Cả ông Cameron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều chủ ý phô trương sự hài lòng về chuyển biến mới này. Tuy nhiên sự đồng thuận quan điểm và bầu không khí hài hòa mới có giữa hai bên lại nặng về danh nghĩa mà vẫn nhẹ về thực chất.
Soi vào thực tế là quan hệ giữa hai nước trắc trở suốt thời gian dài thì kết quả chuyến thăm của ông Cameron rất đáng kể khi Nga và Anh có cùng quan điểm về sự cần thiết phải tiến tới thành lập chính phủ quá độ để chuyển tiếp ở Syria. London cũng bắt đầu nối lại hợp tác an ninh với Moscow. Những kết quả ấy tạo ấn tượng là Nga và Anh không chỉ trao đổi trực tiếp với nhau về các vấn đề song phương và quốc tế, mà còn là đang cùng nhau gây dựng vai trò chung trong khủng hoảng ở Syria.
Thế nhưng, thực chất những gì đạt được lại rất hạn chế. Hợp tác an ninh giữa hai bên được nối lại nhưng mới chỉ nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho Thế vận hội mùa đông năm 2014 ở Sotchi, Nga. Việc thành lập chính phủ quá độ ở Syria cũng đâu mới lạ gì do đã là một trong những mục tiêu được đề ra tại hội nghị quốc tế về Syria hồi năm ngoái ở Thụy Sĩ. Nga lẫn Anh đều tham dự hội nghị và đã ủng hộ. Trong khi đó, ông Cameron vẫn không thuyết phục được Moscow thay đổi quan điểm đối với Damascus, và phải vội vàng trước khả năng Mỹ cùng Nga giành vai trò chính trong việc giải quyết vấn đề Syria.
La Phù
Bình luận (0)