Câu chuyện được chị Thu Hà, một nhà báo, chia sẻ mới đây đang được sự quan tâm, tranh luận rất lớn của các ông bố, bà mẹ. Đó là câu chuyện dạy con nghiêm khắc của một người bạn, mỗi lần đánh con đều nói rằng “mẹ đánh con vì thương con, để con ngoan”.
"Thương cho roi cho vọt"
Chị Thu Hà kể vừa gặp một người bạn. Người này cho rằng dạy con rất nghiêm khắc: Không bao giờ đánh con để trút giận, mà nếu đánh là phải giải thích đàng hoàng, bắt nằm lên giường, nói rõ: "Vì mẹ thương con nên mẹ phải đánh để con ngoan". Đến giờ, quen rồi, chỉ cần cầm cái roi và hỏi, "Biết vì sao mẹ đánh con không?" thì con sẽ trả lời ngay: "Vì mẹ yêu con nên mẹ mới đánh con!".
Chị Hà cũng kể rằng ngày xưa bị bố mẹ đánh rất nhiều. "Những lúc nằm im để bị đánh cũng tức lắm, trong lòng cũng oán trách và ngầm cãi lại. Lớn lên thì hiểu rằng vì bố mẹ đã quá vất vả trong cuộc sống, bố mẹ có những chấn thương tâm lý thời hậu chiến, có những khốn khổ, quẫn bách do lịch sử đè lên người, và do ngày xưa ông bà, cụ kị cũng dạy bố mẹ bằng roi, xung quanh ai cũng dạy bằng roi. Nên bố mẹ không có lựa chọn khác. Nhưng bây giờ phải khác. Bố mẹ phải là người bẻ gẫy cái vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực. Cho con cái!", chị Hà nói.
Chia sẻ này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Đơn giản là việc áp dụng đòn roi hay không trong cách dạy con của bố mẹ người Việt vẫn luôn là đề tài tranh cãi bất tận từ trước đến nay. Thậm chí trong một gia đình, giữa bố và mẹ luôn bất hòa trong quan điểm dùng đòn roi khi dạy con.
Ngay trong chia sẻ của chị Thu Hà, một người bạn vẫn giữ nguyên quan điểm: “Không nghe lời, nói không được thì phải “giã”. Đánh là để trẻ ý thức được khi mình làm sai sẽ phải chịu hậu quả, từ sau đó sẽ ý thức hơn với việc mình làm. Đến khi ra đời làm sai gì phải trả giá điều đó…”.
Chị Thiên Nguyên, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu, chia sẻ rằng mình từng đánh con một bạt tai khi con cắn mình rất đau. Từ đó con không bao giờ cắn ai nữa. Mỗi người có một cách dạy con của riêng mình. Đánh hay không đánh tùy vào đứa trẻ. Chị vẫn dạy con bằng đánh con và miễn bàn, đừng ai can ngăn cách dạy của chị!
Chia sẻ mới là quan trọng
Nói về chuyện này, người mẫu Huỳnh Trang Nhi cho biết: “Tôi là mẹ đơn thân của hai con gái. Vì hoàn cảnh, tôi phải dạy con vừa cứng, vừa mềm, vừa mạnh mẽ, vừa yếu đuối vì nhà không có đàn ông. Trong khi cả hai trẻ đang giai đoạn giáo dục rất quan trọng. Một trẻ lên tuổi 13, bước vào dậy thì, một trẻ đang ở hội chứng trẻ lên 3. Bé nhỏ dễ làm mình ức chế hơn. Tôi cũng từng cầm roi, hù dọa con. Nhưng không thể nói mẹ đánh vì thương con. Phải nói phạt con vì con làm sai, nếu con không ngoan thì không được thương. Đứa trẻ sẽ cố gắng muốn mẹ thương, hợp tác với mẹ. Nếu nói thương con nên đánh thì đứa nhỏ không suy nghĩ được phức tạp quá, không đủ lý trí để hiểu “sao mẹ thương lại đánh mình”. Lớn lên trẻ không hiểu được thế nào thương, ghét. Chia sẻ, vấn đề với con mới quan trọng”.
Chị P.Linh, nhân viên một công ty truyền thông ở Q.3 (TP.HCM), cho biết không đánh con, áp dụng “roi treo” nhưng vẫn không hiệu quả. Hiệu quả nhất là nếu con hư thì không cho xem iPad! Có khi không kiềm chế được vẫn đánh con nhưng xét ra thì cũng không hiệu quả. Chị đã từng chứng kiến nhiều trường hợp trẻ bị đánh nhiều và trở nên bạo lực. Những đứa trẻ đó không biết cách kiểm soát cơn giận, tính hung dữ, phản ứng mọi thứ như cách người lớn ứng xử với mình. Tệ hơn là bạo lực với cả bố mẹ và những thành viên trong gia đình. Đánh con dựa trên tình thương không mang lại hiệu quả như mình muốn mà chỉ mang lại hậu quả.
Chị Thu Hà chia sẻ: “Đừng nhân danh tình yêu mà đánh con. Đừng có vừa đánh con vừa nói: "thương cho roi cho vọt", đừng nói "những nơi cay đắng là nơi thật thà"... Cũng đừng gửi gắm thầy cô giáo “Nó hư thầy/cô cứ đánh nó thật nghiêm khắc giùm tôi!”, đừng nói "Người dạy bằng roi, voi dạy bằng búa!", đừng nói: "Hay chữ không bằng dữ đòn". Nguy hiểm lắm. Nếu đã quen bị ba mẹ đánh, con gái có thể sẽ chọn yêu và cưới chàng trai thường gây đau đớn cho mình nhất. Khi thấy mình sai thì người lớn đánh, con sẽ hiểu rằng mình nên dạy người yếu hơn bằng bạo lực”.
|
Kết quả thống kê việc dùng bạo lực với con tại các quốc gia Nguồn: www.brooking.edu (2014) |
|
Việt Nam |
Theo khảo sát của Tổng cục thống kê năm 2014, gần 74% số trẻ em VN từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái. |
Mỹ |
81% cha mẹ nói rằng đôi khi thích hợp để đánh đòn con |
Canada |
35% trẻ em phải trải qua một số hình thức trừng phạt thể xác ít nhất mỗi năm một lần |
Mexico |
26% nam giới 18 - 59 cho biết đã bị đánh đập hoặc tát bởi cha mẹ khi còn nhỏ |
Colombia |
61% phụ nữ cho biết mình từng đánh hoặc tát con |
UK |
41,6% cha mẹ đã trừng phạt con về thể xác |
China |
50-60% phụ huynh báo cáo sử dụng hình phạt nhẹ đối với con |
Australia |
85% phụ huynh thừa nhận đánh con |
Bình luận (0)