Đúng là kể cả ngày cũng không hết tên những danh hiệu đang có trong đời sống của người Việt.
Những danh hiệu ấy, trước hết, nhằm thỏa mãn nỗi khát khao danh hiệu của người được tặng và người ban tặng chúng, bất kể danh hiệu ấy có tương thích được bao nhiêu phần trăm so với đối tượng được nhận.
Nghe có vẻ chơi chơi, nhưng trong thực tế, nhiều người đã tốn rất nhiều công sức vận động, kể cả tốn nhiều tiền bạc để có được một danh hiệu. Còn nhớ, trong một tiểu thuyết về thi cử ngày xưa của nhà văn Ngô Tất Tố, cụ Tố tả một thí sinh thấy tên mình trên bảng đỗ của một kỳ thi khá thấp, đã nhảy dựng lên vỗ tay kêu: Thủ lợn về ai! Thủ lợn về ta! Đó là “phần thưởng cụ thể” đang chờ ông ta ở đình làng mình, khi ông trở nên một người có vai vế trong làng sau khi đỗ đạt. Kể ra so với bây giờ, thì nỗi vui mừng của vị thí sinh ngày xưa xem ra còn có lý hơn. Vì nó thực tế hơn.
Với rùa hồ Gươm, thì tình hình lại khác. Khi dân gian đã tự động tôn vinh rùa hồ Gươm bằng tên gọi “cụ rùa” đầy kính trọng và yêu mến, thì đó chính là hình thức tôn vinh danh hiệu cao quý nhất dành cho một linh vật khi nó còn đang sống. Cũng không cần phải tìm cách lập hồ sơ để “xét” cho cụ rùa danh hiệu “bảo vật quốc gia” làm gì, mà chỉ cần mọi người có ý thức bảo vệ cụ rùa như bảo vệ một loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ. Có tên trong sách đỏ còn có nhiều loài động vật khác, nhưng cụ rùa hồ Gươm là một trường hợp đặc biệt có gắn với truyền thuyết bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Ý thức kính trọng đối tượng bao giờ cũng cao hơn những danh hiệu ban tặng cho đối tượng ấy. Đó là nói những đối tượng “thứ thiệt”, tương thích hoàn toàn với danh hiệu. Còn với những đối tượng không tương thích, thì càng gọi tên nhưng danh hiệu kêu rổn rảng bao nhiêu, càng dễ có nguy cơ biến thành... trò cười bấy nhiêu!
Thanh Thảo
Bình luận (0)