Đánh giá kỹ 3 đề án lớn ở TP.HCM trước khi trình Bộ Chính trị

05/10/2024 15:41 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị TP.HCM đánh giá kỹ tác động 3 đề án: Vành đai 4, đường sắt đô thị và trung tâm tài chính trước khi trình Bộ Chính trị.

Sáng 5.10, đoàn công tác của Đảng đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Buổi làm việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.HCMNghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong 44 nội dung của Nghị quyết 98, đến nay TP.HCM đã áp dụng 30 cơ chế; 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định; 7 cơ chế đang TP.HCM hoàn thiện văn bản hướng dẫn; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng và 1 cơ chế xin dừng thực hiện vì có quy định mới thay thế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 98 đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để TP.HCM tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh.

Dù vậy, tiến độ thể chế hóa một số chính sách chưa đạt như chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, tăng tổng mức dư nợ vay không quá 120% thu ngân sách.

Đánh giá kỹ 3 đề án lớn ở TP.HCM trước khi trình Bộ Chính trị- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 5.10

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 phân cấp cho TP.HCM nhưng thực tế triển khai chính sách vẫn cần trao đổi, xin ý kiến các bộ, ngành. Đơn cử như lĩnh vực ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, TP.HCM phải trao đổi với Bộ KH-ĐT và các bộ ngành liên quan về các tiêu chí trong lĩnh vực này.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, ông Mãi nêu 3 nội dung cần báo cáo Quốc hội đối với dự án Vành đai 4 gồm: dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, đề án đường sắt đô thị và đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Riêng đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, ông Mãi cho biết việc phát triển trung tâm tài chính được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể và gắn với định hướng phát triển đô thị gồm khu phố tài chính hiện hữu ở Q.1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm. Trung tâm tài chính bao gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh.

Về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3/2024 đạt 7,33%, tính chung 9 tháng đầu năm đạt 6,85%; doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%, xuất khẩu đạt 33,82 tỉ USD (tăng 10,2%), nhập khẩu đạt 44,1 tỉ USD (tăng 6,4%), chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 6,9%, thu ngân sách nhà nước tăng 14,3%. Nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng được đưa vào sử dụng.
Đối với 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP.HCM có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu, 3 chỉ tiêu không đạt (tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 giai đoạn 2020 - 2021, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP và tốc độ tăng năng suất lao động).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhìn nhận nếu TP.HCM thu ngân sách đạt chỉ tiêu năm 2024 sẽ đóng góp cho cả nước 27% tổng thu ngân sách, đảm bảo cân đối chi của quốc gia. Bên cạnh đó, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5% trở lên thì TP.HCM phải phấn đấu, quyết liệt nhiều giải pháp để tăng trưởng quý 4.2024 hơn 9%.

TP.HCM cần tích cực hơn khi thực hiện cơ chế đặc thù

Về trung tâm tài chính quốc tế, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ, qua tiếp xúc với các tỷ phú nước ngoài về trung tâm tài chính quốc tế, họ không quan tâm đến đất đai, cơ sở hạ tầng hỗ trợ mà quan tâm đến chính sách, pháp luật thông thoáng.

"Cơ chế, chính sách pháp luật cần thông thoáng cho dòng tiền vào và ra. Đó mới là điều cốt lõi", ông Cường đánh giá và đề nghị TP.HCM nghiên cứu kỹ, báo cáo rõ với Bộ Chính trị về các cơ chế, chính sách tài chính phải khác biệt với quy định hiện hành, tham khảo mô hình một số nước trong khu vực.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá trung tâm sẽ tạo đòn bẩy lớn không chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước nên cần thực hiện khẩn trương. Ngay sau khi Bộ Chính trị có kết luận, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian nhanh nhất để thể chế hóa.

Đánh giá kỹ 3 đề án lớn ở TP.HCM trước khi trình Bộ Chính trị- Ảnh 2.

Các thành viên trong đoàn công tác của Đảng đoàn Quốc hội

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị TP.HCM cần tích cực hơn trong quyền hạn của mình khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần chủ động, hỗ trợ TP.HCM để tháo gỡ các vấn đề còn vướng.

"TP.HCM có cơ chế đột phá, vượt trội mà vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành tôi thấy xót xa", ông Phương chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh Nghị quyết 98 đã giao trách nhiệm Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp TP.HCM rút ngắn thời gian xử lý.

'Mổ xẻ' nguyên nhân chỉ giải ngân 20%

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết chưa đến 2 tháng, các lãnh đạo chủ chốt Trung ương làm việc với TP.HCM đã khẳng định Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của TP.HCM. Ông cũng đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những cách làm mới, quyết tâm mới, khí thế mới của TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những việc TP.HCM cần quan tâm như tăng trưởng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ; năng lực cạnh tranh quốc tế; năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

Đánh giá kỹ 3 đề án lớn ở TP.HCM trước khi trình Bộ Chính trị- Ảnh 3.

Giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM mới đạt khoảng 20%

ẢNH: NHẬT THỊNH

Riêng về đầu tư công, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị phải "mổ xẻ" nguyên nhân vì sao 9 tháng chỉ đạt hơn 20%, xác định "đâu là khách quan, đâu là chủ quan", hệ thống chính trị có quyết liệt, quyết tâm làm hay không.

Đối với 3 dự án mới đề xuất (vành đai 4, đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế) của TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có tư duy, tầm nhìn xa, đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị. Ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý hồ sơ phải đầy đủ, làm rõ về căn cứ pháp lý, đánh giá kỹ đầy đủ tác động, thực hiện theo quy trình, thủ tục đã được quy định.

Gỡ điểm nghẽn để vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, cả nước đang thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, một trong những vấn đề quan trọng là muốn vươn mình kỷ nguyên mới thì trước hết phải vượt qua các điểm nghẽn đang vướng, mà quan trọng nhất là vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Về Nghị quyết 98, ông Nguyễn Văn Nên cho biết đến nay làm rất nhiều việc nhưng vẫn còn nhiều điều chưa bằng lòng. Nghị quyết cho phép trong quá trình tổ chức thực hiện, khi gặp vấn đề khác nhau với cơ chế hiện hành thì vận dụng cơ chế của Nghị quyết 98 nhưng những người đưa ra nghị định hướng dẫn rất lo phần hướng dẫn những điều trái luật. 

"Chúng tôi cũng không dám trách vì họ lo vấn đề an toàn", ông Nên chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Đảng đoàn Quốc hội cần quan tâm để tính toán khi đưa ra quyết sách, gắn với chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Quốc hội cần quyết định vấn đề gì, Chính phủ quyết định vấn đề gì, địa phương quyết định vấn đề gì thật rõ ràng để thực hiện, tránh tình trạng cùng một việc "rất nhiều người làm, rất nhiều người lo".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.