Một trong những chiếc PC nhỏ gọn Steam Machine chuyên dành chơi game đáng mong đợi nhất đã ra mắt các game thủ. Đó là Alienware Alpha đến từ thương hiệu sản xuất PC chơi game hàng đầu thế giới Alienware.
Alpha là chiếc PC chơi game nhỏ gọn nhưng đầy thu hút bởi nhiều lý do khác nhau. Mức giá khởi điểm được đưa ra là 500 USD nhằm cạnh tranh với PS4 và Xbox One. Mặc dù đắt hơn 2 chiếc console này đến 150 USD nhưng Alpha lại có cấu hình mạnh hơn và có thể đáp ứng nhu cầu của các game thủ muốn có hình ảnh đẹp hơn, độ phân giải cao hơn và chơi game mượt hơn. Hơn nữa, nếu chọn Alpha người dùng có thể thoải mái lựa chọn kho game PC khổng lồ với giá rẻ cùng cộng đồng “mod” game đầy kinh nghiệm.
Đừng nhìn vào kích thước “bé hạt tiêu” của Alienware Alpha mà cho rằng nó yếu. Cấu hình được "mổ xẻ" lần này là thấp nhất với CPU Intel Core i3-4310T (2 nhân tốc độ 2.9 GHz, 3MB cache L3, mức tiêu thụ điện năng 35W dựa trên nền tảng Haswell), RAM 4 GB DDR3L (loại dành cho laptop) hoạt động ở 1600 MHz và ổ cứng SATA 500 GB 2.5”. Các kết nối khác bao gồm Wi-Fi Intel Dual Band Wireless-AC 3160, Bluetooth 4.0, USB 3.0 và cổng LAN.
Alienware công bố GPU (chip xử lý đồ hoạ) của Alpha là dòng sản phẩm được Nvidia sản xuất riêng, nhưng sau khi xem xét thì đó lại là Geforce GTX 860M nền tảng Maxwell. Cụ thể đó là GPU GM107 với 640 nhân CUDA, xung nhịp 1029 MHz, 2 GB RAM GDDR5 tốc độ 5000 MHz bus 128-bit. Các thông số này chỉ kém GPU dành cho máy bàn Geforce GTX 750 Ti chút ít.
Alienware Alpha rất nhỏ gọn, nhỏ hơn hẳn chiếc console PS4 và phần lớn các máy chơi game khác. Có thể so sánh kích thước của nó với chiếc máy Wii U của Nintendo, tuy nhiên Alpha vuông vức hơn (200x200 mm) và mạnh hơn nhiều. Alienware đã xoay sở để "nhét" nguyên 1 chiếc PC cấu hình khá ổn và một chiếc hộp bé tí với hệ thống tản nhiệt hiệu quả. Rất ấn tượng!
Cạnh trên của Alpha phẳng hoàn toàn trong khi các cạnh dưới được vát nghiêng để tăng hiệu quả tản nhiệt. Các khe hút khí được đặt quanh cạnh dưới và quạt thổi sẽ đưa hơi nóng ra ngoài bằng 2 khe thoát nhiệt lớn ở mặt sau. Bên trong máy có 2 quạt thổi, 1 cho GPU và cái còn lại cho CPU kết hợp với các miếng tản nhiệt ngay bên dưới. Hoạt động thực tế cho thấy hệ thống tản nhiệt này làm việc rất hiệu quả với các thành phần phần cứng của chiếc máy này.
Bên trong máy, bạn có thể tìm thấy 2 khe RAM (dùng RAM cho laptop). Chip Wi-Fi nằm phía trên GPU, một miếng tản nhiệt nhỏ cho chipset. Khu vực chứa ổ đĩa 2.5” được đặt bên dưới bo mạch chủ và người dùng có thể tiếp cận khu vực này khá dễ dàng.
Vỏ ngoài của Alpha được làm chủ yếu từ nhựa: nhựa bóng ở 2 bên và bề mặt nhám với dạng chữ Y. Cỗ máy này có vẻ ngoài khá hấp dẫn và có thể “hòa nhập” với các thiết bị giải trí khác một cách dễ dàng, chủ yếu nhờ vào kích thước của nó. Mặt trước có logo Alienware kiêm luôn chức năng của nút nguồn và một bề mặt vát. Cả 2 phần này đều được chiếu sáng bằng đèn LED RGB có thể tùy biến màu thông qua phần mềm.
Về cổng kết nối, chiếc máy này có 2 cổng USB 2.0 ở mặt trước và 2 cổng USB 3.0 au lưng. Lưng máy còn có cổng LAN, HDMI in và out, cổng tín hiệu quang dành cho âm thanh. Bộ nguồn gắn ngoài có công suất 130,65 watt. Điều này cho thấy Alpha có mức tiêu thụ điện năng tương đương với các máy chơi game console đời mới.
Ở mặt dưới của Alpha có 1 nắp nhựa, mở ra có thể thấy một khoảng trống hình vuông 1 và 1 cổng USB. Alienware cho biết đây là vị trí dành cho thiết bị kết nối không dây của bộ điều khiển Steam: khi bộ điều khiển này được bán ra, người dùng có thể gắn adapter vào đây, rất tiện và gọn gàng.
Bán kèm Alpha là tay game không dây Xbox 360. Đây là một trong những tay game tốt nhất hiện nay và tương thích với rất nhiều game PC. Tuy nhiên cách tay cầm này kết nối với Alpha chưa được đẹp mắt cho lắm: thiết bị “bự con” này lại được cắm vào cổng USB phía sau lưng máy, tạo nên một mớ "nhùng nhằng" đằng sau.
Không những cách làm này không đẹp mắt, nó còn chiếm mất 1 cổng USB 3.0 trừ khi người dùng kết nối bằng cổng USB 2.0 trước mặt máy. Tuy nhiên, chiếc adapter này hỗ trợ lên đến 4 tay game nên việc bổ sung thêm tay game để chơi nhiều người trở nên rất dễ dàng.
Hiệu suất hoạt động
Như đã nói, hiệu suất của GPU trên Alienware Alpha gần bằng với chip Geforce GTX 750 Ti dành cho máy bàn. Thay vì xem các kết quả benchmark, các bạn có thể tham khảo số khung hình trung bình trong các game được chơi trên Alienware Alpha. Tất cả game đều chạy ở độ phân giải FullHD 1080p:
Game |
Thiết lập |
Tốc độ khung hình trung bình (FPS) |
Crysis 3 |
High Preset, FXAA |
35 |
Sleeping Dogs |
Extreme Setting, High AA |
47 |
Tomb Raider |
Ultra Preset |
51 |
Battlefield 4 |
High Preset, SSAO, Medium Post Process |
60 |
Middle-earth: Shadow of Mordor |
Medium Preset |
51 |
Borderlands 2 |
Max Settings, Low PhysX |
60 |
BioShock Infinite |
Ultra Settings, No DdoF |
54 |
Dragon Age Inquisition |
High Preset |
37 |
Batman: Arkham Origins |
Max Settings, PhysX Off |
50 |
Metro: Last Light |
High Settings, 16xAF, PhysX Off, Tessellation Off |
40 |
Có một vài điểm cần chú ý: trước tiên Alienware Alpha là một hệ thống khá mạnh, cho phép hầu hết game chơi ở thiết lập chất lượng cao ở độ phân giải FullHD, tốc độ khung hình ổn một cách dễ dàng. Với các hệ thống trang bị đồ họa tích hợp, việc phải giảm độ phân giải hoặc chất lượng hình ảnh là điều bắt buộc. Việc được trang bị GPU riêng rõ ràng đã giúp ích cho Alpha rất nhiều.
Thứ hai, Alienware Alpha chạy một số game mới tốt hơn hẳn các console. Ví dụ như với Battlefield 4, bản PS4 chỉ chạy ở độ phân giải 1600x900, tốc độ khung hình 60 FPS (còn Xbox One chỉ là 720p). Trong khi đó Alpha có thể chơi game này ở mức FullHD (1920x1080) và 60 FPS ở thiết lập gần như cao nhất. Hình ảnh game rất sắc nét trong khi chất lượng hiệu ứng gần như tương đồng.
Kết quả cũng tương tự với 2 game mới khác là Middle-earth: Shadow of Mordor và Dragon Age: Inqusition đều hoạt động ở độ phân giải 1080p, 30 FPS trên PS4 (900p trên Xbox One), nhưng trên Alpha bạn có thể đạt đến gần 60 FPS với thiết lập thích hợp. Mặc khác, việc chơi game bằng PC cho phép bạn chọn chất lượng hình ảnh cao hơn bằng cách giảm số tốc độ khung hình xuống.
Tuy nhiên, vận chưa thể khẳng định Alienware Alpha là một cỗ máy chơi game “cực đỉnh”: bạn sẽ không thể chơi các game mới nhất với thiết lập cao nhất. Tuy nhiên, trải nghiệm vẫn rất ổn khi bạn có thể chơi phần lớn game trên Alpha với độ phân giải FullHD và chất lượng hình ảnh ở mức cao.
Ngoài ra Alpha vẫn có 1 điểm gây khó chịu: tốc độ ổ đĩa. Ổ cứng 2.5” 5400 vòng/phút trang bị cho tất cả các mẫu Alienware Alpha chính là điểm thắt cổ chai, làm tăng đáng kể thời gian cài đặt và load game. Tốc độ truy cập và đọc ghi chậm sẽ thể hiện trong game dưới dạng giật cục và thỉnh thoảng khung hình giảm đột ngột. Mặc dù không phải tất cả game đều gặp vấn đề này, nhưng các game nặng về đồ họa cần tải lượng texture lớn sẽ “lãnh đạn”.
Đây là 1 điều khá thất vọng cho 1 cỗ máy có hiệu suất chấp nhận được. Càng thất vọng hơn khi Alienware không đưa ra tùy chọn nâng cấp ổ cứng SSD cho Alpha, mà người dùng phải tự mình thay thế.
Đáng tiếc là việc thay thế ổ đĩa lại khá phức tạp, đặc biệt là khâu cài đặt phần mềm để Alpha hoạt động như ban đầu. Việc thay ổ cứng SSD dù loại giá rẻ nhất cũng có thể đẩy giá của hệ thống lên trên 600 USD.
Trải nghiệm console, nâng cấp phần cứng
Giao diện chính được cài đặt sẵn trên Alienware Alpha là AlphaUI được tự động mở khi khởi động Windows 8.1, thiết kế sẵn để sử dụng với tay cầm chơi game. Giao diện này cho phép người dùng mở chế độ Big Picture của Steam cũng như tinh chỉnh một vài thiết lập cơ bản và thoát về giao diện Windows chuẩn. Về cơ bản, giao diện này chỉ là nơi để mở Steam, ngoài ra không có chức năng nào khác.
Một điều dễ nhận thấy là đôi khi AlphaUI hơi chậm so với cấu hình của Alpha. Khởi động máy vào Windows khá nhanh nhưng bạn sẽ phải “ngắm” màn hình load của AlphaUI trong khoảng thời gian hơi bị lâu, rõ ràng là không đáng so với những gì mà giao diện này mang lại.
Chế độ Big Picture của Steam lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Giao diện dễ sử dụng và nhiều tính năng đem lại trải nghiệm tương đương với các máy chơi game chuyên dụng khác. Mở game, mua game hoặc sử dụng các tính năng cộng đồng đều dễ dàng và hầu như không cần động tới chuột hoặc bàn phím. Hơn thế nữa, người dùng còn được sử dụng giao diện được tùy chỉnh phù hợp cho TV trong khi chơi game để duyệt web hoặc liên lạc với bạn bè.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng phàn nàn nếu bạn chỉ chơi game mua từ Steam, nhưng nếu chơi game từ các dịch vụ khác thì sẽ “có chuyện” ngay. Mặc dù cho phép mở game “ngoài” nhưng bạn sẽ phải cắm chuột và bàn phím để cài đặt và thêm liên kết game vào Steam. Vì vậy, nếu kho game của bạn không phải mua từ Steam thì chắc chắn bạn sẽ phải dùng tới chuột và bàn phím khá nhiều.
Một trong những ưu điểm của Alienware Alpha so với các máy console rõ ràng là khả năng nâng cấp. Nâng cấp RAM và ổ cứng là 2 việc có thể thực hiện dễ dàng nhất.
Hướng nâng cấp cuối cùng là CPU. Trở ngại lớn nhất là “nội thất” của Alpha không đủ rộng để có thể gắn các hệ thống tản nhiệt cho các CPU công suất cao hơn. Tuy nhiên các CPU Haswell 35W dòng T có thể được gắn dễ dàng vào khe LGA1150 trên bo mạch chủ. Nhưng vấn đề là tìm mua được các CPU này. Vì vậy, nếu muốn nâng cấp CPU thì tốt nhất bạn nên chọn ngay khi đặt mua dù giá không được dễ chịu cho lắm.
Kết luận
Alienware Alpha có vẻ là một thử nghiệm thành công cho dòng máy PC chơi game đặt trong phòng khách. Kích thước phù hợp và tính năng phong phú: đủ cổng kết nối, đèn trang trí nhiều màu sắc, hệ thống tản nhiệt hiệu quả, khả năng nâng cấp tốt. Nó nhỏ hơn nhiều so với PS4 hay Xbox One và khi đặt cạnh các thiết bị khác cũng không trở nên lạc lõng.
Dù có vấn đề với tốc độ ổ cứng, nhìn chung Alpha vẫn vượt qua hiệu suất hoạt động của các máy chơi game chuyên dụng. Tất cả các game thử nghiệm đều chơi ở độ phân giải FullHD với mức chất lượng không thua kém quá xa so với mức “Max all”. Nếu chỉ chơi các game không cần truy xuất ổ cứng nhiều, trải nghiệm sẽ “phê” hơn hẳn so với chơi bằng các máy chơi game chuyên dụng có trên thị trường hiện nay.
Việc sử dụng Alpha rất dễ dàng nhờ vào AlphaUI, chế độ Big Picture của Steam và tay cầm Xbox 360. Tuy AlphaUI hơi chậm nhưng khi đã mở Steam, trải nghiệm sẽ tốt hơn nhiều lần.
Có thể nói Alpha là một "món hời" so với những gì nó mang lại. Tính sơ một cấu hình tự ráp với CPU Core i3, card màn hình GTX 750 Ti, 4 GB RAM DDR3-1600, card Wi-Fi chuẩn AC, tay cầm không dây Xbox 360 và một thùng máy cỡ nhỏ có thể hết hơn 500 USD, không rẻ hơn bao nhiêu so với cấu hình Alpha thấp nhất. Và cái bạn nhận được sẽ không nhỏ gọn bằng, cũng như không bao gồm bản quyền Windows. Rõ ràng lựa chọn Alpha thay vì tự lắp máy là một lựa chọn sáng suốt.
Thế nhưng, các tùy chọn nâng cấp do Alienware đưa ra lại không tốt chút nào. Cấu hình giá 699 USD có RAM được nâng lên 8GB, ổ cứng 1TB - bạn bỏ ra 150 USD cho những nâng cấp chỉ đáng giá 45 USD. Cấu hình 799 USD thì có thêm CPU Core i5 4 nhân, trong khi chỉ cần bỏ ra khoảng 145 USD là bạn đã có thể tự mình nâng cấp CPU tương tự. Cấu hình cao cấp nhất giá 899 USD có ổ cứng 2 TB, 8GB RAM và CPU Core i7, tức là phải bỏ thêm 350 USD cho các nâng cấp trị giá 270 USD.
Cuối cùng,Alienware không cung cấp lựa chọn nâng cấp GPU. đây là một điểm đáng thất vọng vì nếu có sẽ mang lại những cải thiện rất đáng kể.
Ưu điểm:
- Nhỏ gọn
- Hiệu năng tốt
- Kho game phong phú
Nhược điểm:
- Ổ cứng chậm
- Khó khăn khi muốn chơi các game không mua từ Steam
- Không có tuỳ chọn nâng cấp card đồ hoạ
Bình luận (0)