Theo Cục Văn hóa cơ sở, hiện tại, số lượng hộ gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa tăng, song chất lượng thực sự chưa cao, từ đó công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa chưa phát huy được hiệu quả. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở một số nơi còn hình thức, chỉ để đảm bảo đủ các tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, không xuất phát từ thực tế của địa phương. Có những nơi người dân còn không biết địa bàn mình có hương ước để thực hiện.
Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) cho rằng danh hiệu gia đình văn hóa đã không còn thực chất đến nỗi chính ông nhiều năm nay không khai hồ sơ, không nhận danh hiệu này khi được yêu cầu.
Theo ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), địa phương nào cũng có hương ước nhưng có khi đó chỉ là chép lại những chính sách mới, quy định của pháp luật. Trong khi đó, hương ước vốn là những quy ước của cộng đồng tự xây dựng để phù hợp với điều kiện của mình. Nhà nước chỉ can thiệp vào những điều trong hương ước trái với pháp luật.
Ông Lân cho rằng phải làm sao để hương ước, quy ước phát huy dân chủ, động viên khích lệ các nguồn lực, xây dựng giá trị văn hóa mới, bài trừ hủ tục. Cần tránh việc coi hương ước như tiêu chí đánh giá để nhận các danh hiệu thi đua, vì chính điều này dẫn đến việc hương ước, quy ước hiện tại hầu như không ai để ý. Trong khi đó, hương ước xưa ngắn gọn và có tính thiêng liêng. Về việc bình chọn gia đình văn hóa, ông Lân cũng cho rằng cần chọn những gia đình thật sự ưu tú, xuất sắc thì tốt hơn, có hiệu quả hơn là có quá nhiều gia đình văn hóa như hiện nay.
Bình luận (0)