Đằng sau những chuyến thăm của các tỉ phú thế giới tới Việt Nam

20/10/2024 17:07 GMT+7

Việt Nam trở thành từ khóa 'hot' trên truyền thông quốc tế khi nói về ngành công nghiệp bán dẫn, chip. Đặc biệt, trong năm 2024, những chuyến viếng thăm dồn dập của các tỉ phú công nghệ cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiếp tục để mắt tới tiềm năng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp 'thời thượng' này.

Bán dẫn "đốt nóng" vốn FDI

Theo tờ Nikkei Asia hồi giữa tháng 8, Alchip Technologies - nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan - đang mở rộng nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) sang Việt Nam, nơi họ đang có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên trong năm nay. Dự kiến, công ty của Alchip Technologies tại Việt Nam sẽ tăng số lượng nhân viên lên tới 100 kỹ sư trong vòng 2 - 3 năm. Phát biểu trên Nikkei Asia, lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp này còn cho hay họ ấn tượng với đạo đức nghề nghiệp, sự tận tụy, cam kết của các kỹ sư Việt Nam và đây là "lựa chọn cực kỳ hấp dẫn đối với chúng tôi".

Song song đó, các tập đoàn công nghệ chip ở Hàn Quốc cũng chuyển hướng sang đầu tư ở Việt Nam; Marvell (Mỹ) đặt Việt Nam vào "vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật" với mục tiêu tăng số lượng nhân viên địa phương lên khoảng 500 người vào năm 2026; Synopsys - nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới - được đánh giá là một trong những công ty tích cực nhất đầu tư vào Việt Nam, đến nay có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế ở nước ta.

Theo Nikkei Asia, Việt Nam đã thu hút khoảng 40 công ty quốc tế trong ngành chip bán dẫn từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hà Lan. Cùng với làn sóng này, các công ty trong nước như Viettel và FPT đã bắt đầu hoạt động, xây dựng nền tảng toàn diện cho ngành. "Việc có sẵn nhân lực công nghệ trong thời điểm thiếu hụt có thể giúp Việt Nam đạt được một trong những ước mơ ấp ủ từ lâu là nâng cao chuỗi giá trị công nghệ", tờ báo nhận định và cho rằng Việt Nam trở thành thỏi nam châm trong ngành chip với nguồn nhân lực chất lượng, giá cả phải chăng.

Đằng sau những chuyến thăm của các tỉ phú thế giới  tới Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Tim Cook tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

ẢNH: NHẬT BẮC

Một cách nhịp nhàng, từ khi cái tên Việt Nam liên tục được xướng trên các kênh truyền thông quốc tế về tiềm năng phát triển công nghệ bán dẫn, trữ lượng đất hiếm... thì những chuyến thăm của ông chủ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng nhộn nhịp hơn. Đơn cử tỉ phú Jensen Huang - CEO tập đoàn chip có vốn hóa lớn nhất thế giới là NVIDIA - đến Việt Nam và đã có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Tại thời điểm đó, tỉ phú Jensen Huang cho rằng Việt Nam có tiềm năng và sự hấp dẫn cho việc phát triển AI và khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai gần. Không chờ lâu, 4 tháng sau, Phó chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đã dẫn đoàn đến Việt Nam, tìm đất xây nhà máy.

Cũng trong năm nay, tỉ phú Bill Gates có chuyến bay đến Đà Nẵng trên chuyên cơ cá nhân, một hành trình rất riêng tư song khiến truyền thông trong nước và thế giới "dậy sóng". Bởi đây là lần thứ 3 Bill Gates đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin. Trang BNN Breaking nhận định sự trở lại của Bill Gates sau 18 năm là "minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam". Cùng thời điểm này, sự xuất hiện của 11 tỉ phú hàng đầu thế giới tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 vào cuối tháng 3 cũng khiến báo chí trong nước và thế giới tốn nhiều giấy mực.

Rồi chuyến đi ngắn ngày của CEO Apple - tỉ phú Tim Cook - trong tháng 4… Theo thông báo về chuyến đi của ông Tim Cook, Apple cho biết sẽ tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam, cùng với tiến triển mới trong sáng kiến hỗ trợ nước sạch cho các trường học địa phương. Công ty đã chi gần 400.000 tỉ đồng kể từ năm 2019 thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi mức chi hằng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ.

Đằng sau những chuyến thăm của các tỉ phú thế giới  tới Việt Nam- Ảnh 2.

Tỉ phú Jensen Huang - Chủ tịch kiêm CEO NVIDIA, đến Việt Nam cuối năm 2023

ẢNH: TTXVN

Đại bàng đến làm tổ ở ngành công nghiệp non trẻ

Không ngoài dự đoán, dự án tỉ USD đầu tiên trong năm nay liên quan lĩnh vực bán dẫn đã xuất hiện. Rất nhanh sau khi đưa dự án giai đoạn 1 vào hoạt động, cuối tháng 6 vừa qua, ông lớn trong ngành bán dẫn - Amkor (Hàn Quốc) - chính thức tăng vốn đầu tư thêm hơn 1 tỉ USD cho dự án tại Bắc Ninh. Amkor là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, đồng sáng lập là người Hàn Quốc, nhưng đặt trụ sở ở Mỹ. Đáng chú ý, Amkor chính là công ty tiên phong trong việc gia công, kiểm tra và đóng gói vi mạch điện tử và hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu như Samsung và Apple.

Cùng với Amkor, một số công ty bán dẫn lớn khác của Mỹ như Intel, Marvell và GlobalFoundries… cũng có những cam kết đầu tư đáng kể vào Việt Nam mà theo nhiều chuyên gia, những ông lớn này sẽ "định hình tương lai của hệ sinh thái bán dẫn" tại Việt Nam. Bởi đằng sau "đại bàng", là những bầy chim lớn nhỏ cùng tới làm tổ. Đó là Công ty Signetics Corporation - nhà cung cấp chất bán dẫn cho nhiều tập đoàn lớn như Samsung và SK - công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, dự kiến nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm sau. Dự án đầu tư trị giá 125 triệu USD của Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan) dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý 4 năm nay.

Mới nhất, tại sự kiện ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 do Đà Nẵng tổ chức cuối tháng 8 vừa qua đã có hàng loạt thỏa thuận hợp tác và ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn giữa chính quyền thành phố với các tập đoàn tên tuổi trong lĩnh vực này như: Synopsys International, Viettel, Sovico, Marvell Việt Nam, Makara Capital Partners…

Đằng sau những chuyến thăm của các tỉ phú thế giới  tới Việt Nam- Ảnh 3.

Phó chủ tịch NVIDIA thăm trung tâm dữ liệu thế hệ mới và duy nhất tại Việt Nam của CMC DC Tân Thuận

ẢNH: CTV

GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - nhận xét, bán dẫn đang "làm nóng" dòng đầu tư nước ngoài vào VN và dự báo thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn… sẽ tích cực hơn trong thời gian tới. Hiện điện tử và chất bán dẫn chiếm khoảng một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, phần lớn trong số đó được sản xuất bởi các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài. "Ngành bán dẫn non trẻ tại Việt Nam đã có những "đại bàng" công nghệ làm tổ. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tăng tốc, sớm đưa Việt Nam vào bản đồ bán dẫn thế giới trong thời gian sớm nhất có thể. Bán dẫn đang là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên toàn cầu và cuộc đua vào ngành này tại Việt Nam đang "nóng" lên", ông Mại kỳ vọng.

Hai lợi thế và "át chủ bài" đất hiếm

Tất nhiên, chẳng phải vô cớ mà các tỉ phú thế giới dành ưu ái cho Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đang sở hữu 3 lợi thế để có thể trở thành lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư. Thứ nhất là lợi thế về địa chính trị. Nếu lấy Việt Nam làm tâm và quay một vòng tròn có bán kính trong 4 - 5 giờ bay thì sẽ có thể bay đến những điểm đang chiếm 70% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Việt Nam có sự ổn định về chính trị, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh, có khát vọng xây dựng thành công ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ hai, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, có lợi thế ở khâu thiết kế và có chiến lược đào tạo phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn. Thứ ba là đất hiếm với trữ lượng đứng thứ 2 thế giới, với khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Đặc biệt, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm tích hợp theo chiều dọc và đã thu hút sự quan tâm từ các công ty trong nhiều lĩnh vực. Trong chuyến thăm đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose W.Fernandez cũng nói rõ: "Chất bán dẫn là lý do chính để tôi đến Việt Nam!".

Đằng sau những chuyến thăm của các tỉ phú thế giới  tới Việt Nam- Ảnh 4.

NVIDIA ký kết hợp tác với FPT

ẢNH: CTV

Theo chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng, đất hiếm là "át chủ bài" cho Việt Nam phát triển và tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn cầu. Các nền công nghiệp 4.0 trên thế giới đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm được sử dụng cho xe hơi điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác. Ông nhấn mạnh: "Việt Nam có nguồn trữ lượng đất hiếm dồi dào, nhưng chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu, an toàn cho môi trường. Thế nên, nếu hợp tác và được Mỹ hỗ trợ để thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác, chế biến… chắc chắn Việt Nam sẽ có vị thế tốt, bảo đảm trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Rõ ràng, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn".

Đồng quan điểm, chuyên gia vi mạch toàn cầu, GS-TS Đặng Lương Mô, cũng khẳng định đất hiếm là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip thế giới. Nguồn tài nguyên quý nếu được khai thác đúng kỹ thuật sẽ giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, các quy hoạch trong lĩnh vực đất hiếm của Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn thành.

"Mỹ đặt vấn đề về đất hiếm, đồng nghĩa hối thúc chúng ta sớm hoàn tất quy hoạch để thu hút đầu tư. Hiện tại, năng lực của doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ Mỹ, kể cả khâu thiết kế vi mạch. Việt Nam đang có lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch. Tuy nhiên, nếu không làm chủ được công nghệ, không khai thác được mảng nguồn nguyên liệu, thiết kế… thì giá trị gia tăng Việt Nam thu về trong ngành công nghiệp bán dẫn khó đạt như kỳ vọng. Như vậy, lợi thế cũng là thách thức lớn, nếu không tìm cơ hội khai thác làm chủ nguồn nguyên liệu bán dẫn".

Bàn sâu hơn về khai thác các lợi thế, GS-TS Đặng Lương Mô đề xuất Việt Nam nên chọn công đoạn "nhà giàu" mà làm trong 4 công đoạn chế tạo chip vi mạch (thiết kế, chế tạo, kiểm thử và đóng gói). Ông phân tích: Hiện nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đã thực hiện cả 4 công đoạn này tại Việt Nam. Chẳng hạn, Qualcomm và hầu hết các công ty thiết kế vi mạch hiện đang hoạt động ở Việt Nam đều đang có hoạt động thiết kế; chế tạo là TSMC; đóng gói là Intel Việt Nam. "Trong 4 công đoạn kể trên, thiết kế và sáng tạo đòi hỏi công nghệ cao, kỹ năng cao và cũng là những công đoạn tốn tiền hơn cả. Và sự tiến bộ của công nghệ vi mạch cho đến nay chủ yếu tập trung vào 2 công đoạn này do chúng được ưu tiên đầu tư cả về tiền bạc và nhân lực. Việt Nam muốn tham gia thành công trong chuỗi bán dẫn, nên chọn khâu khó này bởi chúng ta đã có tiềm lực lớn", GS Đặng Lương Mô khuyến nghị.

Trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Việt Nam đã bắt đầu hiện thực hóa khát vọng bằng cách ban hành các chính sách tập trung vào thu hút vốn FDI chất lượng cao và tăng cường đào tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề cao, có vị trí địa lý chiến lược, thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng, chi phí vận hành cạnh tranh và trên hết là đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là lý do Việt Nam được chọn.

Daphne Lee, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Đài Loan

Tại Mỹ, mức lương trung bình của kỹ sư bán dẫn lên tới gần 8.500 USD/tháng. Trong khi đó, nhà sản xuất chip Tokyo Electron của Nhật Bản trả gần 305.000 yên (gần 2.200 USD/tháng) cho sinh viên mới ra trường có thể làm việc ngay. Tại Đài Loan, thống kê của Cơ quan Giáo dục Đài Loan cho thấy kỹ sư bán dẫn có bằng cử nhân nhận lương khởi điểm khoảng 38.000-42.000 Đài tệ (25-33 triệu đồng). Cùng vị trí này nhưng có bằng thạc sĩ, người lao động có thể nhận 33-37 triệu đồng, hoặc 46-55 triệu đồng nếu có bằng tiến sĩ. Tại Việt Nam, các trang mạng đăng tuyển dụng kỹ sư bán dẫn với mức lương khởi điểm 1.000 USD/tháng.

Báo cáo của Bộ TT-TT công bố năm 2023 cho thấy Việt Nam đứng thứ ba trong các thị trường châu Á về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Tính từ tháng 2.2022 - 2.2023, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng gần 75%, từ 321,7 triệu USD lên 562,5 triệu USD, chiếm 11,6% thị phần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.