KHÔNG CHỈ LÀ TRƯNG BẢNG TUYỂN DỤNG
Nói về sự "chững lại" của thị trường lao động, thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết việc đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân cũng như khu vực quốc doanh đã tạo ra sự phát triển rất lớn về việc làm cho thị trường lao động tại TP.HCM trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nếu nhìn lại các giai đoạn trước, như khoảng năm 2000, 2005, có sự bùng phát nhu cầu việc làm và sau đó chững lại vào khoảng năm 2008. Thời điểm này có khủng hoảng, có mất việc nhưng đó là xu thế đi lên để đáp ứng các kỹ năng, sự phát triển của nghề nghiệp.
"Bây giờ, thị trường lao động có chững lại nhưng có khác với lần trước đó, khác ở chỗ có xu hướng đi xuống. Với nền kinh tế mở của chúng ta hiện nay, khi có biến động ở bên ngoài thì bên trong cũng bị ảnh hưởng. Nếu các doanh nghiệp (DN) trong nước không sản xuất được thì dẫn đến mất việc, công nhân bị sa thải. Điều đáng nói hơn, hiện nay rất khó dự đoán khủng hoảng về việc làm sẽ kéo dài bao lâu, đến cuối năm 2023 hay là năm sau, hay khi nào có tín hiệu lạc quan các thị trường quốc tế?", ông Thành nói.
Khi nói về các giải pháp, ông Thành nêu vấn đề trước tiên là trách nhiệm của nhà nước. Theo ông, kết nối cung - cầu lao động là điều rất quan trọng và đó là trách nhiệm của Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động TP.HCM để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, việc kết nối việc làm không dễ và hiện nay TP.HCM chưa phát huy hết chức năng này.
"Kết nối lao động không phải chỉ trưng cái bảng việc làm ra là xong, là đã thành công", ông Thành nhấn mạnh và cho biết thêm: "Nó đòi hỏi phải khảo sát người lao động, tính đến các khả năng của họ, các điều kiện và sau đó là kết nối từng người một. Công việc này khó, dù cho cơ quan nhà nước có nhiệt tình làm thì cũng không giải quyết hết 100% được. Một điểm khó khác nữa là do cầu hiện nay đã giảm, trong khi cung là rất nhiều. Cho nên cơ quan nhà nước cần xác định, tính toán lại để có điều chỉnh phù hợp".
Vấn đề thứ hai, theo chuyên gia này, chất lượng lao động của TP.HCM nói riêng và của VN nói chung hiện vẫn chưa cao. Khi thất nghiệp, ngoài công việc đã quen làm, với công việc khác đòi hỏi nhu cầu cao hơn thì người lao động không làm được. Ở đây, cơ quan chức năng cần có kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ ba, hiện nay khu vực phi chính thức ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Khu vực dịch vụ, các công việc dựa trên nền tảng công nghệ chia sẻ đang hút rất nhiều lao động vì có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm rủi ro bởi nó làm giảm đi quyết tâm tìm việc của người lao động. Họ nghĩ rằng có những công việc thay thế và thu nhập lớn hơn so với những công việc mang tính chất sáng tạo, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Sinh viên có thể nghĩ ra trường chạy Grab sẽ dễ hơn so với làm DN, văn phòng.
"Chưa kể, hiện nay mô hình di dân rất khác, họ đi có vợ chồng, con cái và điều này đang tạo áp lực rất lớn cho thành phố, ảnh hưởng đến cách chọn, tìm việc làm. Sau đại dịch Covid-19, rất đông người lao động trong khu vực phi chính thức chưa hẳn "nghèo", mà rơi vào "ranh giới nghèo", sinh kế bị đứt gãy. Một ví dụ dễ thấy nhất là người bán vé số hiện nay cũng ít hơn ngày trước. Vì vậy, về lâu dài, nhà nước cần có điều chỉnh trong các khu vực kinh tế cho phù hợp", ông Thành cho biết.
Thứ tư là vấn đề kỹ năng cho người lao động, theo thạc sĩ Lê Văn Thành. Hiện nay, một DN phải tái cấu trúc rất nhiều thứ để thích ứng môi trường mới, cho nên vấn đề đặt ra là người lao động phải tự nâng cao chất lượng bản thân của họ.
"Điều này phải nói cho người lao động để họ chuẩn bị năng lực đầy đủ hơn cho việc đi làm. Có DN mới mở ra, thay thế những cái cũ. Nếu trông chờ kỹ năng cũ thì người lao động sẽ rất khó tìm việc. Người lao động phải có năng lực nghề nghiệp nhất định để có thể làm việc có hiệu quả. Khi có biến cố trên thị trường lao động, người lao động không thể trông chờ tìm chỗ làm mới với việc đã từng làm mà phải làm như thế nào đó nếu DN thay đổi, tái cấu trúc", ông Thành cho biết.
KHÔNG ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG THẤT THẾ TRÊN SÂN NHÀ
Cũng nhấn mạnh vai trò của các cấp chính quyền, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cho hay những biến cố trong thị trường lao động sau dịch Covid-19 và việc người lao động mất việc vì DN cắt giảm đơn hàng, cho thấy các cơ quan quản lý lao động chưa có tâm thế thích ứng với sự thay đổi, cú sốc của thị trường.
"Ngoại trừ các yếu tố khách quan, còn có lý do nội tại, mà lý do nội tại thì mình có thể xử lý được. Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và DN chưa có tâm thế chủ động. Việc các công ty bị giảm đơn hàng xuất khẩu không phải chỉ do chiến tranh, đó còn là các nguyên do như hiệp định thương mại mới đang có hiệu lực, quy định mới về quan hệ lao động, môi trường, năng lượng… ngày càng cao, đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của bên ký kết", ông Lộc lưu ý.
Ông Lộc nêu dẫn chứng, trước đây vài năm, thị trường lao động của Bangladesh gặp phải tình trạng thê thảm hơn rất nhiều, nhưng nay họ đã thích ứng và cải thiện được chuỗi cung ứng lao động, vì các DN trong nước này chuyển đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn về năng lượng, môi trường. Trong khi đó, hiện nay DN của VN vẫn còn loay hoay, lựa chọn mô hình.
Khi DN cải tổ lại hệ thống thì có một lượng lớn người lao động ở độ tuổi trung niên mất việc mà không có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc mới. Vì vậy, một đòi hỏi cấp bách là cần tái cơ cấu về nguồn lao động. Bằng không, người lao động ở nhóm này rất dễ loay hoay với những loại công việc mới nổi hoặc "bẫy lao động": làm nhiều, trả lương thấp, không có bảo hiểm xã hội.
Song song đó, hiện nay "kinh tế xanh", "số hóa" và "xanh hóa" là các từ khóa sẽ xuất hiện rất nhiều trong các diễn đàn kinh tế và hợp tác quốc tế. Ở đây cần nhấn mạnh thêm vai trò nhóm lao động kế tiếp, lao động trẻ có thể tiếp cận về mặt thông tin, được đào tạo về mặt tư duy sáng tạo.
"Điều quan trọng là cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực đó như thế nào. Nếu người lao động VN không có khả năng sử dụng máy móc vào trong công việc của mình, không thể thích ứng các điều kiện làm việc trong môi trường số hóa thì DN phải tuyển lao động khác từ các nước về làm việc; còn người trong nước có trình độ, năng lực thì đi nước ngoài. Người lao động tiếp tục thất thế trên sân nhà. Chiến lược đầu tư nguồn nhân lực cần nhà nước can thiệp, chứ không thể để thị trường điều tiết", ông Lộc nêu ý kiến.
Đối với nhóm người lao động lớn tuổi thì họ khó thích ứng, chỉ tham gia được một phần nào trong sự chuyển đổi trong tương lai. "Lúc này, ta có thể suy nghĩ đến lao động trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ để hạn chế tình trạng đổ về đô thị kiếm sống", PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho hay.
Bình luận (0)