Tờ Bangkok Post ngày 22.5 dẫn nguồn thạo tin cho biết Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đang xem xét đơn khiếu nại của nghị sĩ Ruangkrai Leekitwattana thuộc đảng Palang Pracharath thân quân đội đối với ông Pita Limjaroenrat, ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng Thái Lan. Đảng Tiến lên của ông Pita cùng 7 đảng liên minh đã giành 313/500 ghế hạ viện trong cuộc bầu cử hồi giữa tháng 5 và đang đối thoại để lập chính phủ.
Ông Ruangkrai cho rằng ông Pita sở hữu 42.000 cổ phiếu trong công ty truyền thông iTV nhưng không báo cáo điều này cho Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia trước khi nhậm chức nghị sĩ vào năm 2019. Luật Thái Lan cấm cổ đông của công ty truyền thông trở thành nghị sĩ. Ông Pita giải thích đó là tài sản của cha ông và được sang tên sau khi người cha qua đời. Ông cũng nói đã giải thích với EC trước khi nhậm chức sau kỳ bầu cử năm đó.
Nguồn tin của Bangkok Post nói rằng EC không thể viện dẫn luật cơ bản về bầu cử nghị sĩ trong trường hợp của ông Pita vì mục 61 trong luật này quy định ủy ban chỉ có thể tước tư cách ứng viên khi cuộc bầu cử chưa kết thúc. Do cuộc bầu cử đã hoàn tất nên EC không còn cơ sở pháp lý để loại ứng viên hay nghị sĩ đắc cử.
Tuy nhiên, mục 82 của hiến pháp nêu rằng EC có thể tước tư cách nghị sĩ của một cá nhân nếu có phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Dù vậy, do ông Pita chưa chính thức nhậm chức sau cuộc bầu cử vừa qua nên EC phải chờ điều đó xảy ra rồi mới có thể đưa vụ án lên Tòa án Hiến pháp.
Phe đối lập Thái Lan thắng cử, sẽ thảo luận liên minh với đảng của gia tộc Shinawatra
Trong thời gian đó, ông Ruangkrai nói sẽ nộp thêm tài liệu để làm bằng chứng cho cáo buộc của mình. Đơn kiện cũng làm dấy lên câu hỏi rằng liệu tư cách tranh cử của các ứng viên nghị sĩ đảng Tiến lên tại 400 khu vực bầu cử có thể bị coi là không hợp lệ, khi ông Pita - người phê duyệt cho họ, bị loại.
Trong một vụ việc khác, luật sư Theerayuth Suwankaesorn đã nộp đơn khiếu nại lên EC, kêu gọi ủy ban này đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét liệu đảng Tiến lên có gây tổn hại đến nền quân chủ khi tuyên bố kế hoạch cải cách luật chống phỉ báng hoàng gia.
"Kế hoạch của đảng này có thể gây xói mòn, tổn hại thể chế chủ chốt của quốc gia", ông Theerayuth nói với báo chí ngày 22.5. Theo ông, một phán quyết bất lợi có thể khiến đảng Tiến lên bị giải thể. Tuy nhiên, Bangkok Post đưa tin khiếu nại này chưa được EC chính thức chấp nhận.
Cam kết của đảng Tiến lên về việc sửa đổi luật chống phỉ báng hoàng gia - quy định việc xử phạt người chỉ trích nhà vua và thành viên hoàng gia, được cho là điểm mấu chốt gây bất hòa giữa các đảng liên minh trong bối cảnh họ tìm cách lập chính phủ đa số.
Liên minh nói trên ngày 22.5 ký thỏa thuận sẽ soạn thảo hiến pháp mới, chấm dứt sự độc quyền trong kinh doanh, cho phép hôn nhân đồng giới và các vấn đề khác nhưng không nhắc đến luật chống phỉ báng hoàng gia, theo Reuters.
Người trở thành thủ tướng Thái Lan phải nhận được sự ủng hộ quá bán từ 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ, vốn do chính quyền quân sự chỉ định, tương ứng với tối thiểu 376 phiếu. Do đó, ông Pita sẽ phải lôi kéo thêm các đảng khác vào liên minh hoặc thuyết phục được ít nhất 63 thượng nghị sĩ ủng hộ mình.
Bình luận (0)