Danh thủ Hoàng Thế Vinh với trận bóng bàn 'bật đồng tiền' chiến thắng tại giải châu Á

10/08/2020 13:38 GMT+7

Bên cạnh Nguyễn Ngọc Phan, Hoàng Thế Vinh là tay vợt thường được chọn vào đội tuyển nam bóng bàn miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1965 – 1975 nhờ cầm vợt dọc, có quả giao bóng tấn công hiểm hóc và quả đánh phải rất biến hóa.

Trận đấu để đời

Ở giải vô địch châu Á (trong hệ thống Liên minh châu Á) lần 2 năm 1974 tại Yokohama (Nhật Bản), Hoàng Thế Vinh lập công lớn giúp đội nam Việt Nam thi đấu thành công với thành tích xếp hạng 5 ở cả 3 nội dung đơn, đôi và đồng đội. Sau khi đội nam Việt Nam và đội Malaysia hòa 4-4 (đánh 9 trận), Thế Vinh đấu trận cuối cùng với Soong Poh Hwa để quyết định suất vào tứ kết đồng đội.
Sau 2 ván đầu hòa 1-1, vào ván quyết định Soong Poh Hwa dẫn 19/16 nhưng Thế Vinh lật ngược thế cờ ghi liền 4 điểm dẫn 20/19. Trận đấu căng thẳng tiếp khi đối thủ dẫn lại 23/22. Tiếp đó là một pha tấn công của Soong Poh Hwa vào góc xa bên phải làm cho ông Vinh phải quay lui lốp bóng lên cao vào bàn. Ngay sau đó, tay vợt Malaysia lại có quả đánh tương tự qua bên trái làm cho ông phải xoay 180 độ chạy vớt bóng, may mắn bóng cũng vào bàn. Thế nhưng, có thể do muốn kết thúc sớm trận đấu, Soong Poh Hwa vội vàng trả bóng rúc lưới nên tỷ số trở thành 23 đều. Lúc đó, cả đoàn Việt Nam thở phào nhẹ nhõm.

Hoàng Thế Vinh

tư liệu

Lên tinh thần, với sự chỉ đạo của HLV Mai Duy Diễn, ông Vinh thắng tiếp 2 điểm nữa để kết thúc ván đấu với tỷ số 25/23. Trao đổi với tôi vào đầu tháng 8.2020, ông Mai Duy Diễn vẫn còn nguyên xúc động của trận đấu diễn ra cách đây 46 năm: "Soong Poh Hwa và Hoàng Thế Vinh đều là VĐV mạnh của hai đội nên trận đấu diễn ra rất gay go và nhiều cảm xúc bất ngờ. Một số lãnh đạo cả 2 đội không dám xem tiếp, phải ra đứng ngoài cửa và thỉnh thoảng cho người vào hỏi tỷ số. Chúng tôi đều xem đây là một trận đấu để đời của mình". Chung cuộc đội VN thắng 5-4 và được xếp hạng 5 châu Á sau các đội rất mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Chứng kiến chuyện lật ngược thế cờ như "bật đồng tiền qua lại" của ông Vinh, đồng đội đã đặt cho ông biệt danh vui là "Vinh bật đồng tiền".
Cũng trong giải đấu này, Hoàng Thế Vinh cùng với Nguyễn Đình Phiên đứng hạng 5 nội dung đôi nam. Đặc biệt, ở vòng 16 đơn nam, Thế Vinh xuất sắc vượt qua tay vợt đang xếp hạt giống 16 thế giới Kim Vĩnh Tam (Triều Tiên). Rất tiếc, vào tứ kết Hoàng Thế Vinh bị đụng ngay đương kim vô địch đơn nam thế giới Hsi-en Ting (tức Hy Ân Đình của Trung Quốc) quá mạnh nên thua và chung cuộc được xếp đồng hạng 5.

Tuyển nam Việt Nam dự giải châu Á 1974 (từ trái): Thế Vinh, HLV Mai Duy Diễn, Trường Huy, HLV Nguyễn Trọng Trúc, Văn Quỳnh, Đình Phiên, Ngọc Phan, Trần Văn Trị

tư liệu

Độc chiêu cầm vợt dọc

Hoàng Thế Vinh sinh năm 1947 tại Nam Định, năm 11 tuổi bắt đầu tập bóng bàn với sự hỗ trợ của đồng hương là danh thủ vô địch đơn nam Đông dương Mai Duy Dưỡng. Cố danh thủ thành Nam này rất quyết tâm muốn bồi dưỡng một số VĐV cầm vợt dọc để đa dạng hóa các lối đánh cho đội tuyển Việt Nam sau này. Do ham mê và chịu khó tập luyện nên chỉ trong năm 1962 Hoàng Thế Vinh có ngay những thành tích đáng nể cấp tỉnh như vô địch thiếu niên (dưới 15 tuổi), vô địch các cây vợt trẻ (16-18 tuổi) và cuối năm đó là á quân đơn nam giải vô địch tỉnh nên được vinh dự tuyển thắng vào đội tuyển Nam Định.
Tháng 2.1965, Hoàng Thế Vinh cùng với Dương Đức Hiếu và Trần Văn Quỳnh (quê Hải Phòng, từng là Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2, Tổng cục TDTT) được triệu tập lên Trường Huấn luyện TDTT Trung ương học hệ chuyên nghiệp gồm nhiều môn thể thao, sau đó chính thức là thành viên đội tuyển nam của bóng bàn miền Bắc Việt Nam cho đến khi giải nghệ.

Tuyển Việt Nam và Trung Quốc 1974: Hoàng Thế Vinh (đứng thứ 2 từ trái) và ĐKVĐ thế giới Hy Ân Đình (ngồi thứ 3 từ phải)

tư liệu

Tham dự giải vô địch bóng bàn toàn miền Bắc nhiều năm ông Vinh đều vào sâu, trong đó 3 năm 1968 - 1970 ông thể hiện tốt nhất nhờ cầm vợt dọc và có quả giật mặt gai với độ xoáy thay đổi liên tục làm cho tay vợt số 1 miền Bắc lúc đó là Nguyễn Ngọc Phan cũng chịu gác vợt. Trong trận chung kết đơn nam 1968, với độc chiêu vợt dọc Thế Vinh dẫn Trần Văn Quỳnh 18/12 ở ván quyết định, khán giả lần lượt ra về vì tin chắc chiến thắng nằm trong tay ông nhưng cuối cùng thì chức vô địch thuộc về… ông Quỳnh. Về việc này, ông Vinh cho rằng đây là một bài học rất quý khiến ông quyết tâm rèn luyện nghiêm túc hơn nữa. "Đây là nội dung đơn nên thua là lỗi chính của cá nhân tôi", ông Vinh tự "kiểm điểm" như thế. Chắc cũng nhờ vậy, hai năm tiếp theo 1969 và 1970, ông Vinh chính thức đăng quang nội dung đơn nam toàn quốc.
Năm 1978 ở tuổi 31, ông giải nghệ khi thi đấu lần cuối vào đến tứ kết đơn nam giải toàn quốc dưới màu áo đội Hà Nội và trận cuối cùng thi đấu quốc tế tại Liên Xô (cũ) cùng tuyển quốc gia thua tuyển Moscow 4-5. Sau đó, ông làm HLV cho đội Hà Nội, rồi Phó phòng Kỹ thuật Sở Thể dục Thể thao Hà Nội phụ trách các môn bóng (trừ bóng đá). Năm 1989, ông chuyển qua hoạt động doanh nghiệp với chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư phát triển thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị luân phiên nhiệm kỳ 5 năm kiêm Phó Tổng giám đốc đại diện Việt Nam ở 3 Công ty Liên doanh với nước ngoài. Ông còn tham gia 3 nhiệm kỳ (15 năm) làm Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài Việt Nam và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan thành phố Hà Nội.

Hoàng Thế Vinh và Máy bắn bóng bàn do anh chế tạo

tư liệu

Tạo ra máy bắn bóng bàn đầu tiên tại Việt Nam
Ông Vinh kể: "Nhiều lần tôi thấy HLV mình hay cho VĐV tập "bóng nhiều" với hình thức là HLV dùng vợt trong rổ đưa bóng vào các điểm rơi trên mặt bàn đối diện cho VĐV tập kỹ thuật cơ bản như cắt hoặc đẩy, vụt, giật, giao bóng… kết hợp di chuyển theo yêu cầu của mỗi bài tập. Giai đoạn 1983-1989 khi huấn luyện tôi cũng dùng phương pháp này đào tạo cho một số VĐV trẻ của Hà Nội sau này đạt thành tích cao tại các giải vô địch toàn quốc như Nguyễn Xuân Hưng 2 lần á quân đơn nam, đôi Đặng Thành - Ngô Thu Thuỷ nhiều lần vô địch đôi nam nữ... Phải thừa nhận phương pháp này rất hiệu quả nhưng HLV quá vất vả, nếu cả buổi tập cho 4 - 5 VĐV thì rất mệt và có lúc không chịu nổi vì bị chuột rút".

Nghiệm thu MBBB (từ trái): Lê Thế Thọ, Mai Duy Dưỡng, Tạ Quang Chiến, Nguyễn Đức Thọ, Bùi Từ Liêm

tư liệu

Sau đó ông Vinh có dịp sang Trung Quốc, thấy các chuyên gia ở đó tập cho học trò bằng máy bắn bóng bàn (MBBB). Từ đó, ông có ý tưởng làm MBBB tại VN để giảm bớt vất vả cho HLV mà hiệu quả vẫn tốt nhờ máy tạo ra được các độ xoáy, góc bắn, tốc độ và nhiều kiểu giao bóng khác nhau.
Ý tưởng làm MBBB của ông Vinh có từ cuối thập niên 1960, khi ông còn ở Trường Huấn luyện Trung ương. Ông bàn bạc chuyện hợp tác với ông Đoàn Đính (con trai cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) cũng là phụ huynh VĐV bóng bàn, con ông Đính là Đoàn Tuấn Anh (hiện là Trưởng bộ môn Bi da và Bi sắt, Tổng cục TDTT) có học bóng bàn với ông Vinh. Ông mời ông Đính tham gia cộng tác và cùng ông thiết kế máy và ông Đính cũng giới thiệu ông Đỗ Kỳ Phước là thợ nguội bậc 7 của nhà máy Dệt kim Đông Xuân Hà Nội cùng phối hợp nghiên cứu để gia công, chế tạo máy.

Nhóm thực hiện MBBB (từ trái): Kỳ Phước (1), Đoàn Đính (3), Thế Vinh (5)

tư liệu

MBBB được các ông Đính, Vinh và Phước thực hiện đặt nhãn mác là "DVP" (lấy tên của 3 ông) là MBBB đầu tiên sản xuất tại Việt Nam, dù trước đó Nhật Bản có làm nhưng chưa xuất ra nước ngoài nên thị trường Việt Nam chưa có. Trong thời gian nghiên cứu thử nghiệm MBBB, nhóm thực hiện có kết hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học (NCKH)TDTT Trung ương dùng các test để kiểm tra sự diễn biến về sức khoẻ, tố chất, thậm chí cả tâm lý của VĐV để điều chỉnh khối lượng, cường độ, độ khó và thời gian đối với mỗi bài tập khác nhau cho từng nhóm VĐV. Để có kinh phí, nhóm thực hiện được sự ủng hộ một phần của Sở TDTT Hà Nội và Viện NCKH TDTT Trung ương qua việc duyệt đăng ký đề tài NCKH cấp thành phố với UBND TP Hà Nội và nghiệm thu đầu năm 1989.
Cuối 1988 những chiếc MBBB đầu tiên được đưa ra sử dụng và đầu 1989 còn xuất sang Liên Xô để đổi lấy một số thiết bị dụng cụ thể thao khác cho Sở TDTT Hà Nội. Số MBBB còn lại hầu hết được sử dụng cho các lớp năng khiếu bóng bàn của trường năng khiếu TDTT 10 - 10 của Hà Nội và một số tỉnh lân cận ở phía Bắc.

Buổi giới thiệu Máy bắn bóng bàn

tư liệu

Những năm sau đó, chúng ta đã thấy người Nhật cho ra thị trường các MBBB hoàn chỉnh hơn có sự can thiệp của kỹ thuật điện tử nên máy rất gọn nhẹ, đa năng và hiệu quả cao. Tuy vậy, ở thời điểm cuối thập niên 1980 mà có được những MBBB như nhãn mác DVP cũng là một giải pháp rất hiệu quả cho công tác huấn luyện nâng cao kỹ thuật bóng bàn cho rất nhiều VĐV ở Việt Nam.

Cám ơn bóng bàn

Ở tuổi 73, giờ đây ông Hoàng Thế Vinh đã gần như buông bỏ mọi công việc đã làm trước đó để tập trung lo cho gia đình và những người thân. Ngẫm lại về những hoạt động của mình, ông rất cảm ơn bóng bàn đã giúp ông rèn luyện được những phẩm chất tốt đẹp để tự lập và biết cách vượt khó trong cuộc sống để vươn lên. Chính ông là một trong người tích cực làm cầu nối cho những cuộc gặp mặt những cựu HLV và VĐV bóng bàn của các tỉnh phía Bắc để ôn lại những kỷ niệm đẹp thời còn thi đấu, thăm hỏi và tương trợ nhau kịp thời.

Vợ chồng Hoàng Thế Vinh (trái) và vợ chồng danh thủ Dương Kỳ Hương

Thu Nga

Người bạn đời của ông Vinh là bà Nguyễn Hồng Nga tốt nghiệp Kỹ sư vô tuyến điện trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1975 và sau đó công tác tại phòng Kỹ thuật Đài Truyền hình Việt Nam. Từ năm 1972 - 1975, do yêu cầu của cấp trên, bà Hồng Nga được chọn thi đấu cho đội tuyển bóng bàn Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam gồm có HLV Tạ Đình Khoa và một số danh thủ như Nguyễn Thế Ngọc, Nguyễn Văn Hùng, Mạc Châu Lưu, Nguyễn Thị Loan, Đỗ Thị Thuý, Trần Thị Thi… Đội tuyển này cũng song hành vói đội tuyển miền Bắc Việt Nam thi đấu các giải quốc tế tại Bắc Kinh năm 1972 - 1973, giải vô địch châu Á ATTU tại Nhật Bản năm 1974, giải Á Phi La 2 tại Nigeria năm 1975...
Bằng kinh nghiệm của mình và những tấm gương của các bạn danh thủ bóng bàn đồng trang lứa, ông khuyên các VĐV trẻ nên tự tu dưỡng bản thân cả về thể chất và tinh thần, vun đắp cho mình một ý chí vươn lên, không sợ khó sợ khổ... mà thậm chí còn cảm thấy hưng phấn mỗi khi mình gặp khó trong cuộc sống và thi đấu. Ông còn khuyên các cháu nên viết Nhật ký cuộc sống và tập luyện để kịp thời rút kinh nghiêm những sai sót về kỹ thuật, ứng xử, điều chỉnh tâm lý… mà nhiều khi HLV cũng không kịp nhận ra.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.