Đang thụ án, được về nhà nhờ Viện kiểm sát 'lật lại' vụ án

27/07/2023 06:17 GMT+7

Hôm 20.7, khi ông Phan Thành Mạnh, 52 tuổi, ngụ Tây Ninh, đang chấp hành hình phạt 7 năm tù ở trại giam tại Bình Phước về tội hủy hoại rừng, thì được tạm đình chỉ thi hành án và cho về nhà, do có kháng nghị giám đốc thẩm. Lúc này ông Mạnh đã chấp hành án được 9 tháng tù.

VIỆN KIỂM SÁT 2 LẦN KHÁNG NGHỊ

Theo đó, ngày 13.7, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (Viện KSND cấp cao) ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án sơ thẩm của TAND H.Tân Biên và phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh vì đã tuyên phạt ông Mạnh 7 năm tù về tội hủy hoại rừng, cách đây hơn 1 năm.

Đang thụ án, được về nhà nhờ Viện kiểm sát 'lật lại' vụ án - Ảnh 1.

Bà con lối xóm đến thăm ông Phan Thành Mạnh (thứ 2 từ trái qua) được tạm đình chỉ thi hành án và cho về nhà

NVCC

Kháng nghị còn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ hai bản án trên để điều tra lại. Đây là lần thứ hai, Viện KSND cấp cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Viện KSND cấp cao còn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án đối với ông Mạnh để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2012, Ban Quản lý khu rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng với ông Lê Ngọc Tuyên 5,8 ha đất trồng rừng, thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2014, ông Tuyên tự ý lập hợp đồng viết tay sang nhượng diện tích rừng trên cho ông Mạnh tiếp tục chăm sóc cây rừng và canh tác trồng xen cây nông nghiệp.

Từ năm 2015 - 2018, ông Mạnh trồng xen cây khoai mì. Do cây rừng phát triển nhanh, che ánh sáng của cây khoai mì nên ông Mạnh đã chặt 939 cây rừng gồm cây dầu, sao, keo với diện tích hơn 9.500 m2, gây thiệt hại hơn 86 triệu đồng.

Sau đó, ông Mạnh bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội hủy hoại rừng. Năm 2020, TAND H.Tân Biên xét xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt ông Mạnh 3 năm tù. Ông Mạnh kháng cáo kêu oan, nhưng khi xét xử phúc thẩm thì TAND tỉnh Tây Ninh bác kháng cáo.

Ông Mạnh tiếp tục cầu cứu tới các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại bản án kết tội mình. Đến năm 2021, Viện KSND cấp cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có nhiều vi phạm, thiếu sót. Cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử lý ông Mạnh về tội hủy hoại rừng là không đúng và cũng không đủ định lượng để xử lý hình sự.

Sau đó, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, tuyên chấp nhận kháng nghị, hủy bản án của TAND tỉnh Tây Ninh và TAND H.Tân Biên đã kết tội ông Mạnh để điều tra, xét xử lại.

Tháng 4.2022, TAND H.Tân Biên xét xử sơ thẩm lần hai, phạt ông Mạnh 7 năm tù, nặng hơn tới 4 năm so với xét xử sơ thẩm lần đầu. Ông Mạnh lại tiếp tục kháng cáo kêu oan. Lần thứ hai, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Mạnh phải chấp hành hình phạt tù.

CHƯA ĐỦ CĂN CỨ ĐỂ KẾT TỘI

Kháng nghị của Viện KSND cấp cao một lần nữa đã chỉ ra 3 vấn đề cho thấy chưa đủ căn cứ để kết tội ông Mạnh.

Thứ nhất, về tiêu chí xác định rừng để định tội danh thì cần phải làm rõ vào thời điểm ông Mạnh chặt, cây trồng đã thành rừng hay chưa, thì mới đủ căn cứ định tội.

Thứ hai, về trưng cầu giám định, giữa Cơ quan CSĐT Công an H.Tân Biên và Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN) ký hợp đồng giám định "mẫu vật". Thế nhưng yêu cầu và kết luận lại xác định diện tích cây trồng có thành rừng hay chưa, giám định thiệt hại diện tích rừng và trữ lượng lâm sản, là không phù hợp với tiêu chí "mẫu vật" tại Nghị định số 160 năm 2013 và Nghị định số 6 năm 2019 của Chính phủ.

Thứ ba, về nội dung kết luận giám định, bản án sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào kết luận giám định tư pháp năm 2021 của Viện Sinh học nhiệt đới, có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung không đảm bảo tính khách quan…

Từ đó, Viện KSND cấp cao khẳng định hai cấp tòa của Tây Ninh tuyên phạt tù ông Mạnh phạm tội hủy hoại rừng là nhận định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, gây bất lợi cho ông Mạnh, cần phải điều tra lại. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.