Một nhóm chuyên gia tại Los Angeles (bang California, Mỹ) đang phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đối với người Mỹ gốc Đông Nam Á, trong đó có cộng đồng người Việt, vì họ cho rằng nhóm người này bị ảnh hưởng ở mức độ khác biệt và cần được đánh giá riêng. Theo Đài LAist mới đây đưa tin sau gần 3 năm đại dịch, tác động của Covid-19 đối với nhóm người này vẫn chưa được nhận diện rõ ràng do hạn chế về dữ liệu cũng như nhiều yếu tố khác.
Kiên trì chịu đựng
Các nhà nghiên cứu đang tuyển dụng 1.000 người VN, Campuchia, Philippines và Thái Lan sống tại Los Angeles và những khu vực lân cận để tham gia nghiên cứu kéo dài 1 năm, nhằm xác định những ảnh hưởng của đại dịch đối với cuộc sống.
Một tiệm làm móng của người Việt ở bang Arizona (Mỹ) |
Bình Yên |
“Điều chúng tôi đang tiến hành là nhờ mọi người chia sẻ câu chuyện của họ nhằm giúp chúng tôi có thể tăng cường năng lực cộng đồng, để họ không còn cố trấn an rằng họ vẫn luôn kiên trì chịu đựng”, theo PGS Melanie Sabado-Liwag tại Đại học bang California ở Los Angeles - thành viên nhóm nghiên cứu.
Dù có những đặc trưng riêng về y tế, giáo dục và kinh tế - xã hội, nhóm người này thường được gom chung trong các nghiên cứu, dẫn đến việc khó xác định những khác biệt khi đánh giá tác động của đại dịch. Các tổ chức đại diện người Mỹ gốc Đông Nam Á đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng Covid-19 ảnh hưởng về y tế, tài chính một cách khác biệt đối với nhóm người này. Theo phó giáo sư Patty Kwan chuyên ngành khoa học chăm sóc sức khỏe tại Đại học California ở Northridge dẫn đầu nhóm nghiên cứu, một trong những lý do của điều này là do cộng đồng người Mỹ gốc Đông Nam Á chiếm tỷ lệ cao trong những công việc không thể làm từ xa. “Họ là những người căn bản không thể ở nhà và cách ly. Chúng tôi đã thấy nhiều thông tin về tác động của đại dịch đối với người Mỹ gốc La tin và gốc Phi. Điều chúng tôi đang trông mong là cung cấp góc nhìn đối với người Mỹ gốc Đông Nam Á”, theo bà Kwan.
Làm việc trực tiếp
Người Mỹ gốc Việt chiếm tỷ lệ vượt trội trong ngành làm móng, trong khi người gốc Philippines nổi bật trong lĩnh vực điều dưỡng. Nhiều cửa hàng bánh vòng ở Mỹ do người gốc Campuchia sở hữu, trong khi nhiều người gốc Thái Lan làm trong lĩnh vực mát xa trị liệu. Giám đốc nghiên cứu Saba Waheed tại Trung tâm lao động thuộc Đại học California từng kêu gọi hỗ trợ thêm cho thợ và chủ các tiệm làm móng bị ảnh hưởng trong đại dịch, bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn hỗ trợ bằng tiếng mẹ đẻ của họ, chủ yếu là tiếng Việt.
Một trong những mục tiêu của nghiên cứu là nhận diện những lỗ hổng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng người gốc Đông Nam Á và cách khắc phục thông qua chương trình phù hợp với văn hóa. Phó giáo sư Kwan cho biết người gốc Đông Nam Á thường tham khảo ý kiến gia đình khi đưa ra các quyết định về chăm sóc sức khỏe như tiêm vắc xin, nên nhóm nghiên cứu có thể sử dụng dữ liệu này để phát triển biện pháp can thiệp liên quan.
Viện Y tế quốc gia Mỹ đã tài trợ 1 triệu USD cho nghiên cứu, với những người tham gia thuộc các hạt Los Angeles, Orange, Riverside, San Bernardino và Ventura ở California. Một phần của kinh phí sẽ được sử dụng để tiến hành 4 khảo sát trong năm nay, bằng các ngôn ngữ gồm tiếng Việt, Khmer, Tagalog và Thái, bên cạnh tiếng Anh. Phó giáo sư Kwan hy vọng nhiều người sẽ tham gia nhằm tận dụng cơ hội để lên tiếng cho cộng đồng người Mỹ gốc Đông Nam Á, vì những câu chuyện của họ thường lu mờ khi bị gom chung vào nhóm Đông Á.
“Chúng tôi muốn người gốc Đông Nam Á phải được nhìn nhận ở cấp độ địa phương và quốc gia, đồng thời cũng được lên tiếng vì họ đã không được lắng nghe đầy đủ trong một thời gian dài”, bà Kwan chia sẻ.
Bình luận (0)