Ngày mai (29.4), Quỹ Vì chất lượng cuộc sống, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre và các tập đoàn tài trợ sẽ ký kết thực hiện đề án “Nâng cao thể trạng người Việt” giai đoạn 2022 - 2026. Đề án hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng chiều cao cho 1.000 học sinh tại TP.HCM và Bến Tre với tổng kinh phí là 30 tỉ đồng. Đề án sẽ triển khai ở 5 trường tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre.
Đề án sẽ dành tổng kinh phí 30 tỉ đồng để nâng cao thể trạng cho 1000 học sinh ở TP.HCM và tỉnh Bến Tre. (Trong ảnh là sinh viên đang tham gia một giải chạy bộ rèn luyện sức khỏe) |
HOA NỮ |
Theo ban quản lý đề án, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm 3cm, thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á. Phát triển thể lực, tầm vóc con người là vấn đề rất lớn, cần thời gian dài và có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Theo kinh nghiệm đã được tổng kết ở nhiều quốc gia, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển tầm vóc và thể lực con người thì dinh dưỡng chiếm 31%; thể dục, thể thao chiếm 20%. Như vậy, có thể nói dinh dưỡng và thể dục, thể thao có vai trò chính trong phát triển thể lực và tầm vóc con người.
Cũng theo ban quản lý đề án, việc nâng cao dinh dưỡng, thể lực, tầm vóc cho trẻ em ngay trên ghế nhà trường rất quan trọng, bởi đây là giai đoạn quyết định sự phát triển toàn diện của con người bao gồm cả thể lực, tầm vóc, trí tuệ, tâm hồn. Có nghĩa là phát triển một cách toàn diện của con người là ở giai đoạn vàng này. Bên cạnh đó, nếu làm tốt việc phát triển thể lực, tầm vóc, quan tâm thật tốt dinh dưỡng ở giai đoạn này thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.
Mục tiêu chung của đề án là đánh giá thực trạng và triển khai các mô hình can thiệp về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của học sinh ở các trường THPT, THCS tại Bến Tre và TP.HCM.
Theo đó, đề án sẽ đánh giá thực trạng tầm vóc và dinh dưỡng của học sinh về cân nặng, chiều cao, thể lực, công thức máu tổng quát, thị lực và sức khỏe sinh sản. Đánh giá thực trạng sức khỏe tinh thần về rối loạn lo âu trầm cảm và hạnh phúc ở học sinh, trong đó sẽ đánh giá tỉ lệ trầm cảm, lo âu, stress bằng thang đo DAS21; đánh giá cảm nhận hạnh phúc bằng thang đo Well-being.
Mục tiêu của đề án cũng sẽ triển khai mô hình và đánh giá hiệu quả can thiệp nâng cao tầm vóc và dinh dưỡng cho học sinh, bằng cách xây dựng dựng hệ thống sổ tay, cẩm nang, video/clip về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; xây dựng kho bài giảng, hệ thống tin bài nhằm phát triển trên các trang thông tin truyền thông và mạng xã hội (website, Facebook, Zalo…); tổ chức các hoạt động, sinh hoạt ngoại khoá. Xây dựng phong trào phát triển thể lực, rèn luyện sức khoẻ thường xuyên; thay đổi về nhận thức của bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng sữa bổ sung...; triển khai ứng dụng Telehealth, phần mềm quản lý thông tin vào các hoạt động; tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, đảm bảo dinh dưỡng, thể chất. Đề án cũng sẽ triển khai mô hình và đánh giá hiệu quả can thiệp nâng cao sức khỏe tinh thần và hạnh phúc (well-being) cho học sinh…
Với tất cả những mục tiêu cụ thể và dành nguồn kinh phí 30 tỉ đồng trong giai đoạn 2022 - 2026, đề án mong muốn hướng đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao dinh dưỡng, thể trạng, chiều cao cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bình luận (0)