Thảo luận về dự thảo luật Công an nhân dân sửa đổi chiều 6.11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, số lượng cấp hàm tướng như quy định tại dự thảo là nhiều.
Theo đại biểu Hòa, trên thế giới hiện nay, ở một số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an chỉ là dân sự mà vẫn là chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành. Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm nhưng phải tính sao cho hợp lý.
“Nước ta đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, hàm tướng có cần nhiều như thế hay không?”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu câu hỏi và đề nghị, cấp tướng phải tương ứng với quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm cấp tướng mà không có quân số.
Từ đó, đại biểu Hòa cho rằng, hàm trung tướng đối với những người giữ chức vụ cục trưởng và tương đương với số lượng là 32 như dự thảo là nhiều và đề nghị Quốc hội cân nhắc. Bên cạnh đó, hàm thiếu tướng không quá 11 với giám đốc công an tỉnh, thành phố loại 1 là còn bất cập với các tỉnh, thành phố khác.
“Có thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì giải quyết ra sao? Có phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an các tỉnh này hay không hay điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11 vì nếu phong thiếu tướng thì sẽ vượt con số đã quy định”, đại biểu Hòa băn khoăn và cho rằng, người mang hàm thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian công tác trong ngành hơn người mang hàm đại tá của tỉnh, thành khác. Vì thế, quy định cứng như dự thảo là không hợp lý.
“Trong hệ thống chính trị không lẽ tỉnh lớn thì có người là ủy viên trung ương, có nơi lại không?”, đại biểu Hòa nêu.
Nên quy định giám đốc công an tất cả các tỉnh là thiếu tướng
Trong khi đó, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, việc giám đốc công an tỉnh có trần quân hàm thiếu tướng là hợp lý. Tuy nhiên, ông Thưởng lại băn khoăn khi dự thảo chỉ quy định trần cấp hàm thiếu tướng cho các tỉnh, thành phố loại 1.
Ông Thưởng đề nghị cần phải khảo sát xem thực tế hiện nay có bao nhiêu trường hợp cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đang giữ chức vụ giám đốc công an tỉnh không phải thuộc đơn vị hành chính loại 1 và có quy định chuyển tiếp về những trường hợp này.
Theo đại biểu Thưởng, việc lấy đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh là chưa sát chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an.
“Việc xác định tỉnh, thành phố loại 1, 2, 3 đôi khi chỉ có tác dụng tương đối. Loại 1 về kinh tế, dân số, diện tích chưa hản bao giờ cũng là loại 1 về quốc phòng, an ninh và ngược lại”, đại biểu Thưởng nói và cho rằng, thực tế nhiều tỉnh không được xếp loại 1 nhưng lại có vị trí chiến lược về an ninh trật tự. Vì thế, người đứng đầu lực lượng công an các địa phương này cần có cấp bậc hàm tương đương với các đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu Thưởng cho rằng, giám đốc công an tỉnh giữ nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng ngàn nhưng cấp hàm chỉ là đại tá, tương đương với cấp phòng của Bộ Công an là không hợp lý.
Ngoài ra, đại biểu Thưởng cho rằng, theo quy định hiện hành, giám đốc công an tỉnh có chức vụ tương đương cục trưởng, được quy hoạch, đề bạt trực tiếp lên thứ trưởng. Cục trưởng muốn lên thứ trưởng phải luân chuyển về địa phương để đào tạo theo quy định. Nếu 2 cấp bậc hàm này mà vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách.
Từ đó, đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị giám đốc côgn an tỉnh, thành phố tại một số địa phương có vị trí chiến lược, phức tạp và quan trọng về an ninh, trật tự ngoài đơn vị hành chính loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
“Về lâu dài nên đưa vào luật trần cấp hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh là thiếu tướng trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như xem xét luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam cho đồng bộ với luật này”, đại biểu Thưởng kiến nghị.
Bình luận (0)