Đang vào mùa mưa, tại sao liên tục xuất hiện chó dại cắn người ở Đắk Nông?

22/09/2023 11:44 GMT+7

Mặc dù đang bước vào mùa mưa nhưng tình trạng chó dại cắn người liên tục xuất hiện ở Đắk Nông. Địa phương đã ghi nhận 2 người tử vong vì mắc bệnh dại.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, trong tháng 8 vừa qua, trên địa bàn H.Tuy Đức (Đắk Nông) có 3 trường hợp bị chó dại cắn. Trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đến tháng 9, có thêm 2 trường hợp học sinh tiểu học bị chó dại cắn trước cổng trường. Trong đó có một em bị nặng phải chuyển về TP.HCM điều trị. Mới nhất, ngày 16.9, em H. (13 tuổi, ngụ xã Đắk Ngo, H.Tuy Đức) đã tử vong vì mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn. 

Tại sao mùa mưa nhưng liên tục xuất hiện chó dại cắn người?

Giải thích về việc dù Đắk Nông đang bước vào mưa nhưng liên tục xuất hiện chó dại cắn người, bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Huynh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết bệnh dại là căn bệnh do vi rút dại gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương. Sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể chó, nó sẽ đi về hệ thần kinh trung ương như não và tủy sống để gây tê liệt, viêm não cấp tính khiến cho chó không thể kiểm soát được thần kinh của mình.

Đang vào mùa mưa, tại sao liên tục xuất hiện chó dại cắn người ở Đắk Nông?  - Ảnh 1.

Ngày 14.9, lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Nông tiêu diệt con chó béc giê cắn 2 em học sinh tiểu học

CTV

Tại Việt Nam, mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất, đỉnh điểm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8, trong đó có tỉnh Đắk Nông.

Mặc dù thời điểm này đang là mùa mưa, tuy nhiên, nhiệt độ tại tỉnh Đắk Nông dao động từ 20-37 độ C (biên độ dao động 17 độ C), xen kẽ có nhiều cơn mưa, làm cho nhiệt độ trong ngày có nhiều lần tăng, giảm. Do vậy, chó dại thường tấn công con người vào những ngày có biên độ nhiệt độ dao động lớn kết hợp mưa, nắng xen kẽ.

Cần thay đổi tập quán nuôi chó, mèo thả rông và không đeo rọ mõm

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, tình trạng nuôi chó thả rông và không rọ mõm diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Đắk Nông.

Nhìn nhận về thực trạng nói trên, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Huỳnh Thanh Huynh cho rằng tập quán nuôi chó, mèo của người dân tỉnh Đắk Nông chủ yếu là nuôi thả rông, không rọ mõm, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đứng về góc độ y khoa, thì việc này có nhiều rủi ro cho những người dân xung quanh.

Cụ thể, việc nuôi chó, mèo thả rông sẽ rất nguy hiểm nếu chó cắn người. Chó cắn có thể gây ra các di chứng tàn tật suốt đời; có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bệnh dại, thậm chí tử vong nếu không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Đang vào mùa mưa, tại sao liên tục xuất hiện chó dại cắn người ở Đắk Nông?  - Ảnh 2.

Chó béc giê cắn em K. (học sinh lớp 3) rất nghiêm trọng, hiện em được chuyển xuống TP.HCM để điều trị

CTV

Ngoài ra, việc nuôi chó mèo thả rông, không rọ mõm gây bất an cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ và cũng đã có những vụ việc thương tâm xảy ra do chó cắn.

"Đơn cử như chiều 13.9, em H.N.A.K và N.T.Đ (đều là học sinh lớp 3, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai), đứng ngoài cổng trường để bố mẹ tới đón về thì bị con chó lao vào tấn công. Em Đ. bị khâu 3 mũi ở tay, hiện sức khỏe đã ổn định. Riêng em K. bị chó cắn vào miệng, vết cắn sâu ở phần môi trên, môi dưới và cằm, hiện em đã được chuyển xuống TP.HCM để tiếp tục điều trị", BS Huynh dẫn chứng.

BS Huynh khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, nạn nhân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch, đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Huỳnh Thanh Huynh, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây từ động vật sang người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%; chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất với khoảng 97% số trường hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.