Danh ngôn... giả

22/11/2015 15:36 GMT+7

Truyền thông và người dùng mạng xã hội của thế giới vừa bị một phen 'hố hàng' sau khi hăm hở chia sẻ, bình luận về một câu nói được cho là của Tổng thống Nga Putin thể hiện quyết tâm tiêu diệt khủng bố đến cùng.

Truyền thông và người dùng mạng xã hội của thế giới vừa bị một phen 'hố hàng' sau khi hăm hở chia sẻ, bình luận về một câu nói được cho là của Tổng thống Nga Putin thể hiện quyết tâm tiêu diệt khủng bố đến cùng.

Sự nguy hiểm của mạng xã hội
Khi nữ phóng viên Nga Remi Maalouf thừa nhận trên Twitter vào ngày 19.11 rằng cô chỉ lấy câu nói “Tha thứ cho những kẻ khủng bố là chuyện của Chúa, nhưng cho chúng về chầu Chúa là việc của tôi” từ một bài viết trên Facebook và hóa ra đó không phải là câu nói từ miệng ông Putin thì cả thế giới té ngửa. “Đây là sự nguy hiểm của mạng xã hội!”, Remi viết.
Nhà khoa học Nguyễn Đình Nam (từng viết bài trên Thanh Niên vào năm 2009 để nói rõ “Bức thư Tổng thống Lincoln gửi thầy hiệu trưởng của con trai” hoàn toàn không phải do Lincoln viết như thông tin trong rất nhiều sách tại VN) cho biết anh “hết sức buồn phiền” khi mới đây lời trăng trối giả mạo của Steven Jobs được người dùng Facebook Việt chia sẻ nhanh đến chóng mặt mà hầu như không có ai kiểm chứng. Đáng nói là ngay cả khi anh Nguyễn Hoàng Hải, người đã dịch “lời trăng trối”, cho biết anh chỉ dịch lại từ nguồn Facebook của một phóng viên Thái Lan, và cộng đồng mạng đã trích dẫn tờ The New York Times cho thấy những lời cuối cùng của Steve Jobs không hề “ướt át” và dài dòng đến vậy, thì “lời trăng trối” vẫn tiếp tục được lan truyền vì “Steve Jobs có nói hay không cũng không quan trọng. Quan trọng là nội dung hay thì phải chia sẻ” (!)
Chính tâm lý “thấy hay thì chia sẻ” vô tội vạ mà không quan tâm đến nguồn gốc câu nói trong thời đại internet đã khiến danh ngôn giả hoặc tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” nở rộ như nấm sau mưa. Chẳng hạn, năm 2011, chỉ vài giờ sau khi trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt, hàng chục ngàn người, trong đó có cả các nhà báo, đã chia sẻ lời trích dẫn: “Tôi không bao giờ muốn một người nào đó chết đi, nhưng tôi đã đọc một số cáo phó với niềm hạnh phúc” với tên tác giả là nhà văn Mỹ Mark Twain. Tuy nhiên, không hề có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Twain đã nói hoặc viết như vậy, chỉ có luật sư huyền thoại Clarence Darrow (Mỹ) đã viết trong tự truyện: “Tôi chưa bao giờ giết một ai, nhưng tôi đọc một số cáo phó với sự mãn nguyện”.
Đề phòng hàng giả
Trên trang complex.com, trong bài viết 20 điều chúng tôi ghét nhất trên Facebook, Brenden Gallager, một người sáng tác tự do và là nhà làm phim ở Los Angeles (Mỹ), đã xếp “danh ngôn giả” vào danh sách này và đề nghị: “Hãy kiểm tra trước khi bạn gán một câu nào đó vào miệng người nổi tiếng mà bạn yêu thích rồi để nó lan truyền trên Facebook”.
Trên trang Thought Catalog, tác giả Daniel Hayes mới đây cũng đã liệt kê những danh ngôn giả phổ biến trên Facebook và kêu gọi hãy ngừng chia sẻ chúng. Chẳng hạn câu nói “Mọi điều được hoàn thành trên thế giới này là nhờ hy vọng” thường được gán cho mục sư hoạt động nhân quyền người Mỹ Martin Luther King nhưng thực ra là lời của nhà thần học người Đức Martin Luther, hoặc “Thế giới không đủ của cải để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người” hay được gán cho người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi nhưng thực ra là của ông Frank Buchman người Mỹ đã sáng lập tổ chức tôn giáo Oxford Group. Điều tai hại là khi được quá nhiều người chia sẻ, trích dẫn, thông tin sai đó sẽ dần được coi là thực.
Vậy dựa vào đâu để xác định một danh ngôn là thật hay giả? Trước hết hãy thận trọng phán đoán bằng khả năng, kinh nghiệm, kiến thức của bạn. Sau đó có một số trang web có thể giúp bạn. Chẳng hạn trang Wikiquote có danh sách những trích dẫn sai (List of misquotations), trang Quote Investigator (quoteinvestigator.com) có thể giúp bạn truy tìm nguồn gốc của một trích dẫn, trang IMDB có phần liệt kê những câu nói nổi tiếng của các ngôi sao điện ảnh…
Thường xuyên tra cứu nguồn tin trước khi thu nạp
Nhà khoa học Nguyễn Đình Nam cho biết: “Tôi nghĩ mọi người cần tự biến mình thành người đọc thông thái, thường xuyên tra cứu nguồn tin trước khi thu nạp thông tin vào bộ não. Nếu cứ thu thập bừa bãi các thông tin sai lệch thì bạn sẽ có cái nhìn lệch lạc về thế giới xung quanh, khi có chuyện quan trọng, bạn sẽ ra quyết định dựa vào thế giới quan lệch lạc, lúc đó rất có hại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.