Đáng tiếc nếu chỉ có một bộ sách giáo khoa!: Sẽ lãng phí công sức, tiền bạc

27/02/2019 07:15 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản đã đầu tư công sức và tiền bạc cho việc biên soạn sách giáo khoa.

Điều này khiến các chuyên gia lo ngại nếu bỏ quy định có nhiều sách giáo khoa (SGK) thì không những không thực hiện được một chủ trương tiến bộ mà còn gây nên những hụt hẫng, lãng phí không nhỏ về công sức, tiền bạc.

Đã chuẩn bị kỹ cho chủ trương nhiều SGK

Từ tháng 9.2018, trả lời Báo Thanh Niên về việc chuẩn bị thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về nhiều SGK, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đã khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện nghị quyết.
Cụ thể, ông Thành cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Căn cứ thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá "đạt" sẽ được Bộ trưởng GD-ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng.
Đến cuối tháng 12.2018 khi họp báo công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định vì sẽ có nhiều SGK nên Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm công bằng, minh bạch, tất cả vì quyền lợi của học sinh.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho hay từ khi Bộ GD-ĐT bắt đầu công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ngày 12.4.2017), đặc biệt là từ khi công bố dự thảo các chương trình môn học (ngày 19.1.2018), nhiều nhà xuất bản đã đứng ra tổ chức, nhiều nhóm tác giả đã tập hợp để viết sách và có thể nói nhiều quyển sách đang ở giai đoạn hoàn thiện. Do đó, ông Thuyết nhận định: “Khi Quốc hội ra một chủ trương mới, cần hết sức cân nhắc bởi có thể gây hụt hẫng cho các tổ chức, cá nhân đang hăm hở đóng góp, tham gia vào việc viết SGK”.
Ông Thuyết bày tỏ băn khoăn vì việc này cũng khiến các nhà xuất bản, các nhóm tác giả phải chịu những mất mát không nhỏ về công sức và tiền bạc bỏ ra trong cả năm qua. “Làm một quyển SGK nhiều công phu lắm, chứ không giống như loại sách khác. Chưa kể, sau này sẽ rất khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào những công việc tương tự công việc này, bởi người ta khó có thể an tâm làm việc khi chủ trương có thể thay đổi 180 độ”, GS Thuyết nói.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông VN, cũng cho rằng để triển khai kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các nhà xuất bản và nhóm tác giả đều phải tiến hành nghiên cứu, hội thảo và bắt tay viết và dạy thử một số bài học cụ thể trong SGK mới.
“Tới thời điểm này chúng ta không nên thay đổi một chủ trương mới và rất lớn về canh tân giáo dục”, ông Ân nói và đề nghị: “Có lẽ trọng tâm, cấp thiết và hệ trọng lúc này là Chính phủ cần chỉ đạo Bộ có những việc làm cụ thể để các nhà xuất bản có chức năng làm được bộ SGK có chất lượng, được cạnh tranh công khai, công bằng và các trường học được dân chủ, khoa học lựa chọn bộ SGK phù hợp nhất cho giáo viên và học sinh trường mình”.

Giải pháp thực hiện nhiều SGK cần đủ thuyết phục

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để thuyết phục được Quốc hội và một bộ phận dư luận về việc thực hiện một chương trình nhiều SGK thì Chính phủ, cụ thể là Bộ GD-ĐT cần đưa ra được những giải pháp thật sự thuyết phục, khả thi, làm cho mọi người yên tâm.
Ông Đặng Tự Ân cho rằng Bộ GD-ĐT cần có văn bản quy định chi tiết về quá trình lựa chọn SGK ở các nhà trường. Điều cơ bản và quan trọng nhất để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, tránh những tiêu cực trong thương trường cũng như tư tưởng vụ lợi cá nhân. “Quy định minh bạch, công khai và khoa học là linh hồn của chủ trương một chương trình có nhiều bộ SGK”, ông Ân nói.
Trả lời Thanh Niên trước đó về lo ngại khi có nhiều SGK thì cơ chế chọn SGK sẽ được quy định ra sao để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học, chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết: “Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh. Có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh. Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn”.
Nhiều nhà xuất bản và nhóm tác giả đã đầu tư biên soạn SGK
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, đến thời điểm này có các nhà xuất bản, nhóm tác giả đã tiến hành chuẩn bị biên soạn SGK mới. Trong đó, riêng Nhà xuất bản Giáo dục VN (NXB GDVN) đã chuẩn bị biên soạn 5 bộ, trong đó có bộ từ lớp 1 - 12 do các tác giả miền Bắc biên soạn, sẽ dùng để đấu thầu làm bộ SGK của Bộ GD-ĐT. Bộ sách thứ hai, do NXB GDVN liên kết với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, do các tác giả miền Nam soạn, dùng cho TP.HCM và có thể cả các tỉnh phía nam. Bộ sách thứ ba (từ lớp 1 - 5) là bộ “Công nghệ giáo dục” do nhóm tác giả của GS Hồ Ngọc Đại (Trung tâm công nghệ giáo dục, NXB GDVN) biên soạn. Bộ SGK thứ tư mang tên “Cùng học để phát triển năng lực”, phát triển từ tài liệu và phương pháp dạy học của mô hình trường học mới VN (VNEN) từ lớp 1 - 12 do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, một công ty thành viên của NXB GDVN biên soạn...
Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị dạy học VN (VEPIC) (do ông Ngô Trần Ái, nguyên Tổng giám đốc NXB GDVN, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) cũng đã chuẩn bị một bộ sách từ lớp 1 - 12. NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội… cũng chuẩn bị nguồn lực để tham gia biên soạn.
Đến nay, ngoài NXB GDVN, Bộ Thông tin - Truyền thông đã cấp phép thêm 5 NXB khác đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên được bổ sung chức năng xuất bản SGK trong giấy phép thành lập, gồm: NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Vinh và NXB ĐH Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.