Trong dự thảo sửa luật Đất đai 2013, Bộ TN-MT thiết kế chính sách theo hướng dùng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai. Với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hóa tài sản... sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng. Với nhà đầu cơ, nếu mua xong bán ngay sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, so với người mua, đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết giải pháp là sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời. Còn đối tượng thổi giá thông qua đấu giá, sẽ thay đổi phương thức đấu giá để loại trừ “động tác” này. “Quan trọng nhất, tôi cho rằng phải xác định giá theo thị trường và dùng công cụ thị trường để điều tiết giá”, ông Hà nói.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2021, số thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản 21.000 tỉ đồng, tăng hơn 4.900 tỉ đồng (ước tăng 30,4%); trong 6 tháng năm 2022, số thuế thu từ hoạt động này cũng đạt trên 16.600 tỉ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước (ước tăng khoảng 7.000 tỉ đồng).
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế khẳng định sau khi siết việc kê khai giá và rà soát giá chuyển nhượng đất đai của các tổ chức cá nhân tại một số địa phương, giá trị giá chuyển nhượng bất động sản kê khai lại tăng từ 2 - 5 lần so với giá kê khai ban đầu, đặc biệt có hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng lên 20 lần, 40 lần.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng để chống thổi giá, đầu cơ đất đai, nhà nước phải điều tiết thuế để ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất; không đầu tư, nhưng để lâu vẫn lên giá. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng 2 giá trong thu thuế bất động sản, có giải pháp nghiên cứu đánh thuế bất động sản cao hơn đối với người đầu cơ, sở hữu nhiều bất động sản nhưng không sử dụng.
Theo ông Phạm Tấn Mạnh, Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty môi giới bất động sản tại H.Đông Anh (Hà Nội): “Phải hiểu cơ chế làm giàu của người dân đầu cơ bất động sản mới có thể đánh thuế hoặc thu được tiền của họ. Hơn ai hết đây là đối tượng hiểu luật, hiểu thị trường lại sành sỏi trong quan hệ, lấy được tiền của họ không hề dễ”.
Ông Mạnh phân tích cơ chế thu lợi nhuận của người đầu cơ đất đai chỉ là đầu tư, chuyển nhượng nhanh, ăn chênh giá vốn và chuyển nhượng trên hợp đồng thấp, né thuế. Chính vì thế, người giàu lên từ bất động sản rất sợ bị siết nhà thứ 2, họ sẽ tìm mọi cách để người thân đứng tên. Ngoài ra, đánh thuế vào nhà, vào đất bỏ hoang cũng khiến họ phải bán hoặc xây nhà trên đất để cho thuê. Việc xác định được giá trị chuyển nhượng trên hợp đồng sát với giá bán thực tế cũng là điều họ lo ngại.
Cần lưu ý đặc thù nhà ở thứ 2
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lưu ý ở VN có một số đặc thù cần được cân nhắc để giảm trừ. Ví dụ, người có nhà ở thứ 2, nhưng nhà ở thứ nhất có diện tích quá bé, chỉ từ 15 - 20 m2, giá trị thấp, muốn nâng cao chất lượng sống, mua thêm nhà ở thứ 2 thì nên xem xét, cân nhắc không đánh thuế. Ngoài ra, việc người dân mua nhà ở thứ 2 để làm cơ sở kinh doanh, đóng thuế phí kinh doanh cũng cần được xem xét giảm trừ, đóng thuế thấp hơn.
Đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng chính vì xác định đúng đối tượng có nhà ở thứ 2, quá trình chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ có luận cứ để xác định thực chất người có nhà ở thứ 2 trở lên là người đầu cơ, tài sản găm giữ hay không, từ đó có căn cứ áp thuế.
Xóa bỏ cơ chế 2 giá đất
Bình luận (0)