Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không đi vào những bài học khiên cưỡng, khó tiếp thu, học sinh không buồn nghe mà bằng những câu chuyện từ thực tế, thấm đẫm tình cảm.
Học sinh xúc động trong buổi nói chuyện - Ảnh: Diệu Hiền |
“Các em đã biết yêu thương chưa? Theo thầy thì nhiều bạn ở đây vẫn chưa học được chữ yêu thương đúng nghĩa”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Công tác học sinh, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng bắt đầu buổi nói chuyện trước hàng ngàn học sinh bằng câu hỏi mở ngỏ... “Để các em được đến trường, được đủ đầy trong cuộc sống, cha mẹ các em phải vất vả, cực nhọc vật lộn với cuộc mưu sinh. Nhưng ở đây, có bao nhiêu em đã từng nói với cha mẹ của mình “Con cảm ơn ba mẹ”, hoặc “Con yêu ba mẹ” hay chỉ là “Con muốn cái này”, “Con muốn thế kia”. Hoặc chỉ biết quan tâm đến thần tượng là ca sĩ, diễn viên mà chưa bao giờ dành sự quan tâm của mình cho cha mẹ, ông bà, thầy cô. Đừng, đừng như thế nhé các em!”, ông Vương dẫn dắt học sinh vào câu chuyện.
Rồi những câu chuyện về những đứa trẻ mê game, ham chơi làm tổn thương ba mẹ hay chạy theo những thứ giá trị ảo mà quên đi thực tế cuộc sống khiến cha mẹ và thầy cô buồn lòng. Mỗi câu chuyện như những “cơn địa chấn” trong lòng những học sinh, các em tấm tức khóc. Lúc đầu còn ngại bạn bè, sau thì òa lên nức nở...
Buổi nói chuyện kết thúc trong tiếng khóc sụt sùi của học trò. Mỹ Dung, lớp 7/7 Trường THCS Lý Thường Kiệt, vừa lau nước mắt vừa chia sẻ: “Em thấy thương ba mẹ quá. Em biết ba mẹ vốn hy sinh cho em nhiều nhưng em chưa bao giờ nói với ba mẹ là con biết ơn ba mẹ. Thậm chí em còn nói lời vô lễ với ba mẹ. Chiều nay em sẽ xin lỗi ba mẹ rất nhiều”.
Còn Đức Thái, lớp 8/4 Trường THCS Lý Thường Kiệt, thì không che giấu mình đang khóc, nói: “Lâu rồi em mới khóc trước bạn bè như vậy. Thực ra, tụi em đã quá quen với việc ba mẹ chăm bẵm, còn mình chỉ biết thụ hưởng nên nhiều khi quên quan tâm ba mẹ. Em sẽ thay đổi suy nghĩ của mình sau cuộc trò chuyện xúc động này”. Cô giáo Trương Thị Minh Thảo, Tổ trưởng tổ văn Trường THCS Lê Độ cho biết rất cần những buổi nói chuyện đầy tính thực tế này dành cho học sinh ở độ tuổi THCS, THPT vì sẽ giúp các học sinh ít nhiều nhìn nhận được trách nhiệm của mình với cuộc sống.
Bình luận (0)