đồng giữa nhà đầu tư và cơ quan chức năng là hợp đồng kinh tế, việc phá vỡ hợp đồng là vi phạm luật. Hiện tại, ngân sách nhà nước rất khó khăn, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông đang trông chờ vào hình thức BOT, BT, PPP và nguồn vốn tư nhân. Sự phá vỡ hợp đồng không theo các quy tắc kinh tế và luật pháp có thể làm mất lòng tin các nhà đầu tư, khiến thu hút vốn vào BOT trở nên khó khăn hơn và khiến các nhà đầu tư chân chính ngần ngại.
Có thể kể tới ví dụ rõ nhất việc cắt ngang hợp đồng khiến nhà đầu tư “chưng hửng” là việc Tổng cục Đường bộ yêu cầu Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án xây dựng quốc lộ 1A, đoạn tránh TP.Thanh Hóa, dừng thu tại trạm thu giá Tào Xuyên. Lý do tạm dừng vì sau quyết toán, dự án giảm mạnh thời gian thu phí nên phải giảm số năm lợi nhuận tương ứng (từ 3 năm theo hợp đồng xuống còn hơn 1 năm). Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng, việc tạm dừng thu không có căn cứ pháp lý và vi phạm nghiêm trọng các điều khoản hơp đồng BOT đã được ký kết. Các căn cứ pháp lý được dẫn chiếu chưa phản ánh đúng các quy định trong hợp đồng.
Sau hơn 4 tháng bị dừng thu, dù trải qua nhiều vòng đàm phán, nhưng số phận dự án này vẫn chưa được quyết có thu trở lại hay không, nếu không thu, quyền lợi nhà đầu tư theo hợp đồng sẽ được tính ra sao cũng chưa được làm rõ.
Trên thực tế, không ít dự án BOT đã bị vỡ phương án tài chính do thay đổi mức thu, phương án thu. Đơn cử như dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ), doanh thu theo phương án ban đầu phải đạt ít nhất 138 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 89,93 tỉ đồng (khoảng 65%), riêng năm 2016, nhà đầu tư này bị âm gần 50 tỉ đồng. Lý do thua lỗ do người dân phản ứng quyết liệt vị trí đặt trạm và mức thu phí quá cao, cơ quan chức năng sau đó đã phải cho phép mở lại cầu Việt Trì cũ cho phép ô tô 7 chỗ lưu thông…
Cần sòng phẳng theo hợp đồng
Đáng nói, vi trí đặt trạm bị xem là thiếu hợp lý của nhiều dự án có sự chấp thuận cho phép của các cơ quan, địa phương liên quan khi đặt bút ký dự án. Đây là lý do nhiều chuyên gia cho rằng, bất cập của dự án BOT không chỉ từ phía nhà đầu tư mà có vai trò trách nhiệm rất lớn trong thẩm định, phê duyệt dự án. Tuy nhiên, khi BOT nhận rất nhiều “gạch đá” từ dư luận, vai trò, trách nhiệm liên đới của cơ quan có thẩm quyền lại là một khoảng trống, trong đa số trường hợp, chỉ nhà đầu tư hứng chịu dư luận lẫn đổ vỡ tài chính.
Mới đây, nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xin thu phí dự án. Liên danh nhà đầu tư dự án là Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc cho biết, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5, nhưng đến nay vẫn chưa được thu phí do chưa đạt được sự đồng thuận với địa phương là UBND tỉnh Thái Nguyên. Mỗi tháng, nhà đầu tư đang phải trả 16 tỉ đồng lãi vay để thực hiện dự án, đồng thời phải quản lý đường, xử lý các điểm sụt trượt do mưa lũ.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, sau rất nhiều cuộc họp, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra thêm nhiều yêu cầu mà nhà đầu tư khó đáp ứng.
“Nếu cho thu, rất có thể sẽ rơi vào tình trạng như một số trạm BOT khác, nhưng nếu không được thu sẽ phá sản phương án tài chính của dự án. Theo yêu cầu của Thái Nguyên, nhà đầu tư đã nhượng bộ rất nhiều điều kiện, đặc biệt là giảm giá ở mức tối đa. Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, nếu tỉnh vẫn không có ý kiến chính thức, Bộ sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng”, ông này cho hay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không thể phủ nhận thực tế những lùm xùm của các dự án BOT, tuy nhiên, ứng xử với dự án BOT phải dựa trên hợp đồng và đúng luật. Việc xử lý hệ lụy BOT hiện nay nhiều trường hợp đang mang tính mệnh lệnh hành chính, không căn cứ trên hợp đồng sẽ tạo tiền lệ xấu và tâm lý bất an cho các nhà đầu tư tham gia vào BOT, nhất là trong kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng.
Bình luận (0)