Danh thiếp ẩm thực Trần Anh Hùng

09/02/2013 22:44 GMT+7

Những cảnh bếp núc trôi lững lờ trong phim Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng nhắc chúng ta về một di sản độc đáo mà các nhà làm văn hóa còn chưa biết cách quảng bá.

Những cảnh bếp núc trôi lững lờ trong phim Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng nhắc chúng ta về một di sản độc đáo mà các nhà làm văn hóa còn chưa biết cách quảng bá.

Những mảnh vàng óng ánh xen những nếp da nhỏ mượt, thoáng khói. Rồi máy quay lùi xa hơn, ba chị em Sương, Khanh, Liên cùng chụm đầu vào chiếc đĩa men sứ đựng con  lễ. Ánh sáng đánh vào chính giữa khuôn hình, pha loãng một mảng màu sát cánh tiên của tác phẩm ẩm thực ấy. Màu da gà ở đoạn này bỗng trong hơn. “Tuyệt, da không nứt chỗ nào”, Sương - cô chị cả đang trong chiều tà của hôn nhân - nói.  Hai cô em gái ngẩn ngơ vui trước  linh hồn của một mâm cỗ cúng cổ truyền. Cảnh phim ngay lập tức khiến khán giả như được gặp lại mình từ rất lâu rồi…

 Danh thiếp ẩm thực Trần Anh Hùng 1
“Len lỏi từ ngóc này đến ngách kia trong tâm hồn con người. Đến một con gà luộc cũng không
bỏ qua. Khi khai thác hết, nó không còn là vấn đề bếp núc nữa mà là nghệ thuật” - Lê Khanh nói

“Tôi nhớ rất rõ trong cảnh quay này cả ba chị em xúm vào nhìn con gà”, NSND Lê Khanh (đóng vai cô chị thứ hai) nhớ lại. “Chị Như Quỳnh nhìn đầu con gà. Cô em (do Yên Khê đóng) nhìn khúc giữa. Còn tôi say đắm nhìn chỗ phao câu. Một cảnh quay hài hước và hóm hỉnh. Nhìn từ góc nào cũng đẹp và người ta phải chú tâm vào đó. Con gà được tôn lên thành hình ảnh, thành nghệ thuật, thành lãng mạn. Cảnh quay ấy thực sự rất cầu kỳ”.

Để phục vụ cho sự cầu kỳ này, nhóm đạo cụ thậm chí còn mang theo tới trường quay cả nồi nước gà luộc còn ấm nóng. Cứ một lúc, con gà lại được nhúng vào để giữ độ ướt át cũng như màu sắc óng ả, khỏi tỏa nhẹ lên. “Một không khí thuần Việt, cụ thể hơn là Hà Nội”, Lê Khanh chậm rãi. Trong một tổng thể, điều này giống hệt như cách chính họ đã phải ươm từng ngọn lá khoai, nuôi từng con cào cào để phục vụ cảnh quay một chú cào cào nhảy trên ngọn lá đẫm sương.

Cũng giống như Mùi đu đu xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng là một bộ phim “lãng xẹt, chả có cái gì” với những người luôn ưa kịch tính và những điều éo le. Cả hai bộ phim đều nhẹ nhàng trôi đi như cuộc sống, còn hình ảnh đều do những camera đặt trộm ghi lại. Một đời sống phẳng lặng nhưng cứ âm ỉ mãi một bất thường dưới đáy. Ngày qua ngày, chính những tiết tấu đều đều ấy rồi sẽ bùng lên thành một cơn sóng lừng. “Len lỏi từ ngóc này đến ngách kia trong tâm hồn con người. Đến một con gà luộc cũng không bỏ qua. Khi khai thác hết, nó không còn là vấn đề bếp núc nữa mà là nghệ thuật”, Lê Khanh nói.

Những cảnh quay ẩm thực đậm chất Việt không chỉ làm nên bản sắc đạo diễn mà còn khiến các diễn viên như Lê Khanh cũng quyến luyến mãi. Trong một cảnh ba chị em quây quần nấu cỗ để giỗ bố, cô em út được giao việc đồ xôi gấc. Liên từ từ đặt quả gấc lên thớt gỗ. Tiếng dao sột sột dừng, cô tách quả gấc ra. Gấc nếp với những hạt đỏ au và thịt vỏ màu cam ngọt. Một thói quen bà nội trợ nào cũng có - hồi hộp xem quả gấc mình mua có đúng là gấc nếp không. Cảnh này phải làm lại nhiều lần. Gấc cũng được chuẩn bị sẵn để thay liên tục. Thay đến bao giờ quả gấc lên phim đúng là gấc nếp, còn vết dao cắt cũng không được bấm đứt qua hạt vì như vậy rất xấu.  Lê Khanh thừa nhận, chính mình cũng vẫn thường ngắm quả gấc mỗi khi bổ ra, nhưng chưa bao giờ ngắm lâu đến thế: “Âm thanh, ánh sáng, màu sắc, tất cả để tôn màu của quả gấc. Tự dưng mọi người thấy nó đẹp hơn bình thường”.

 Danh thiếp ẩm thực Trần Anh Hùng 2
Hai lần trong Mùi đu đủ xanh, trái đu đủ được nhân vật chính cắt từ trên cây xuống, nhựa còn
rỏ trắng đục. Gọt bỏ. Băm, thái làm nộm. Một lần là cô bé Mùi ngây thơ, lần thứ hai đã là một
thiếu nữ đằm thắm.

Cảnh này rất gần với cảnh quay quả đu đủ xanh trong bộ phim đầu tay của Trần Anh Hùng. Hai lần trong phim, trái đu đủ được nhân vật chính cắt từ trên cây xuống, nhựa còn rỏ trắng đục. Gọt bỏ. Băm, thái làm nộm. Một lần là cô bé Mùi ngây thơ, lần thứ hai đã là một thiếu nữ đằm thắm. Phần còn lại của quả đu đủ, Mùi dùng dao cắt đôi. Cô đưa ngón tay lùa vào lòng quả đầy nhưng nhức hạt non màu trắng. Lần đầu vì tò mò, lần thứ hai để nhớ lại một quá vãng trong trẻo. Lần đầu của một cô bé giúp việc, lần thứ hai của một bà chủ - một cô Lọ Lem kiểu Việt Nam. Không một lời, chỉ những bếp núc thuần thục của cô đã giải thích vì sao cậu chủ lại rời cô nàng tân kỳ để tới với mình.

Với hai bộ phim kể theo cách chuyện không có chuyện, ngoài những số phận, Trần Anh Hùng gần như làm phim nhân học với những phong tục được đặt đúng chỗ, tái hiện đúng tinh thần văn hóa gốc của nó. Con gà không chỉ là một vật phẩm cúng tế, nó còn là quan điểm về chữ Hiếu. Quanh nó, là cả một ngày ngừng việc của tất cả các chị em gái để quây quần. Họ khăng khít, bao bọc nhau dù ai nấy đều có vấn đề gia đình, tình cảm riêng phải đối mặt. Quả đu đủ xanh lại là một nếp sống chậm, quan hệ như gia đình giữa cô bé giúp việc với bà chủ cũ, ông chủ mới. Mối quan hệ không phụ thuộc vào vị trí, thân phận mà chỉ xoay quanh tính dân tộc, tính nữ. Để rồi, với tính trội của quán xuyến ấm thực, gia phong, cô bé Mùi dần trở thành người phụ nữ viên mãn.

 

Bài học Dea Chang Kum

“Ngay khi Mùi đu đủ xanh mới ra đời, tôi đã ngỡ ngàng về thế giới tinh thần trong đó”, Lê Khanh nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng như chị. Bằng chứng là nhiều người trong nghề cũng la ó, tại sao lại có bộ phim toàn quay đu đủ mà được giải Cannes. Riêng Lê Khanh, chị tiếp tục xem phim lại nhiều lần, chưa lần nào hết  bàng hoàng về hãnh diện dân tộc trong mỗi hình ảnh ẩm thực trong đó. Tuy nhiên, Lê Khanh cũng chưa nghĩ tới việc quảng bá ẩm thực qua bộ phim này- một trải nghiệm Trần Anh Hùng đã chìa ra cho nhiều người xem. Trong suốt hai bộ phim, các nhân vật chính nấu không chỉ một món. Họ xào rau, kho thịt, cắt giò và không bao giờ quên vừa làm vừa nói, rằng phải cho nước mắm hay có nên cắt thật dày để cắn ngập răng không.

“Trừ những phim tài liệu chuyên đề, còn phần lớn các phim truyện của chúng ta ít quan tâm đến giới thiệu văn hóa ẩm thực”, tiến sĩ dân tộc học Đào Hùng nói. “Trong phim truyện của chúng ta cũng hay có những cảnh ăn uống đãi đẵng. Nhưng phần lớn chỉ giới thiệu những cảnh ăn uống kham khổ ở nông thôn xưa. Bữa ăn chỉ có rau muống và đậu phụ rán, hoặc thêm đĩa tép kho, dọn trên cái mẹt để ngay bậc thềm. Còn ăn uống cao hơn thì chỉ là cảnh bia rượu thừa mứa, mà không biết thực khách đang ăn những món gì”.

“Có thể nói khi người nước ngoài xem phim Việt Nam thì chỉ thấy người Việt ăn uống thô lỗ, xô bồ hoặc quá đạm bạc thiếu thốn. Những đoạn phim như vậy đem lại một hình ảnh sai lạc về văn hóa Việt Nam. Không hiểu các nhà viết kịch  bản, đạo diễn có nghĩ đến điều đó không?”.

Trong khi đó, cũng theo ông Hùng, điện ảnh Hàn Quốc lại làm quá tốt việc quảng bá ẩm thực. Những bộ phim như vậy cũng không lạ lẫm gì với khán giả, trong đó có nhiều nhà làm phim Việt. “Khi xem bộ phim nhiều tập Nàng Dea Chang Kum,  chúng ta phải ngạc nhiên về văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng của người Triều Tiên xưa. Chúng ta thấy được họ biết kết hợp ăn uống với chữa bệnh, một truyền thống đáng quý của nhiều nước phương Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Truyền thống đó còn được minh họa thêm trong phim Thần y. Phải nói rằng những nhà làm phim Hàn Quốc đã biết giới thiệu một cách thông minh nền văn hóa truyền thống độc đáo của mình”, ông Hùng phân tích.

“Tôi chưa nghĩ tới những việc quảng bá ẩm thực Việt Nam bằng điện ảnh nhưng với Nàng Dea Chang Kum, rõ ràng có thể làm được”, NSND Lê Khanh bâng khuâng. Có điều theo nghệ sĩ, những thước phim như vậy, cũng như những cảnh phim của Trần Anh Hùng trong Mùi đu đu xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng rất cần sự tinh tế, niềm hãnh diện về văn hóa dân tộc.

Tất nhiên, để đưa ẩm thực Việt ra với thế giới, những thước phim này mới chỉ là “danh thiếp”- một lời giới thiệu vắn tắt. Còn đoạn đường tiếp theo là sự xuất hiện của món này, quán này, phong cách này rất cụ thể. Tuy nhiên, một tấm danh thiếp khiến người ta bâng khuâng, như cách Trần Anh Hùng đã làm là điều cần lưu tâm nếu ẩm thực Việt muốn ra thế giới.

 

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.