Đánh thức vịnh Đà Nẵng

07/06/2019 12:18 GMT+7

Bốn quảng trường, công viên biển kết hợp bãi đậu xe cùng đề án đầu tư về du lịch sẽ thay đổi diện mạo và vực dậy vịnh Đà Nẵng, để vùng biển phía tây thành phố dần “thức giấc”.

Đầu tư quy mô lớn

Tính đến đầu tháng 6, UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất đầu tư 4 quảng trường, công viên biển kết hợp bãi đậu xe nằm ở Q.Thanh Khê và Q.Liên Chiểu, giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (gọi tắt BQL) thực hiện. Trong đó, 2 quảng trường kết hợp bãi đậu xe cuối tuyến đường Hà Khê (P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê) đã được phê duyệt quy hoạch, có hồ sơ chi tiết 1/500 trong tháng 5. Hiện BQL đang đôn đốc Viện Quy hoạch xây dựng TP cắm mốc ranh giới chuẩn bị cho công tác bàn giao mốc và công bố quy hoạch.
Quảng trường kết hợp đậu xe cuối tuyến đường Nguyễn An Ninh (Q.Liên Chiểu) cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, BQL đang phối hợp địa phương lấy ý kiến đồ án quy hoạch. Đặc biệt, quy mô đầu tư lớn nhất trong số này là quảng trường, công viên biển kết hợp bãi đậu xe cuối đại lộ Nguyễn Sinh Sắc giao với Nguyễn Tất Thành. Khu vực này đã được bàn giao mốc ngày 9.5 và BQL đang phối hợp UBND Q.Liên Chiểu chuẩn bị công tác công bố quy hoạch.
Đây được xem là quảng trường, công viên biển lớn nhất vịnh Đà Nẵng đến hiện nay, được đầu tư bài bản nhằm xứng tầm với hai trục đại lộ lớn nhất Q.Liên Chiểu là Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Theo quy hoạch, quảng trường biển có phạm vi từ đường Nguyễn Tất Thành với 3 mặt là bãi cát công cộng hiện trạng, tổng diện tích gần 4.300 m2. Trong đó, quảng trường, công viên chiếm 21%, khu thể thao chiếm 24%, nhà vệ sinh công cộng, đất cây xanh - cảnh quan 412 m2

Phát triển du lịch cộng đồng

Bên cạnh cơ sở hạ tầng, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP cũng có đề án Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển tuyến Nguyễn Tất Thành với quy mô đầu tư gần 70 tỉ đồng qua nhiều giai đoạn. Với chiều dài gần 9 km (từ Tôn Thất Đạm đến cuối tuyến), 7 bãi tắm trọng điểm được quy hoạch gồm: Xuân Hà, Phú Lộc, Hồ Tùng Mậu, Trần Đình Tri, Nguyễn Chánh, Nam Xuân Thiều và Nam Ô.
Trong đó, BQL Sơn Trà và bãi biển đề xuất định hướng phát triển du lịch cộng đồng (theo mô hình Boracay Philippines), hình thành các phân khu chức năng như khu thể thao biển, khu ẩm thực, đặc biệt là đầu tư Khu chứng tích Reb Beach đánh dấu sự kiện quân đội Mỹ đổ bộ đầu tiên vào Đà Nẵng.
Cùng với đó, các địa phương có lợi thế về trầm tích văn hóa như Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc gần đây cũng đang huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ cho các lễ hội truyền thống như Cầu ngư, hay các hoạt động tín ngưỡng của làng Nam Ô. Có thể kỳ vọng, trong tương lai không xa, vịnh Đà Nẵng và vùng biển tây bắc Đà Nẵng sẽ mang diện mạo mới cả về cơ sở hạ tầng cùng phát triển du lịch về chiều sâu như định hướng của TP.

Xã hội hóa đầu tư bãi tắm

Do đặc thù bờ vịnh Đà Nẵng hẹp, không rộng rãi bằng công viên Biển Đông hay các bãi tắm 1-2-3, Sao Biển, Phước Mỹ… nhưng theo BQL, với quy mô đầu tư bài bản cùng cụm dịch vụ tiện ích, nơi đây sẽ kiến tạo cảnh quan đẹp, tạo điểm nhấn du lịch. Tại cuối tuyến đường Nguyễn Tất Thành (Q.Liên Chiểu), Trung Nam Group đang trình UBND TP phê duyệt dự án đầu tư bãi tắm công cộng phục vụ miễn phí người dân và du khách với kỳ vọng dự án đầu tư bãi tắm công cộng đầu tiên theo hình thức xã hội hóa.
Mô hình khu vui chơi giải trí trên mặt nước phục vụ bãi tắm cuối tuyến Nguyễn Tất Thành ẢNH: NGUYỄN TÚ
Mô hình khu vui chơi giải trí trên mặt nước phục vụ bãi tắm cuối tuyến Nguyễn Tất Thành ẢNH: NGUYỄN TÚ
Khu vực quy hoạch có diện tích 143.000 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỉ đồng. Bãi tắm công cộng gồm các khu vui chơi giải trí trên bãi biển và mặt nước; các bãi đỗ xe quy mô 100 ô tô, 1.000 xe máy; khu tắm nước ngọt, khu thể thao, trạm cứu hộ… cùng chuỗi tiện ích shophouse, siêu thị, cây xăng, công viên cảnh quan. Chủ đầu tư đã đề xuất các phương án chỉnh trị dòng chảy, bồi thêm cát để tạo độ dốc thoải thuận lợi cho bãi tắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.