Đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền

27/06/2022 06:03 GMT+7

Ngày càng có nhiều bạn trẻ chấp nhận làm những công việc đánh đổi sức khỏe , nguy hiểm của bản thân để kiếm tiền lo cho cuộc sống.

Làm việc xuyên đêm

21 giờ, khi gần như đến giờ ngủ của nhiều người thì Nguyễn Phương Oanh (20 tuổi) lại bắt đầu vào ca làm việc của mình. Oanh làm vị trí “booking bar” (đón, đặt bàn cho khách) tại một quán bar ở trung tâm phố Tây đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM).

Môi trường làm việc của Oanh là tiếng nhạc xập xình, rượu, bia và khói thuốc lá. Việc tiếp và uống rượu, đi lại phục vụ của Oanh hầu như diễn ra mỗi ngày. Một ngày làm việc của cô từ 21 giờ đến rạng sáng. Thời gian ngủ chiếm trọn ngày đến chiều tối, 17 giờ đến 20 giờ 30 là thời gian đến trường.

Cascadeur được xem là nghề nguy hiểm

NAM PHƯƠNG

Oanh cho biết, sở dĩ cô chọn công việc này vì mức thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng và phù hợp với thời gian học đại học. Dù biết làm đêm hại sức khỏe nhưng Oanh không thể thay đổi công việc vì thu nhập khác không đảm bảo được cho cuộc sống. Oanh nói: “Tôi phải trả tiền trọ, tiền học, tiền ăn, sinh hoạt phí mỗi tháng khi không được gia đình chu cấp. Nếu tìm một công việc văn phòng có mức lương thấp hơn thì không đủ để tôi chi tiêu”.

Sau 6 tháng thức đêm làm việc, cô gái này cũng dần cảm nhận sức khỏe đi xuống. “Giấc ngủ cứ chập chờn và kéo dài từ sáng đến chiều. Tôi lười vận động, mệt mỏi, đầu óc không tập trung vì bị dập nhạc, sụt cân, da sạm đen, mắt quầng thâm, không có thời gian chăm sóc bản thân. Tôi ngày càng ngại tiếp xúc với mọi người”, Oanh kể.

Oanh cũng hiểu rằng nếu làm việc này lâu dài sẽ không đảm bảo được sức khỏe. Cô nhận định sau khi ra trường sẽ tìm một công việc khác để ổn định giờ giấc rồi trở về với nhịp sống đời thường.

Cũng vào nửa đêm một ngày tháng 6, người viết bắt chuyến xe ôm công nghệ từ nhà ở Q.Phú Nhuận ra trung tâm Q.1. Ngay lúc này, một thanh niên 30 tuổi lập tức nhận cuốc xe và tới đón. Tài xế cho biết tên là Nguyễn Quốc Khánh, ngụ tại đường Chu Thiên, Q.Tân Phú. Sở dĩ anh vẫn chạy xe giữa đêm khuya vì muốn kiếm tiền nhiều hơn để lo cho vợ và 2 con ở nhà. Buổi sáng anh làm nhân viên giao hàng, tối đến anh mở ứng dụng chạy xe công nghệ. Tổng thu nhập một ngày cho 2 công việc vào khoảng 770.000 đồng. Trừ các chi phí, anh Khánh còn dư được 500.000 đồng. Đối với anh, để có được số tiền như vậy là một sự bào mòn lớn về sức khỏe.

Anh Khánh thổ lộ: “Một ngày tôi ngủ khoảng 4 tiếng. Tôi chạy xe ôm tới rạng sáng mới về. Sáng sớm tôi đã lên đường đi làm giao hàng. Cứ thế công việc xoay vòng mà không dám nghỉ ngày nào. Có những lúc tôi chạy về là nằm như liệt, ngủ không hay biết gì. Từ khi chạy xe ôm, sức khỏe của tôi đã giảm hơn 70% so với trước”.

Khánh thú thật, dù chỉ mới 30 nhưng trông anh già hơn tuổi, những dấu hiệu về sự mệt mỏi, đau lưng, suy nhược cơ thể dần hình thành. Tuy vậy, anh cho hay không làm một ngày thì khó cho vợ con tồn tại ở thành phố này.

Tài xế xe ôm Quốc Khánh chạy xe khuya để kiếm tiền

PHẠM HỮU

Chấp nhận rủi ro, thương tích

Trong khi nhiều bạn trẻ chọn làm việc xuyên đêm thì có một bộ phận nhỏ khác lại chọn nghề đánh đổi nguy hiểm thân thể để kiếm tiền. Đó là những cascadeur (diễn viên đóng thế) cho các phim hành động. Nói ví von về nghề, các diễn viên này cho biết “phải đánh, bị đánh hoặc nhào lộn mới lòi ra tiền”.

Chuyện của anh em Nguyễn Phan Chí Hiếu và Nguyễn Phan Chí Thắng (cùng 22 tuổi) là một điển hình. Công việc chính của Hiếu và Thắng là cascadeur, việc phụ là chạy xe ôm công nghệ và làm công nhân xây dựng khi rảnh rỗi. Hơn 4 năm qua, hai anh em này không nhớ đã bao nhiêu lần kiếm tiền bằng cách lăn lộn, đánh, bị đánh và trầy trụa, chỉ nhớ nhất là những lần chấn thương nặng, chảy máu buộc phải nghỉ thời gian dài mà thu nhập chỉ được vài trăm ngàn trong buổi diễn.

Thắng kể: “Tôi nhớ nhất là lần diễn bị đập đầu gối vào mũi rồi bị chấn thương, chảy máu. Lúc đó tôi phải ở nhà khoảng 1 tuần, mất thu nhập và vay tiền để sống. Nhưng trước khi đi kiếm tiền thì phải có nghề, đổ mồ hôi, đổ máu mới có thể dám ra phim trường diễn”. Rồi Hiếu tiếp lời: “Còn tôi bị chấn thương nặng ở khớp vai. Hễ vai diễn có hành động mạnh rất dễ bị lệch khớp. Lúc đó tôi đau lắm, chỉ biết ráng rồi về nghỉ ngơi”.

Hầu như mỗi ngày diễn là một lần bị bầm dập. Có lúc Thắng và Hiếu cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể, người rệu rã vì lao vào kiếm tiền mà không quan tâm đến thân thể và sức khỏe.

Còn cascadeur Phạm Nam Phương (25 tuổi) nói rằng thường xuyên diễn quay đêm. Có lúc nhảy cầu, đánh dưới nước mà phim phải quay đi quay lại đến hơn 3 giờ sáng. Theo Phương, đã theo nghề này thì phải chấp nhận chuyện chấn thương. Nếu chẳng may bị chấn thương nặng, ảnh hưởng dài lâu thì bản thân đành chấp nhận.

Thực tế mỗi tháng nhóm của các diễn viên có trên dưới 20 buổi diễn hành động lớn nhỏ. Thu nhập mỗi người khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi hỏi vì sao lại đánh đổi đau đớn để kiếm tiền, các diễn viên này chia sẻ: “Tuổi trẻ chỉ nghĩ là làm và cống hiến hết cho những đam mê với nghề. Chỉ cần được diễn xuất, có những thành tựu nhất định với phim ảnh là đủ. Dù cho có cực khổ, hay chấn thương thì cũng chấp nhận để phát triển con đường dài, tươi sáng hơn”.

Nhiều hệ lụy về sau

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, Đơn vị rối loạn giấc ngủ Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết bạn trẻ thường xuyên làm việc đêm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Cơ thể bị chuyển đổi múi giờ sinh học, rối loạn giấc ngủ. Nếu làm việc lâu ngày, cơ thể khó trở lại được với nhịp sống thông thường, lâu dài sẽ bị ảnh hưởng toàn cơ thể, rối loạn các chức năng, rối loạn giấc ngủ. Ở bên ngoài sẽ bị thâm quầng mắt, xấu da, mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút và nhiều bệnh liên quan khác. Thông thường, các triệu chứng sẽ không thấy được trong thời gian ngắn, nó chỉ biểu hiện thời gian sau này.

Cũng theo bác sĩ Khuê, để hạn chế những tổn hại về sức khỏe lâu dài khi làm việc xuyên đêm, nên cho bản thân có ngày nghỉ trở lại với nhịp sống đúng. Nên uống cà phê vào đầu ca để làm việc được tỉnh táo, không nên uống giữa ca vì khi tan ca vào buổi sáng sẽ khó ngủ.

“Có 2 cách ngủ bù ban đêm: một là ngủ đủ 8 tiếng ban ngày như thông thường và cách 2 là chia mỗi giấc ngủ làm 4 tiếng. Tuy vậy, bạn trẻ nên lựa chọn cách ngủ một lần trong 8 tiếng sẽ tốt hơn”, bác sĩ Khuê giải thích.

Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Trần Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết cascadeur là một nghề nguy hiểm và dễ dẫn đến chấn thương, thường gây tổn thương đến nhiều bộ phận như các khớp cổ, vai, gối, cổ chân và háng. Khi nhảy từ trên cao tiếp đất dễ ảnh hưởng đến xương toàn cơ thể, khớp háng, gãy cổ xương đùi, gãy vùng gót chân, đốt sống… “Để hạn chế chấn thương, các cascadeur nên tập thuần thục nhất có thể. Đánh có chọn lọc khi diễn, chuẩn bị đồ bảo hộ trong người, tránh tình trạng tiếp xúc liên tục tại một điểm trên xương. Mỗi 6 tháng, các bạn nên khám tổng quát kiểm tra những tổn thương tiềm ẩn, tránh nguy hiểm cho tính mạng”, bác sĩ Vũ khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.