Đặng Trần Thủy Tiên, hoa khôi từng mắc ung thư và cuộc chia ly đẫm nước mắt

04/08/2022 16:13 GMT+7

Đối mặt với “cú sốc” ung thư khi mới 19 tuổi, chứng kiến những cuộc đời bị căn bệnh này cướp đi đã mang đến cho Đặng Trần Thủy Tiên (hoa khôi truyền cảm hứng của Trường đại học Ngoại thương) một trái tim mạnh mẽ nhưng cũng tha thiết yêu thương.

Cô mang từ khóa “Tích cực” đến với Tọa đàm “Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z” do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 3.8.2022.

Đặng Trần Thủy Tiên chia sẻ quan điểm tại Tọa đàm “Sống đẹp – Góc nhìn Gen Z” ngày 3.8.2022

Nhật Thịnh

Chiến đấu vì gia đình

19 tuổi, Thủy Tiên phát hiện mình bị ung thư vú. Nhớ lại khoảng thời gian đó, cô sinh viên Trường đại học Ngoại thương ngậm ngùi: “Em chưa bao giờ nghĩ mình nghèo cho đến khi bị bệnh ung thư. Có những ngày em đi truyền hóa chất mà hóa đơn lên đến hàng trăm triệu đồng. Có bảo hiểm thì còn chín mấy triệu, còn không thì trăm triệu đồng. Cứ tầm 2 tuần em truyền một lần. Có đợt 1 tháng truyền một lần thì đỡ hơn”. Lúc ấy, thay vì nghĩ đến bệnh tật của bản thân, Thủy Tiên lo cho gia đình nhiều hơn. Vì điều trị bệnh ung thư tốn kém kinh khủng nên để có chi phí điều trị cho Tiên, gia đình đã phải cắt giảm chi phí sinh hoạt. Đến em trai cô bình thường rất nghịch, hay cãi lời cô mà đến lúc biết tin chị bệnh cũng trở nên hiểu chuyện, chấp nhận bỏ học bóng rổ để chắt chiu tiền chữa bệnh cho chị.

Nghĩ đến sự hy sinh của gia đình, Thủy Tiên xốc lại tinh thần. Cô nói: “Phải nghĩ là mình vẫn còn trẻ và ít ra mình vẫn còn cơ hội, chứ nhiều người phát hiện ra ở giai đoạn quá muộn thì họ không còn cơ hội nữa”.

Đứng trước lằn ranh sinh tử, con người bỗng biết trân quý mọi cơ hội. Thủy Tiên cho biết ước mơ của cô là được đứng trên sân khấu, được mặc những bộ váy lộng lẫy như một nàng công chúa. Nghĩ rằng “không thể để ung thư ngăn cản ước mơ của mình”, cô đăng ký dự thi cuộc thi Hoa khôi Duyên dáng Ngoại thương. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn với mái đầu cạo trọc bước đi kiêu hãnh trên sân khấu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Nhờ cơ duyên đó, Tiên được Bệnh viện K cùng nhiều hãng dược hỗ trợ kinh phí. Cô có thêm động lực để chiến đấu cùng bệnh tật.

Nữ sinh Đại học Ngoại thương lấy gia đình và ước mơ làm điểm tựa chiến thắng bệnh ung thư

Nhật Thịnh

Phần cơm từ thiện thay đổi cuộc đời

Khi chúng tôi hỏi về lý do Thủy Tiên năng nổ đồng hành cùng các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư, cô cho biết mọi thứ bắt nguồn từ những suất cơm từ thiện. Tiên kể: “Thời gian đầu khi chưa được hỗ trợ, khó khăn đến mức gần như ngày nào gia đình em đi viện cũng ăn cơm từ thiện. Với hoàn cảnh trước đây, em chưa bao giờ nghĩ mình phải nhận sự giúp đỡ của người khác. Khi nhận được sự giúp đỡ, em thật sự cảm thấy nhân sinh quan của mình thay đổi rất nhiều. Đi bệnh viện cũng thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, trước đây cuộc sống của em không có nhiều biến động lớn nên không hình dung được những hoàn cảnh quanh mình họ phải đối mặt với cuộc sống ra sao”.

“Khi em nhận được sự giúp đỡ, em mong muốn được quay lại để giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh như mình đã từng. Em nhận thấy khi mình cho đi là mình nhận lại được nhiều hơn”, cô nói.

Từ đây, Thủy Tiên bước vào hành trình thiện nguyện không biết mệt mỏi. Cô từng làm đại sứ và người đồng hành cho chương trình “Mặt trời hy vọng”. Ở buổi đón tiếp trẻ em yếu thế ở Phủ Chủ tịch nước hay buổi triển lãm tranh tại trụ sở Liên hợp quốc tại Việt Nam, Thủy Tiên làm MC và người đồng hành. Trước khi làm MC dẫn chương trình, cô cũng dành thời gian làm quen với các bạn nhỏ yếu thế, cùng chơi, cùng trò chuyện với các em. Từ đó thấu hiểu tâm trạng của các vị phụ huynh khi có con bị ung thư, bị tự kỷ.

Nhận được sự giúp đỡ lúc khó khăn, Thủy Tiên mong muốn “trả ơn” cho cộng đồng

nhân vật cung cấp

Cuộc chia ly đẫm nước mắt

Nói về một bệnh nhân ung thư khiến Thủy Tiên không thể quên được, cô nghẹn ngào nhớ về một bé gái 6 tuổi tên Thùy Linh, quê ở Nghệ An. Tiên kể thời gian trước dịch Covid mình hay lên viện để thăm các em nhỏ, mỗi tuần ít nhất một lần. Nhờ thế mà cô quen Thùy Linh, một cô bé mắc ung thư xương chân và phải cắt bỏ 1 phần xương chân, cắt bỏ đến tận đùi. Thủy Tiên kể: “Phát hiện ung thư lúc chuẩn bị vào lớp 1 nên thực tế Linh chưa một ngày nào được đi học cả, nhưng em ấy rất thích được đến lớp. Bệnh viện K có “Lớp học hạnh phúc” và em có đi giảng dạy ở đó, nên gặp Thùy Linh. Ngày nào khỏe thì bạn ấy tự nhảy lò cò đến lớp, ngày nào yếu thì phải nhờ bà đẩy xe lăn. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi mà khối u đã di căn lên mặt, chảy cả mủ rất đau đớn, em vẫn thấy Thùy Linh đi học, vẫn đến lớp. Em vẫn tương tác, vẫn dạy học. Cảm giác bạn ấy ngồi trong lòng mình, bạn ấy bé xíu, thương lắm”.

Thủy Tiên có hẹn sang tuần sẽ lên chơi với Linh, nhưng chưa kịp lên thì biết tin em đã về Nghệ An vì quá yếu. Trước khi Linh mất 1 ngày, Thủy Tiên có linh cảm rất lạ. Ngay trong đêm ấy, cô từ Hà Nội về Nghệ An để thăm cô học trò nhỏ của mình. “Về đến nơi thì thấy thương lắm, bạn ấy cả tháng trời không ăn uống được gì nên chỉ có da bọc xương. Hai chị em về chỉ kịp nhìn nhau xong ôm Thùy Linh vào trong lòng. Thùy Linh lúc đó không thể nói được nữa vì quá yếu nhưng vẫn nhận ra em. Hai chị em nhìn nhau chỉ biết rơi nước mắt, không biết làm gì trong lúc ấy. Nhà Thùy Linh rất nghèo. Nhà có ông ngoại, bà ngoại, cậu, dì, mẹ, bố Thùy Linh đã bỏ đi khi em ấy vừa mới ra đời, Thùy Linh và anh trai. Gia đình có 7 người thì 3 người bị tâm thần là cậu, dì và mẹ. Chỉ có ông bà ngoại đã già là lao động chính. Em nghĩ gia tài quý giá nhất của gia đình là cái quạt hơi nước vì ở miền Trung rất nóng, có mỗi cái quạt quý giá nhất thì cũng dành cho Thùy Linh rồi. Thậm chí nhà còn không có nhà vệ sinh, đi tắm rửa rồi đi vệ sinh hết cả ngoài trời luôn. Ôm Thùy Linh một cái thì em cũng phải về Hà Nội luôn vì hôm sau em cũng có việc. Thế rồi hôm sau Thùy Linh mất”, Thủy Tiên xúc động nhớ lại.

Thời điểm sau này, Thủy Tiên vẫn âm thầm giúp đỡ anh trai của cô học trò nhỏ. Tiên dặn chúng tôi đừng viết chuyện này lên báo, bởi khoản giúp đỡ của cô không đáng kể gì so với những khó khăn mà gia đình Thùy Linh đang phải đối mặt. Tiên bảo nếu có thể, mong Báo Thanh Niên hãy viết một bài về khó khăn của gia đình cô trò nhỏ đã vĩnh viễn ra đi của mình. Đó là khoảnh khắc chúng ta nhận ra mình đang đứng trước một Gen Z với tinh thần “Sống đẹp” bình dị mà cao quý vô ngần.

Đồng hành cùng trẻ em yếu thế là khát khao và mong muốn của Thủy Tiên

nhân vật cung cấp

Ngày 3.8.2022, Đặng Trần Thủy Tiên xuất hiện đầy rạng rỡ và lạc quan tại Tọa đàm “Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z” do Báo Thanh Niên tổ chức. Câu chuyện của cô đã truyền cảm hứng cho hàng trăm bạn sinh viên từ các trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, Trường THPT Trần Nhân Tông… Cô chọn từ khóa “Tích cực” để biểu đạt tinh thần “Sống đẹp” của mình, như cách cô gái 19 tuổi năm nào đã mạnh mẽ vượt qua căn bệnh ung thư, sải bước tự tin trên sân khấu các cuộc thi nhan sắc.

Tọa đàm “Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z” là sự kiện trong khuôn khổ cuộc thi viết “Sống đẹp” được phát động từ ngày 26.3.2022 và sẽ kéo dài đến hết ngày 30.9.2022. Cuộc thi có sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC. Bên cạnh Đặng Trần Thủy Tiên, tọa đàm còn có sự tham gia của các khách mời như Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021; Phan Đình Long Nhật - top 3 cuộc thi Schneider Go Green 2021, 2022; Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương…

Sau tọa đàm “Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z”, Báo Thanh Niên sẽ triển khai chuỗi talkshow cởi mở dành riêng cho Gen Z, quy tụ nhiều gương mặt được giới trẻ yêu mến. Thường xuyên theo dõi các kênh của Báo Thanh Niên, Facebook, Youtube và Tiktok Báo Thanh Niên để cập nhật về chuỗi talkshow này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.