Từ ngày 11.10, Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT bắt đầu chính thức áp dụng.
Học sinh vui vì áp lực giảm
Sau khi thông tin về Thông tư 26 lan truyền trên mạng, có học sinh (HS) nghĩ rằng việc bỏ kiểm tra 1 tiết này thì sẽ khó mà “gỡ” điểm. Thành Tâm, HS ở Hải Hậu (Nam Định), cho rằng: “Có khi nào sướng trước khổ sau! Điểm tổng kết phải lấy điểm thi bù điểm 1 tiết?”.
Tuy vậy, nhiều HS lại cảm thấy rất vui khi được giảm áp lực về điểm số. Dương Phan Việt Trang, HS lớp 7 một trường THCS tại Q.4 (TP.HCM), chia sẻ: “Khi vào lớp 7, chúng con đã biết phải thường xuyên có nhiều bài kiểm tra hơn HS tiểu học rất nhiều. Mỗi môn học chúng con phải thực hiện các bài kiểm tra như kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết, kiểm tra học kỳ. Có khi đến đợt các môn cùng kiểm tra, chúng con phải làm bài liên tục, áp lực và lo sợ khủng khiếp. Chúng con biết, đã đi học là phải làm bài kiểm tra để có điểm đánh giá xếp loại nhưng chúng con mong rằng ở bậc THCS, các thầy cô có thể giảm bớt số bài mà vẫn giúp HS học tốt”.
N.K.T, HS Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cũng cho biết điều mà HS nào cũng lo sợ là những bài kiểm tra đơn thuần để kiểm tra kiến thức, mức độ thuộc bài của học trò mà giáo viên (GV) hướng đến. N.K.T cho biết bản thân em nhận thấy những môn học mà GV thường yêu cầu HS thuộc bài thì sau khi kiểm tra, HS không nhớ, rất ngại học và có tâm lý học để thi cho xong. Nhưng ngược lại, có một số GV ra đề kiểm tra yêu cầu HS thể hiện khả năng hiểu, vận dụng hoặc cùng làm việc nhóm khi giải quyết một yêu cầu kiến thức thì HS khá thích thú và thoải mái tâm lý khi thực hiện. Nếu bỏ cột điểm kiểm tra 1 tiết, những phần kiểm tra khác cũng nên thực hiện theo hướng này thì HS sẽ rất hứng thú mà không nặng nề, áp lực.
Giáo viên cần có đánh giá thực chất
Ông Hồ Nguyễn Bảo Trung, GV môn toán một trường THCS tại H.M’Đrăk, Đắk Lắk, cho biết các GV trong trường đang xây dựng lại kế hoạch giảng dạy. GV đều có suy nghĩ tích cực vì nhận thấy sẽ dạy HS nhẹ nhàng hơn. Việc đánh giá bằng cách cho ít bài kiểm tra hơn là tốt cho HS, giúp HS không bị áp lực.
Cũng theo ông Trung, từ trước tới nay cột điểm kiểm tra định kỳ là kiểm tra viết, kiểm tra thường xuyên là điểm tổng hợp. Vì vậy, điểm kiểm tra thường xuyên là điểm mà GV có thể đánh giá HS từ nhiều mặt, nhiều hoạt động. Thông tư 26 giúp GV rõ hơn trong việc đánh giá này.
“Tôi là GV từng đi luân chuyển một số nơi, tiếp cận HS nhiều vùng khác nhau. Vì vậy, quan điểm của tôi vẫn luôn là dạy HS nhẹ nhàng, không bị nặng nề, áp lực. Nhưng bài kiểm tra ít đi thì GV các trường cần có đánh giá thực chất. Nếu vì chỉ tiêu mà đánh giá HS cao hơn thực tế thì trong một lớp sẽ có nhiều HS được cho “điểm ảo”, không đúng với tinh thần đánh giá của Thông tư 26”, ông Bảo Trung cho biết.
Ông Phạm Anh, GV môn toán tại Đắk Lắk, thì cho rằng bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ độc lập cũng có cái hay. GV không thể cho điểm tối đa được. Chính vì lý do cộng thêm 0,3 điểm để HS lớp 12 tốt nghiệp THPT mà thời gian qua ở nhiều trường, HS lớp 12 có điểm quá cao. “Việc áp dụng thông tư mới sẽ có nhiều điều hay”, ông Phạm Anh nhận định.
Thay đổi định hướng giáo dục
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết mới ngày hôm qua 13.9, một GV trong trường có gặp ông sau khi tìm hiểu kỹ về Thông tư 26. GV này nói trường đã triển khai nhiều nội dung giống như vậy đã 4 năm nay và việc triển khai này thời gian qua giúp GV, HS cảm thấy rất thoải mái trong việc học.
Ông Phú cho rằng nhiều người chưa hiểu đúng về Thông tư 26. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo nhà trường, GV hiểu đúng thì sẽ thấy rất hay. Ông Phú cho biết rất tâm đắc với thông tư này vì thông tư có định hướng giáo dục, ngầm thay đổi phương pháp đánh giá rất rõ.
Theo ông Phú, với quy định giảm số đầu điểm thì cần hiểu giảm ghi vào sổ chứ không phải cho điểm một lần vào sổ. “Người thầy phải đổi mới cách đánh giá bằng việc dạy học qua dự án, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, thí nghiệm... Sau đó, thầy cô cho kiểm tra tương tác qua email, Zalo, Facebook, phần mềm 789, online... Sau khi đa dạng nhiều hình thức kiểm tra như vậy, thầy cô mới chọn điểm tốt nhất đưa vào cột điểm cho học trò mình. Người thầy sẽ thấy sự tiến bộ của học trò. Cách đánh giá HS như Thông tư 26 hay nhưng đòi hỏi lãnh đạo nhà trường quán triệt, thầy cô dạy tận tâm, kỹ lưỡng mới thấy được sự cố gắng của HS. Cột điểm giảm đi thì công tác hành chính của GV sẽ nhẹ hơn, công tác học vụ càng tốt, càng nhanh, học trò cũng nhẹ nhàng hơn. Nhưng tâm người thầy phải tốt, phải thấu hiểu học trò”, ông Phú nhận xét.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cũng cho rằng việc thay đổi các cột điểm trong kiểm tra, đánh giá giúp giảm nhẹ hơn áp lực học tập, thi cử cho HS. Thay vào đó, sự đa dạng hóa hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn kết hợp với kiểm tra đánh giá định kỳ, đánh giá bằng nhận xét lại trao cơ hội để GV ghi nhận khách quan, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của HS trong học tập lẫn rèn luyện. Sự mới mẻ này là hình thức để khuyến khích HS tự học, tự nghiên cứu, mạnh dạn hơn khi tham gia trong các hoạt động phong trào của trường, nghiên cứu khoa học, phát triển được năng lực sáng tạo, sở thích của bản thân. Qua đó, GV có nhiều thời gian hơn tập trung giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, ghi nhận sự tiến bộ của học trò theo quá trình bằng nhiều hình thức.
Bình luận (0)