Hiện tại, nhà trường phổ thông đang có hai cách đánh giá học sinh. Đối với lớp 9 và 12, là 2 lớp cuối cùng học theo Chương trình GDPT 2006, việc đánh giá học sinh thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT.
Với các khối lớp còn lại, ngành giáo dục đã thực hiện cuốn chiếu giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và thực hiện đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Kết quả cuối năm của một số trường học phần nào cho thấy điểm khác biệt giữa hai cách đánh giá trên và những điểm nổi bật của cách đánh giá theo chương trình mới.
Hướng đến thực chất hơn nhưng tỷ lệ khen thưởng vẫn còn cao
Theo Chương trình GDPT 2006, việc khen thưởng học sinh được áp dụng cho đối tượng học sinh tiên tiến (học lực khá) và học sinh giỏi (xếp loại giỏi). Điều này dẫn đến hệ lụy là việc khen thưởng bị “lạm phát”, mất hết tác dụng vì số lượng học sinh khá giỏi trong lớp rất nhiều.
Cách đánh giá theo Chương trình GDPT 2018 được hy vọng sẽ xóa bỏ bất cập này. Theo Điều 15 của Thông tư 22, việc khen thưởng được áp dụng như sau:
- Học sinh xuất sắc: đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.
- Học sinh giỏi: đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt.
- Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
- Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Nhìn vào thực tế kết quả cuối năm học này có thể thấy chương trình mới hướng đến thực chất hơn, tránh tràn lan. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh được khen thưởng hiện nay theo chương trình mới vẫn còn khá cao ở nhiều trường.
Chẳng hạn, theo báo cáo của giáo viên chủ nhiệm lớp 8 trong buổi họp cha mẹ học sinh cuối năm vừa mới tổ chức tại Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM, trường có tổng cộng 364 học sinh lớp 9 (học theo Chương trình GDPT 2006). Số học sinh lớp được khen thưởng (gồm giỏi và khá) là 320 em, chiếm tỷ lệ gần 88%. Trong khi đó, tổng số học sinh lớp 6, 7, 8 là 958 em, có 509 em được khen thưởng, chiếm tỷ lệ hơn 53%.
Ngoài ra, tỷ lệ học sinh xuất sắc ở cấp THPT có phần giảm xuống, nhưng tỷ lệ học sinh giỏi vẫn rất cao. Chẳng hạn, tỷ lệ học sinh giỏi của nhiều lớp 10 và 11 tại một trường THPT bình thường ở quận Tân Phú, TP.HCM xấp xỉ trên dưới 70 %.
Do cách đánh giá rèn luyện hạnh kiểm không bị khống chế bởi kết quả học tập nên kết quả đánh giá theo chương trình mới của Thông tư 22 cũng khả quan hơn. Nhiều trường không có học sinh nào phải rèn luyện lại hạnh kiểm trong hè suốt nhiều năm liền.
Đa dạng cách đánh giá, học sinh phát huy thế mạnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Thứ nhất, học sinh học theo chương trình mới được giảm số môn học. Theo đó, với THCS, có một số môn tích hợp lại. Còn với THPT, học sinh được chọn theo tổ hợp ngay từ đầu lớp 10. Vì vậy, số các môn (gọi theo thói quen là môn chính như bấy lâu nay) giảm xuống nên học sinh bớt gánh nặng điểm số, ít bị khống chế điểm bởi các môn này, và có điều kiện đầu tư cho các môn chọn theo tổ hợp.
Thứ hai, cách đánh giá theo chương trình mới đa dạng, linh hoạt hơn cách đánh giá chương trình cũ. Chương trình mới không còn đánh giá nặng nề, hàn lâm chỉ với hình thức làm bài viết của cá nhân học sinh như chương trình cũ. Ngoài năng lực viết, chương trình mới có nhiều hình thức đánh giá khác nhau như: sản phẩm, thuyết trình, dự án... của cá nhân và nhóm học sinh. Điều này giúp học sinh phát huy thế mạnh bản thân, đạt điểm cao nhiều môn.
Bên cạnh đó cách đánh giá nhiều môn học cũng được chuyển từ điểm số sang nhận xét (đạt hoặc chưa đạt), như môn giáo dục thể chất, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp... Điều này giúp học sinh dễ dàng có kết quả “đạt” hơn sau quá trình học so với đánh giá bằng điểm số trước đây.
Giảm tình trạng giấy khen tràn lan
Từ năm học 2021-2022, các trường áp dụng thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với các lớp 6 THCS (nay đã triển khai đến các khối lớp 6, 7, 8 và 10, 11) trong nhận xét, đánh giá xếp loại, xét danh hiệu học sinh. Việc thay đổi này được dư luận xã hội quan tâm nhiều bởi những điểm mới tiến bộ, tích cực, nhân văn. Cụ thể việc đánh giá xếp loại học sinh về học tập và rèn luyện theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt và chỉ còn khen thưởng danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi. Bỏ cách tính điểm trung bình các môn học; không còn xếp loại hạnh kiểm tốt, khá, trung bình, yếu; học lực giỏi, khá, trung bình, yếu, kém; bỏ khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến.
Vì vậy tình trạng giấy khen tràn lan đã được chấm dứt với các lớp học Chương trình GDPT mới 2018. Thực tế qua 3 năm áp dụng Thông tư 22 đã hạn chế việc khen tràn lan, hạn chế lạm phát giấy khen, việc khen thưởng đi vào thực chất.
Là giáo viên cũng là phụ huynh, tôi mong có sự công bằng trong dạy và học và thầy cô thực hiện đúng phương châm: Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật để các em thật sự hạnh phúc khi đến trường.
Bình luận (0)