Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19.12 đã đến Minsk lần đầu tiên sau hơn 3 năm để gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. Theo TASS, hai nhà lãnh đạo trong cuộc họp báo chung sau hội đàm đã nói về việc cần phải chống lại áp lực kinh tế từ phương Tây và duy trì quan hệ quân sự bền chặt, nhưng không nhắc đến Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ngày 19.12 tại Minsk, Belarus |
Reuters |
Ông Putin thảo luận về việc tạo ra một "không gian phòng thủ thống nhất" với ông Lukashenko, đồng thời thông báo hai nước đồng ý tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung và sản xuất trang thiết bị quân sự mới. Trong khi đó, ông Lukashenko tuyên bố phương Tây sẽ không thể chia rẽ mối quan hệ Belarus - Nga. Đài RT đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã trao đổi với những người đồng cấp Belarus về việc tăng cường hợp tác.
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 299, ông Putin nói tình hình 'cực kỳ khó khăn', Ukraine đã 'sẵn sàng tâm lý' lấy Crimea bằng vũ lực |
Trước chuyến đi của Tổng thống Putin, Moscow cho biết quân đội Nga sẽ tập trận với lực lượng Belarus. Bộ Quốc phòng Belarus cũng thông báo đã hoàn thành một loạt cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Các động thái trên cùng những chuyển động quân sự trong nhiều tháng qua đã khiến Ukraine lo ngại Belarus có thể sẽ tham gia một cuộc tấn công mới vào Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19.12 bác bỏ những suy đoán trên và nói rằng những bài viết này là "bịa đặt vô căn cứ". Tổng thống Lukashenko cũng nhiều lần tuyên bố không có ý định đưa lực lượng vào Ukraine.
Trong lúc đó, Giám đốc Alexandru Musteata của Cơ quan An ninh và Tình báo Moldova (SIS) ngày 19.12 cảnh báo nguy cơ Nga tấn công vào phía đông đất nước này, theo The Guardian. Ông Musteata nói Nga đặt mục tiêu tạo ra hành lang trên bộ từ Ukraine đến vùng ly khai Transnistria ở Moldova. Ông Musteata cho biết SIS tin rằng Nga sẽ phát động cuộc tấn công vào tháng 1 - 2 hoặc tháng 3 - 4 năm 2023. Nga chưa phản ứng với các thông tin trên, nhưng Ngoại trưởng Lavrov hồi đầu tháng 9 đã cảnh báo Moldova không được gây nguy hiểm cho lực lượng Nga đồn trú ở Transnistria và cho biết động thái như vậy có thể gây ra đối đầu quân sự.
Tổng thống Putin chỉ đạo đảm bảo an toàn cho người dân các vùng Ukraine đã sáp nhập |
Cùng ngày, Tổng thống Putin cho biết tình hình tại Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia đang "cực kỳ khó khăn". Đây là 4 vùng Nga tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9 nhưng Ukraine và phương Tây không công nhận. Nhà lãnh đạo Nga cũng ra lệnh cho các cơ quan an ninh tăng cường giám sát để đảm bảo an ninh và chống lại các mối đe dọa mới. Theo Reuters, đây là lần hiếm hoi tổng thống Nga thừa nhận chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine diễn ra không suôn sẻ.
EU thống nhất áp giá trần khí đốt, Nga dọa phản ứng
Reuters ngày 20.12 đưa tin các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) hôm 19.12 đã thống nhất áp giá trần 180 euro/MWh đối với khí đốt sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng. Mức giá trần có thể bắt đầu được kích hoạt từ ngày 15.2.2023. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia chính thức phê duyệt bằng văn bản.
Đây là nỗ lực mới nhất của 27 quốc gia EU nhằm hạ giá khí đốt và chế ngự cuộc khủng hoảng năng lượng vốn dẫn đến lạm phát cao kỷ lục trong năm nay sau khi Nga ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, Ủy viên châu Âu về năng lượng Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu sẵn sàng đình chỉ việc áp giá trần khí đốt nếu các nhà quản lý nhận thấy rủi ro của biện pháp này lớn hơn lợi ích.
Theo Đài RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó tuyên bố động thái áp giá trần khí đốt của EU là cuộc tấn công vào giá thị trường và không thể chấp nhận được. Ông Peskov cho biết thêm rằng Nga sẽ đưa ra phản ứng thích hợp sau khi đánh giá cẩn thận việc này.
Nga phải chịu nỗi đau kinh tế, cô lập khắc nghiệt hơn vào năm 2023? |
Bình luận (0)