Dành 12 ngày cho học sinh lớp 1 làm quen trước khi học trực tuyến

01/09/2021 17:09 GMT+7

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu với học sinh lớp 1 , giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh làm quen với học trực tuyến đến ngày 12.9. Sau đó dạy học trực tuyến với thời lượng tối đa 3 tiết/ngày.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở này vừa có văn bản gửi các phòng GD-ĐT, các trường hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 cấp tiểu học. Trong đó có những lưu ý đặc biệt với việc dạy học lớp 1 trong bối cảnh học sinh chưa thể đến trường vì dịch Covid-19.
Trong thời gian học sinh không thể đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường chủ động thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của dịch, tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với khả năng đáp ứng của trường và điều kiện thực tế của học sinh.
Cũng theo ông Tiến, trước khi bước vào năm học mới, các trường và phòng GD-ĐT tiếp tục có các hình thức họp bàn, khảo sát về điều kiện của từng gia đình học sinh về việc dạy học trực tuyến; qua đó có giải pháp cụ thể hỗ trợ học sinh khó khăn.
Ông Tiến cũng cho biết, với học sinh lớp 1, từ  ngày 1 - 12.9, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm trao đổi và thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến.
Giáo viên hướng dẫn phụ huynh cho các con theo dõi chương trình "Dạy học tiếng Việt" được phát sóng trên kênh VTV7 (từ ngày 6.9).

Học sinh lớp 1 cần có sự hỗ trợ của bố mẹ khi học trực tuyến

ẢNH PHHS

Không học trực tuyến quá 3 tiết/ngày

Ông Tiến cho biết, từ 13 - 30.9, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các trường tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày theo hình thức trực tuyến với giáo viên.
"Chúng tôi đã tính toán và cân nhắc rất kỹ về mặt khoa học giáo dục và tâm lý của trẻ 6 tuổi khi buộc phải học trực tuyến và quyết định đưa thời lượng này để các trường thực hiện, không lạm dụng bắt học sinh học tới 6-7 tiết/ngày như học trực tiếp", ông Tiến nói. 
Do vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu: "Các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2; sắp xếp thời khóa biểu khoa học, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn toán; lựa chọn các nội dung dạy học phù hợp với hình thức dạy trực tuyến".
Sở này cũng hướng dẫn các trường sắp xếp thời gian học và các môn học phù hợp, tránh gây áp lực cho học sinh. Với một số môn như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, một số bài môn đạo đức, môn tự nhiên và xã hội, giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video clip gửi cho phụ huynh học sinh để phụ huynh giúp con thực hiện các nội dung theo khung giờ phù hợp với từng gia đình.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, thực tế 1 giáo viên thể dục, âm nhạc... có trường dạy tới hơn chục lớp, nên nếu học theo hình thức trực tuyến thì cả thầy và trò đều quá tải. Do vậy, giáo viên xây dựng các tiết dạy thành các clip mang tính hướng dẫn, dễ hiểu, dễ vận dụng gửi cho phụ huynh để  bật lên học sinh làm theo, vừa học tập vừa rèn luyện, thư giãn.
"Ví dụ buổi sáng, bố mẹ mở cho con clip của giáo viên thể dục; sau giờ học toán, tiếng Việt  các con mở clip học âm nhạc như một hình thức giải trí, thư giãn" , ông Tiến gợi ý cách làm.
Cũng theo ông Tiến, Sở GD-ĐT yêu cầu khi nào học sinh được trở lại trường học trực tiếp, các nhà trường phải có giải pháp rà soát lại nội dung, kiến thức đã dạy học trực tuyến. Qua đó dành thời gian thích đáng để ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em trước khi dạy tiếp theo tiến độ chương trình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.