Trong dịp về VN lần này, anh đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện khá cởi mở về những trải nghiệm của người dành hơn “60 năm cuộc đời” cho ca hát.
Đâu ai nghĩ lớn lên có thể chết vì... ăn uống
|
Thật sự tôi may mắn lắm, nói là ung thư nhưng chưa là gì, mới có dấu hiệu thì người ta cắt nó (polyp ở ruột). Đàn ông từ 50 tuổi được khuyên nên đi soi ruột, mà tôi soi lúc 61 tuổi, trễ quá. Thời đó cắt polyp phải mổ hở. Sau đó không phải hóa trị gì cả vì nó chưa truyền đi đâu… Thành ra mang tiếng ung thư nhưng mình không có quen nó (cười).
Sau khi mổ, anh có thay đổi gì, chẳng hạn về chế độ ăn uống?
Mổ xong, tôi có kỷ niệm là một… vết sẹo 8 - 9 cm. Thay đổi, là mình cởi áo ra không dám nhìn bụng.
Bác sĩ khuyên nhiều thứ, như đừng uống rượu, bớt ăn dầu mỡ... Tôi ăn uống kỹ hơn, hạn chế thịt đỏ. Thời buổi giờ thực sự không biết ăn gì tốt. Chẳng hạn cá hồi ăn tốt nhưng cá nuôi bây giờ cũng nhiều, người ta chích đủ thứ cho nó màu đỏ, vì cá nuôi thịt không đỏ… Thành ra càng ngày càng phải để ý vấn đề ăn uống.
|
Lần này không thấy bà xã anh - ca sĩ Thái Thảo về cùng, một mình anh “xoay xở” ra sao với chuyện ăn uống?
|
Vậy ở Mỹ có khi nào anh nấu ăn không?
Phần này do vợ tôi đảm nhận. Thái Thảo lấy tôi mới đi học nấu ăn, học trễ nhưng nấu rất ngon. Vì tôi là người thích ăn ở nhà.
Nghề hát là cuộc tranh tài. Trên sân khấu mình phải có thái độ tranh đua, dù muốn dù không, không nhiều thì ít. Nên nhiều khi căng thẳng. Vợ tôi không hợp như thế. Hơn nữa, ở nhà cũng cần người quán xuyến, vì vậy Thái Thảo chia tay sân khấu.
Trong âm nhạc, lạ thì được nhưng kỳ thì không
Anh có nghe nhạc của giới trẻ bây giờ không?
Tôi không để ý nhiều đến nhạc trẻ. Tôi nghiên cứu âm nhạc thời những năm 1960 - 1990, còn sau này nhạc thường viết theo công thức, máy móc, người ta chấp nhận làm nhạc để rồi nó thành lỗi thời trong vòng 6 tháng - 1 năm như quần áo. Cả âm nhạc ở Mỹ bây giờ cũng vậy.
Nhưng việc anh song ca với ca sĩ trẻ hay vừa rồi anh hát những câu trong bài hit của Mỹ Tâm - Đừng hỏi em vì sao khiến khán giả bất ngờ đấy!
Tính tôi đã không làm thì thôi, chứ nhận lời thì tôi luôn muốn phải đạt kết quả tốt. Ngay cả song ca, khi được mời hát với ai, trước hết phải tập với nhau, hoặc có thể chấp nhận được vấn đề nghệ thuật thì tôi mới làm. Tôi ở trong nghề lâu rồi, nên biết mình phải làm gì trong mỗi… hoàn cảnh, đó là kinh nghiệm. Hát, là phải có thẩm mỹ. Khi có thẩm mỹ, nó giúp mình biết cái gì nên hay không.
Khán giả thấy anh luôn giới thiệu và nhắc đến nhạc sĩ hòa âm phối khí, thường là Hoài Sa. Anh có đặt ra yêu cầu gì, về hòa âm chẳng hạn, khi nhận lời biểu diễn?
Hoài Sa là nhạc sĩ tôi thích. Nhưng trước khi gặp Sa tôi đã hát rồi. Không có Sa tôi vẫn phải hát. Nhưng có Sa thì tôi hát dễ hơn vì gu âm nhạc giữa tôi và Sa khá tương đồng. Nói vậy không có nghĩa thiếu Hoài Sa thì tôi sẽ không hạnh phúc (cười). Bây giờ Hà Nội có cậu nhạc sĩ Dương Cầm, cũng rất có tài.
Nếu khán giả yêu cầu anh chọn bài hát để bớt trầm lắng, anh thường làm gì để… thay đổi không khí?
Có lẽ do người ta nghe tôi qua băng đĩa nhiều hơn xem tôi hát ở sân khấu, nên nghĩ tôi hát nhạc buồn, chứ tôi hát Ghen đâu có buồn, hay Nỗi lòng tôi hát swing, Tình cầm, Cô Bắc kỳ nho nhỏ nhịp điệu khác trước… Tôi nghĩ mình là người hát nhạc Việt nhịp điệu nhiều hơn người khác. Từ khi tôi hát Hạ trắng tiết tấu khác, nhiều người mới hát bài này theo kiểu… vui như tôi.
Về âm nhạc, nghệ thuật, lạ nghĩa là không giống ai, kỳ cũng không giống ai, nhưng lạ thì được mà kỳ thì không. Giống như tôi hát với ca sĩ trẻ, làm sao để nghe lạ mà không kỳ.
Nhưng không phải ai thay đổi tiết tấu, nhịp điệu của bài hát, vốn đã định hình gu nghe nhạc của người mộ điệu, cũng được đón nhận như anh?
Với tôi, là nghệ sĩ phải hết sức cẩn thận, nếu mình có chút lương tâm. Còn không thì phải có hiểu biết. Vì vậy tuổi này tôi vẫn phải học hát ở nhà, vẫn nghiên cứu về cách hát. Nhiều khi chỉ đổi một chút từ cách ngân nga hay xếp câu, nhịp cho chữ… Tôi để ý thấy có nhiều khán giả trẻ thích đi phòng trà nghe mình, có lẽ do họ thấy cách hát mình gần họ hơn. Người trẻ nghe nhạc ngoại quốc hoặc nhạc Việt xưa thấy mình hát ít nhất cũng hợp thời, chứ không phải nghe ông già hát nhạc xưa (cười).
Bây giờ tôi hát hay hơn hồi trẻ
Nhiều khán giả nói rằng họ đến phòng trà còn vì muốn nghe anh giao lưu, họ bị nghiện cách trò chuyện của anh trên sân khấu…
Có lần hát xong, một khán giả nam kéo tay tôi bảo: anh Tuấn Ngọc ơi, lát nữa anh nói nhiều chút nghe, tôi thích anh nói chuyện lắm. Mà mình là ca sĩ, khi người ta nói vậy không biết nên buồn hay vui (cười).
Hình như tôi thấy mình càng già càng sinh tật nói nhiều. Đùa thôi, chứ lớn tuổi mình thương người hơn, dễ cảm thông hơn. Quan trọng nhất là càng có tuổi càng phải xử sự cho đúng tuổi mình, về kinh nghiệm, tư cách...
Khiếu hài hước của anh phải chăng được thừa hưởng từ bố anh, nhạc sĩ Lữ Liên - người viết các ca khúc cho ban nhạc AVT nổi tiếng với lời ca dí dỏm?
Cuộc đời tôi không kế hoạch gì hết. Mình làm nghề gì thì mình phải trau dồi thôi. Ngay cả việc nói chuyện trên sân khấu tôi cũng không có kế hoạch, cứ quan sát xung quanh thấy có gì thì nói, nó tự nhiên, làm người ta vui cũng tự nhiên. Với tôi, vui với nhau được ngày nào hay ngày đó, cuộc đời buồn đủ rồi. Đi hát trong phòng trà, đến với nhau là duyên, gặp nhau nên làm cho nhau vui, quên đi ưu phiền ở bên ngoài.
Còn khôi hài thì cả nhà tôi không ai không có óc khôi hài. Khánh Hà cũng hài hước lắm, tại chỉ mắc cỡ không nói thôi.
Nhắc đến Khánh Hà, có lần chị ấy nói anh trai mình nghiêm khắc lắm?
Nghiêm khắc ở đây là vẫn sống nề nếp, có trên có dưới, ăn cơm phải mời, tuổi này tôi vẫn phải mời đấy. Chứ không phải mâm cơm dọn ra mạnh ai nấy ngồi vào ăn. Đó là lễ phép của người Á Đông. Tôi vẫn dạy con cái tôi đạo đức là căn bản. Tôi dạy con thà bị lừa còn hơn lừa người ta. Nhưng người đạo đức không phải không phá (cười), tôi thừa hưởng khiếu hài hước từ bố nữa. Mà càng ngày tôi càng nói nhiều hay sao đó, chứ hồi đó tôi đi hát không nói gì. Khánh Ly còn chọc tôi, bảo tôi câm hay sao, tôi cũng không dám trả lời luôn.
Anh có nghĩ khán giả bây giờ nghe anh hát (cũng như ca sĩ cùng thế hệ anh) như cách tìm về kỷ niệm hơn là để thưởng thức?
Thật sự bây giờ tôi hát hay hơn hồi trẻ, nhưng vẫn chưa vừa ý, tôi không bao giờ vừa ý về mình. Càng ngày mình giỏi hơn nhiều chứ, nhưng giọng mình thì không thể tốt bằng thời xưa. Cách tôi hát cần sức khỏe, thành ra phải giữ sức khỏe mới đi hát được.
Khán giả đi nghe nhạc để nhớ kỷ niệm, chắc chắn là có, vì tôi biết có người không nghe nhạc bây giờ được, họ muốn nghe ca sĩ xưa, hát nhạc thời đó. Tại sao mình không nghĩ là đưa họ về những kỷ niệm đẹp và làm cho họ vui. Đó là cái làm tôi phải trau dồi từ sức khỏe đến kỹ thuật.
Bây giờ tôi hát tốt hơn 4, 5 năm trước nhiều là nhờ tập thể thao đều hơn. Tôi tập nhiều môn, yoga, dịch cân kinh, zumba nữa, ít nhất mỗi ngày 1 tiếng.
Anh nghĩ mình sẽ hát đến…?
Khi nào fan bảo: nghe anh hát tôi thích lắm, nhưng anh không hát thì tôi thích hơn.
Người dí dỏm, gần gũi và rất duyênTiếng hát anh Tuấn Ngọc ảnh hưởng rất lớn không chỉ với nhiều thế hệ người hâm mộ mà cả ca sĩ. Nhiều ca sĩ sau này ảnh hưởng cách hát, phát âm của anh mà nghe là nhận ra ngay. Ngoài đời, anh là người dí dỏm, gần gũi và rất duyên, nhưng trong công việc anh rất nghiêm khắc, thậm chí có thể nóng giận nếu ai đó làm việc với anh mà không nghiêm túc.
Bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Phim
Vốn sống và kiến thức của anh quá rộng lớnAnh Tuấn Ngọc vừa là ca sĩ, chơi nhạc cụ và hòa âm, nên khi làm việc chúng tôi rất dễ hiểu nhau, sự đồng cảm cũng sâu sắc hơn. Khi thực hiện hòa âm cho anh, anh chỉ nói: “Sa ơi phối bài này sao cho vui”, hoặc “bài kia nhịp điệu nhanh hơn”, có khi giao luôn muốn làm thì gì làm. Cũng vì am hiểu âm nhạc nên anh luôn biết làm cho bài hát lạ hơn, hoặc kết làm sao cho “bốc” hơn.
Phải công nhận anh là ca sĩ rất nghiêm túc với bản thân. Chỉ có vậy anh mới giữ phong độ đến nay chứ không thể gọi là trời cho. Anh vẫn hát được những nốt cao như ngày xưa, khi cần. Ca sĩ trong nước mình đến 60 tuổi khó có thể hát đầy đam mê và hút hồn khán giả chứ đừng nói ngoài 70 như anh.
Làm việc chung, dù quý nhau nhưng chúng tôi không thể thân như hai người bạn, vì vốn sống, vốn kiến thức của anh quá rộng lớn, không phải mình không dám mà không bắt được câu chuyện của ảnh. Vậy nên những gì chúng tôi chia sẻ với nhau đều từ âm nhạc.
Nhạc sĩ Hoài Sa
|
Bình luận (0)