Đánh bạc với cây tiêu

27/06/2017 07:12 GMT+7

Hơn 11.000 hộ gia đình, cá nhân ở tỉnh Gia Lai đang vướng vào khoản vay hàng ngàn tỉ đồng để trồng, chăm sóc và kinh doanh hồ tiêu trong khi giá tiêu tụt dốc thảm hại cộng với bệnh hại gây chết hàng loạt vườn tiêu.

Chỉ trong hơn hai tháng trở lại đây, giá tiêu từ mức cao ngất ngưởng, lúc đỉnh điểm lên đến 220.000 đồng/kg, nay còn dao động trong khoảng 80.000 đồng/kg. Hàng ngàn hộ trồng tiêu của Gia Lai và khu vực Tây nguyên như ngồi trên đống lửa khi tiêu rớt giá không phanh. Không một ai dám chắc giá tiêu lên cao trở lại trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Như Phương, một hộ trồng tiêu ở xã Ia Blang, H.Chư Sê, than: “Nhà tôi có 3 ha hồ tiêu, mới thu bói một năm, được 4 tấn. Tiền đầu tư vào đây đã gần 2 tỉ đồng, phải vay mượn thêm mới đủ. Nay giá xuống mạnh thế này thì mất ăn mất ngủ. Năm rồi tiêu chết mất 200 trụ nữa, lo quá”.
Phá vỡ quy hoạch
Những năm trước, một vùng chuyên canh hồ tiêu thuộc hai huyện Chư Sê, Chư Pưh được định hình với thương hiệu hồ tiêu Chư Sê khá nổi tiếng. Cơn sốt giá tiêu những năm qua đã khiến nhiều nông dân như thiêu thân nhảy vào trồng loại cây này dù kiến thức về trồng, chăm sóc còn hạn chế. Nhiều hộ vay tiền ngân hàng mua đất, đầu tư trồng tiêu. Hàng ngàn héc ta hồ tiêu cứ thế mọc lên ở các huyện thị của Gia Lai như Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang…
Theo quy hoạch cây trồng của tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là 6.000 ha. Tuy vậy, đến thời điểm này diện tích hồ tiêu của Gia Lai đã lên đến 16.000 ha. Con số thực tế có khả năng còn cao hơn.
Phát triển hồ tiêu ồ ạt dẫn đến phá vỡ quy hoạch cây trồng khiến nhiều biện pháp quản lý không hiệu quả. Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai nói: “Quy hoạch là vậy nhưng vườn, đất là của người dân. Mình chỉ khuyến cáo chứ không ngăn cấm được. Giá cao, tiêu không chết thì xem như quá may. Ngược lại tiêu chết, tiêu bệnh, rớt giá thì họa giáng xuống gia đình nông dân”.
Đã có hàng ngàn héc ta hồ tiêu bị bệnh, bị chết nhưng nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo, đầu tư mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chư Pưh, cho biết: “Giai đoạn từ năm 2010 - 2015, năng suất hồ tiêu trung bình của huyện đạt 4,8 - 5,1 tấn/ha, sản lượng trung bình đạt từ 8.000 - 10.500 tấn/năm. Từ năm 2016, năng suất hồ tiêu giảm dần, có hơn 2.000 ha trong tổng số gần 2.900 ha bị nhiễm bệnh. Từ năm 2013 đến nay có hơn 312 ha hồ tiêu của 623 hộ dân bị chết. Thiệt hại nhiều tỉ đồng”.
Dư nợ hồ tiêu hàng ngàn tỉ đồng
Giá tiêu cao chóng mặt nên hàng ngàn hộ dân đã cầm cố tài sản vay ngân hàng đổ xô trồng tiêu. Từ nông dân cho đến cán bộ nhà nước đều lao vào trồng hồ tiêu những mong thu lợi tiền tỉ. Giá đất tốt để trồng tiêu được “thổi” từ 100 - 200 triệu đồng lên 300 - 400 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Bình, một hộ dân ở H.Đăk Đoa, nói: “Gia đình tôi có 6 ha đất, tôi vay ngân hàng thêm 1 tỉ đồng đầu tư trồng 3 ha tiêu. Năm nay tiêu mới bắt đầu cho thu bói nhưng giá rớt thê thảm quá. Giá như thế này chắc chắn lỗ rồi, chưa kể 3 năm vừa rồi tiêu chết hơn 400 trụ nữa”.
Thực tế, tiêu là một loại cây khá đỏng đảnh và rất kén trong việc chăm sóc. Đến nay vẫn chưa có một quy trình chuẩn nào để trồng và cũng chưa có loại thuốc đặc hiệu nào đối với bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm. Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nhiều lần khuyến cáo: “Trồng tiêu ồ ạt như thế này không được đâu. Họa tới khi nào không hay. Trồng được tiêu là phải nhà giàu, ý tôi nói là ngoài có vốn còn phải giàu về kiến thức, kỹ năng canh tác”.
Cũng theo ông Bính, để đầu tư 1 ha hồ tiêu, nếu người dân có đất thì cũng phải tốn bình quân 500 - 600 triệu đồng trong vòng ba năm đầu. Phải đến năm thứ 5 tiêu mới cho năng suất tốt với điều kiện vườn tiêu được chăm sóc tốt, không bệnh. “Với giá cả như những năm trước, dao động trong khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng tiêu đã thu được vốn đầu tư và có lãi chút ít. Nhưng với giá cả như hiện nay, dân trồng tiêu may lắm là hòa vốn”, ông Bính nói.
Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai, cho biết: “Dư nợ đối với các khoản vay để trồng, chăm sóc và kinh doanh hồ tiêu đến cuối năm 2016 là hơn 3.990 tỉ đồng, đến tháng 3.2017 là 3.657 tỉ đồng. Có 36 doanh nghiệp vay hơn 300 tỉ đồng tính đến tháng 3.2017, còn lại là người dân vay. Tính đến 31.3, có 11.200 hộ gia đình, cá nhân vay với mục đích trên. Chúng tôi cũng chưa có con số cuối cùng về các khoản nợ xấu nhưng thực tế là các khoản vay liên quan đến hồ tiêu khá lớn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.