Danh hài nông dân

29/03/2015 07:17 GMT+7

NSƯT Thanh Nam giờ đã “chết cái tên” Hai Lúa, đi đâu cũng được khán giả yêu mến gọi như vậy sau bộ phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa. Một ông Hai Lúa nhưng lại “làm quan”, là Trưởng đoàn cải lương Kiên Giang, khó lắm chứ không hề đơn giản.

NSƯT Thanh Nam giờ đã “chết cái tên” Hai Lúa, đi đâu cũng được khán giả yêu mến gọi như vậy sau bộ phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa. Một ông Hai Lúa nhưng lại “làm quan”, là Trưởng đoàn cải lương Kiên Giang, khó lắm chứ không hề đơn giản.
 
NSƯT Thanh Nam vai Hai Lúa - Ảnh: Tư liệu
NSƯT Thanh Nam vai Hai Lúa - Ảnh: Tư liệu
Thanh Nam người gốc Hậu Giang, 17 tuổi theo đoàn văn công huyện Châu Thành, rồi được thọ giáo với những nghệ nhân như Tư Bé, Sáu Chăm học hỏi nhiều bài bản cải lương. Sau ông chuyển sang đoàn Dạ Lan Hương, từ đây mới rẽ qua làm “hề” như một duyên phận.
“Anh hề ốm nhom”
Tui thấy đời tui cũng như Hai Lúa, cũng phải mưu sinh, nhưng dần dần phải tiến lên, nhận vai khó hơn, tích cực hơn. Tóm lại, Hai Lúa tui rất yêu đời và yêu nghề
 
Ấy là hôm kép hề trong đoàn bị bệnh, bà bầu liền đẩy ông lên đóng thay vai trong vở Lưu Bình Dương Lễ. Không ngờ, sau buổi diễn khán giả toàn nhớ “anh hề ốm nhom”, kháo nhau ầm cả chợ. Thôi thế là thôi, cũng từ đây tan vỡ giấc mộng “kép đẹp” của Thanh Nam, vì bà bầu bắt đóng hề luôn không cho đổi chỗ. Đến năm 1978, Thanh Nam chính thức gia nhập đoàn cải lương Kiên Giang, sau đó bước lên vai trò quản lý, làm phó đoàn, rồi trưởng đoàn năm 2011.
Thanh Nam làm khán giả mê mẩn bằng lối diễn hài tỉnh rụi, không thèm nhoi nhoi, lạm dụng hình thể. Ông chỉ cần nhả chữ là khán giả cười rần rần. Nét diễn, chất giọng, ngay cả hàm râu của ông cũng làm gợi nhớ danh hài Thanh Việt thuở nào. “Thì vậy”, ông nói: “Thế hệ của tôi mê Thanh Việt, Tư Rọm dữ lắm. Mấy ông này diễn cứ gọi là “cao thủ”, tưng tửng mà đi vào lòng người”. Thật ra, nét diễn của Thanh Nam còn có một điểm đặc sắc nữa là chất nông dân Nam bộ, vừa chân chất, vừa đậm đà, vừa ngọt ngào, làm nên một Thanh Nam không trộn lẫn vào đâu được, cả trong sân khấu lẫn trên phim ảnh.
Nhưng khổ nỗi, đạo diễn cứ bắt Thanh Nam đóng vai nông dân mãi. “Cũng sợ trùng lặp chứ”, ông nói: “Vì vậy tôi phải ráng tìm ra nét riêng cho nhân vật. Ví dụ, ông nông dân cách đây mấy chục năm thì khác, mặc áo bà ba, đi guốc, còn ông nông dân bây giờ thì có thể mặc áo sơ mi, áo thun, không còn ngô nghê nữa. Phải cập nhật chứ, không thôi bà con chê mình”.
Hai Lúa lên tỉnh
Cách đây khoảng 5 - 6 năm, người ta thấy Thanh Nam và vợ lên Sài Gòn thuê khách sạn để ở. Sáng sớm hai vợ chồng dắt nhau đi, tối mịt mới trở về. Thì ra ông đi đóng phim. Một năm, ông nhận 3 - 5 phim, không thua gì các “ngôi sao” trẻ hiện nay. Bởi cái tên của ông vẫn ăn khách. Ông nói: “Thật ra tôi đã lên thành phố từ khoảng thập niên 90 (thế kỷ 20) để đóng phim của TFS và diễn cải lương do các bầu sô mời. Nhưng bây giờ nhận phim nhiều hơn nên mướn nơi ở hẳn thời gian dài, đỡ mệt. Còn chuyện quản lý đoàn cải lương Kiên Giang thì tôi vẫn chu đáo, vì đoàn chỉ đi lưu diễn mấy tháng mùa nắng, công việc không nhiều, tôi khéo sắp xếp thì đâu vào đó thôi”.
Tuổi đã cao nhưng đối với cuộc mưu sinh này thì Hai Lúa vẫn còn mới mẻ và sung sức. Ông cho biết sau khi Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa quá ăn khách, hãng phim đã cho làm tiếp phần 2, ông vẫn thủ vai Hai Lúa bên cạnh bà vợ là nghệ sĩ Thanh Thủy. Lần này Hai Lúa của ông không còn ngơ ngác giữa đèn hoa phố xá nữa, mà đã thực hiện được nhiều hoạt động tích cực. Chẳng hạn, Hai Lúa đi tìm mấy ông làm cầu treo, mời về quê bắc cầu cho bà con đi. Hai Lúa nghiên cứu cùng mấy ông tiến sĩ việc trồng nấm xanh, diệt rầy. Hai Lúa làm nhà máy xay lúa, rồi đại diện nông dân giỏi của VN đi nước ngoài dự hội nghị… Thanh Nam cười: “Tui thấy đời tui cũng như Hai Lúa, cũng phải mưu sinh, nhưng dần dần phải tiến lên, nhận vai khó hơn, tích cực hơn. Tóm lại, Hai Lúa tui rất yêu đời và yêu nghề”.
NSƯT Thanh Nam được Báo Sân khấu TP.HCM bình chọn là danh hài được yêu thích nhất năm 1995, 1996; đoạt giải HTV Awards 2010, giải Cù Nèo Vàng 2012.
Những vai diễn ấn tượng của ông là Tân (vở Tô Ánh Nguyệt), Sáu Thời (Không bán tình em), cậu Phú (Hàn Mặc Tử), ông Tư Kèn (Quãng đời còn lại - HCB Hội diễn Sân khấu cải lương toàn quốc 2000), ông Tư Chờ (Niềm đau gia phả - HCV Liên hoan Sân khấu khu vực Nam bộ)...; Các phim đã đóng: Chuyện tình trên dòng kênh Xáng, Lấy vợ Sài Gòn, Người đánh trống trường, Cha rơi, Hàng xóm, Nhà chung...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.