Đánh giá kỹ tác động việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt

10/08/2023 16:34 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ tác động của những sửa đổi tại luật Căn cước công dân, trong đó có việc mở rộng phạm vi, đối tượng để cấp giấy chứng nhận căn cước công dân cho người gốc Việt chưa có quốc tịch.

Sáng 10.8, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội tổ chức phiên họp cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Căn cước công dân sửa đổi.

Đánh giá kỹ tác động việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Tại phiên họp, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Nguyễn Thị Xuân báo cáo dự thảo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Căn cước công dân sửa đổi.

Liên quan việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt, bà Xuân cho hay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng người gốc Việt không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã có từ lâu nhưng chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này.

Theo bà Xuân, đối tượng nói trên cũng như chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước đều không có giấy tờ để chứng minh về nhân thân và lai lịch. Do đó, cơ quan nhà nước chưa xác định được quốc tịch đối với những người này và họ cũng chưa đủ điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc cấp thẻ thường trú, tạm trú.

Thực tiễn đó đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với người gốc Việt, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự. Đồng thời cũng là rào cản đối với họ trong thực hiện những quyền cơ bản của con người.

Đánh giá kỹ tác động việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt - Ảnh 2.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra lý do thuyết phục hơn

GIA HÂN

Theo bà Xuân, phần nhiều trong số họ là những người yếu thế (là người di cư, cư trú không ổn định, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa...), đến nay, trải qua nhiều thế hệ đều không được pháp luật bảo vệ đầy đủ.

Từ phân tích trên, bà Xuân cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, dự thảo luật Căn cước bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam là cần thiết và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Cần đưa ra những lý do thuyết phục hơn

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Các đại biểu cho rằng việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là rất cần thiết, mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự.

Đồng thời, đây cũng là vấn đề mang tính nhân văn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt, những người yếu thế trong xã hội.

Đánh giá kỹ tác động việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt - Ảnh 3.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội Lưu Văn Đức cho biết cử tri băn khoăn việc bỏ thông tin dân tộc, tôn giáo trên thẻ căn cước công dân

GIA HÂN

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Vũ Xuân Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa ra những lý do thuyết phục hơn về nội dung này.

Các đại biểu đề nghị cần có thống kê, phân loại và đánh giá thực trạng những đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam mà chưa có quốc tịch. Trên cơ sở đó, đánh giá nhu cầu và tác động của việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam. Đồng thời cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này.

Về thông tin trên thẻ căn cước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội Lưu Văn Đức cho biết, qua tiếp xúc, cử tri bày tỏ băn khoăn việc bỏ thông tin dân tộc và tôn giáo trên thẻ căn cước. Đại biểu Đức đề nghị cần tăng cường tuyên truyền phổ biến, giải thích rõ nội dung này tới các đại biểu và người dân.

Đánh giá kỹ tác động việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt - Ảnh 4.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

GIA HÂN

Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị của phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật. Do đó, việc bổ sung đánh giá tác động và giải thích rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật là rất cần thiết.

Về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu về dân cư, thông tin thể hiện trên thẻ căn cước, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ việc thông tin nào bắt buộc, thông tin nào không bắt buộc phải thu thập thông tin của cư dân. Đồng thời phải làm rõ công tác chia sẻ dữ liệu, khai thác dữ liệu và bảo mật đối với thông tin của cư dân.

Xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi tên luật Căn cước công dân

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Nguyễn Thị Xuân cho hay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo 8 vấn đề lớn của luật Căn cước công dân sửa đổi để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có vấn đề về tên gọi của dự thảo luật; về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật; về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam.

Ngoài ra còn có vấn đề về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước; về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; về người được cấp thẻ căn cước; về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và về việc cấp, quản lý căn cước điện tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.