15g chiều một ngày giữa tháng 4, nhiều người đổ về sân bóng chuyền Nhà văn hóa tiểu khu 5 (P.Hải Đình, TP.Đồng Hới) chờ xem những trận đấu hấp dẫn giữa những danh thủ Quảng Bình với 3 người lạ mặt. Điều lạ nhất mà 3 người lạ mặt mang đến là chuyện 1 người nhỏ con có tài đánh bóng chuyền bằng ghế nhựa học sinh và đánh thắng cao thủ được chơi bằng hai tay bình thường một cách thuyết phục. Anh là Lê Minh Tạ, 30 tuổi, quê ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Họ còn mê hoặc với việc ở trần, đi chân đất khi vào sân và hình thể thì gầy nhom, thấp bé mà không cao lớn như những cầu thủ bóng chuyền khác, khi đánh luôn mỉm cười. Câu chuyện càng thu hút hơn khi dân tình đồn nhau là nhóm người kia đến từ Bình Định, vùng đất võ với nhiều người tài giỏi nên chăng 3 người lạ cũng có những biệt tài.
|
Tỉ thí bằng ghế
Tôi may mắn được “tháp tùng” họ du đấu ở H.Bố Trạch. Một trong những điểm hẹn là Thanh Khê (xã Thanh Trạch). Thông tin kỳ thủ đánh bóng chuyền bằng ghế xuất hiện nhanh chóng được truyền đi bằng điện thoại nên người đổ về rất đông, ô tô xe máy tấp nập, người đứng chen kín, nhiều “đại gia” và dân bóng chuyền ở Hoàn Lão cũng kéo nhau ra xem.
Thỏa thuận xong kèo, Tạ bước vào sân với ghế nhựa trên tay, ai nấy trố mắt tò mò trước ngoại hình chẳng ra dáng dân bóng chuyền chút nào của Tạ. Có người phán: “Nó thế thì đánh sao được nhỉ?”. Nhìn ngang, Tạ cao chưa tới mắt dây lưới thứ 2. Bên kia sân là M., một cao thủ đánh độ của vùng Thanh Khê, M., người to cao, rắn chắc và rất lanh lẹ.
Trọng tài tuýt 3 hồi còi, trận đấu bắt đầu. Những cú vít phát bóng xoáy có tốc độ nhanh, điểm rơi lúc nào cũng sát đường chỉ sân khiến M., không tài nào di chuyển kịp. Tuy nhiên, M., cũng không phải tay vừa, hai bên ăn miếng trả miếng khiến trận đấu mỗi lúc mỗi hấp dẫn hơn, Tạ bắt được nhiều đường bóng khó của M., và sau những cú bắt được đó là các tuyệt chiêu đánh trả không chê vào đâu được. Khán giả reo hò vỗ tay rần rần. Tạ thắng cuộc, trận đấu kết thúc nhưng dân Thanh Khê quên cả cơm trưa, chưa chịu ra về, mà tìm người tiếp tục bắt độ với Tạ để xem tiếp.
|
Rong ruổi giang hồ
Sau mỗi trận thắng độ, thu được tiền, ai cũng nghĩ họ sống sung túc nhưng thực tế, cuộc sống nay đây mai đó, phiêu lưu, các kỳ thủ chuyền độ đối mặt với không ít thách thức.
Nhóm của Tạ có 4 người, ngoài 3 cầu thủ là Tạ, Hai Phi người An Giang và Tư Tài người Tây Ninh còn có 1 người nữa tên Trinh làm “săn sóc viên”. Nghe đâu, Phi là tay đánh bóng chuyền độ nổi tiếng ở miền Tây, ai gặp Phi đều phải né. Nay Phi 32 tuổi nhưng đã gần 20 năm lang bạt chuyền độ. Còn thành tích Tài (23 tuổi) cũng không vừa khi nay đây mai đó lúc mười mấy tuổi. Họ gặp nhau, kết nghĩa và lập nhóm đi đánh độ. Có năng khiếu bóng chuyền nhưng vì hạn chế chiều cao nên họ không thể đầu quân cho các đội tuyển. Tiền chung độ không phải của người vào sân mà là của dân giang hồ, có máu mặt góp lại; người đến xem không ít dân “anh chị” nghiện ngập. “Mình là người lạ đến nên gần như cái gì cũng phải nhún nhịn họ, có nhiều chỗ đánh xong là tụi em rút nhanh chóng chứ đâu có dám nán lại. Cũng nhiều lúc bị mất luôn cả tiền cọc, đánh xong tới trọng tài hỏi thì người ta bảo phe kia giật lấy hết rồi, thành ra tay trắng”-Trinh kể.
Ví như ở thị trấn Hoàn Lào (H.Bố Trạch), sau khi Tài thắng 1 “xê” 1 chấp 2 (Tài đánh với 2 người), dân “cộm cán” ở đó tiếp tục góp tiền, độ tiếp kèo với điều kiện có lợi cho họ. Tài buộc phải vào sân theo yêu cầu của họ; lúc này, nhóm Tài xác định đánh xong “xê” này, ăn thua gì cũng rút. Những tưởng mọi chuyện sẽ kết thúc sau trận đánh, nhóm Tài nhanh chóng ra xe để về thì bị đám kia chặn lại yêu cầu đánh tiếp. Không đánh không về được, Tài và Phi lại vào sân, bên kia là 4 cầu thủ “cao kều”. Một lần nữa, Tài và Phi thắng trong trận chiến không cân sức; hết lực, bên kia để nhóm Tài ra về nhưng tiền độ thì bị xà xẻo gần hết. Tôi hỏi: “Bao nhiêu năm đánh độ, mỗi người tích cóp được bao nhiêu rồi?”. Tạ cười vô tư bảo: “Có nhiêu đâu anh, đánh về được mấy rồi cũng tiêu hết à. Rồi khi nhà vào vụ lại phải về làm công nữa”.
Trinh chia sẻ: “Ở TP.HCM lâu ngày mà anh em không có dịp gặp nhau, không so kè lại thấy nhớ. Vậy là góp mỗi người chừng trăm ngàn đồng rồi tổ chức giải “ba ba”, tức là hội của những nhóm đánh ba. Như thế anh em có dịp rèn nhau kẻo xuống phong độ”.
4 người tay không cả gan lang bạt kỳ hồ nơi xa lạ, lạc vào những chốn “yêng hùng”, họ luôn nghĩ, thể thao sẽ cảm hóa.
Tại Đồng Hới, họ ở khu “ma cao” P.Hải Đình mấy ngày, đánh mấy trận khiến cho người trong khu mê muội. Xem thích quá, một số Chi nhánh ngân hàng ở Đồng Hới còn đánh tiếng mời các hảo thủ về đầu quân đi đánh để quảng bá thương hiệu.
Khi lên tàu vào lại miền Nam, Tạ nói vui: “Tụi em phải về thôi, về để cho bà con còn làm việc”. Hành trang của họ đơn giản với ba lô nhỏ xíu trên vai, đời lữ khách chỉ có vậy.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)