Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị thấp: Cơ hội cho hàng nội

20/02/2025 06:16 GMT+7

Hàng nhập khẩu giá trị thấp, dưới 1 triệu đồng được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT). Sự thay đổi chính sách này được đưa ra trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh và kỳ vọng ngân sách thu được hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm từ khoản thuế mới.

Hàng trong nước được cạnh tranh sòng phẳng hơn

Từ ngày 18.2, theo Quyết định 01/2025 của Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không được miễn thuế VAT nữa. Theo Tổng cục Hải quan, việc bãi bỏ miễn thuế đối với hàng có giá trị nhỏ sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể tham gia hoạt động thương mại. Hơn nữa, việc áp thuế nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước và phòng chống gian lận thương mại, trốn thuế với hàng hóa nhập khẩu nói chung, cho dù gói hàng có giá trị nhỏ.

Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị thấp: Cơ hội cho hàng nội- Ảnh 1.

Từ ngày 18.2, những đơn hàng nhập khẩu qua biên giới có giá trị thấp hay cao đều phải đóng thuế nhập khẩu và VAT sau đó

Ảnh: Độc Lập

Bày tỏ ủng hộ trước chính sách mới này, bà Đặng Diệu Hồng (Q.Tân Bình, TP.HCM), chuyên kinh doanh hàng thời trang, cho rằng một chiếc áo may trong nước có giá trị thấp vài trăm ngàn đồng đều đóng đủ thuế nhập khẩu vải, trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, không ít hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, đi theo đường mậu biên trốn thuế cộng thêm lượng hàng lớn nhập khẩu giá trị thấp qua hải quan được miễn thuế lâu nay, khiến sản xuất trong nước bị ảnh hưởng rất lớn. Lấy chiếc áo đầm đang bán tại cửa hàng, bà Diệu Hồng nói sản phẩm này công ty may bán cho cửa hàng không có giá dưới 350.000 đồng, chưa bao gồm thuế VAT, chưa có tiền lãi và chi phí vận chuyển. Trong khi đó, cùng chiếc áo tương đương, đặt mua từ Trung Quốc trên Shopee, giá chỉ 335.000 đồng. "Chính sách thu đủ thuế VAT, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị thấp được nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh là cần thiết. Hy vọng, cạnh tranh giữa hàng hóa trong nước và hàng từ Trung Quốc sẽ công bằng hơn trong thời gian tới", bà Diệu Hồng nhận xét.

Không chỉ với hàng may mặc, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất mặt hàng gia dụng, dụng cụ bếp cũng khẳng định khi hàng nhập từ Trung Quốc về đóng đủ thuế nhập khẩu, thuế VAT thì nhiều mặt hàng trong nước "chấp" luôn cả về giá và chất lượng. Đại diện Công ty TNHH sản xuất Inox VN (TP.HCM) chuyên sản xuất đồ dùng gia đình bằng inox nói thẳng lâu nay, việc miễn thuế cho hàng có giá trị thấp đã "bóp chết" hàng sản xuất trong nước. Bởi việc miễn thuế VAT đã tạo ra sự chênh lệch giá, dẫn đến cạnh tranh không công bằng giữa hàng trong nước với hàng nhập. "Hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh cùng chủng loại với hàng trong nước nhưng do không chịu các loại thuế nhập khẩu cũng như thuế VAT, khiến hàng trong nước bị thiệt thòi hơn nhiều. Hy vọng với chính sách thu thuế đủ, sản xuất ngành hàng gia dụng trong nước sẽ "lên hương", vị này phấn khởi.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Trang (Q.5, TP.HCM), chuyên kinh doanh online hàng nguyên phụ liệu len, sợi, may mặc…, thừa nhận hàng hóa của chị đều có giá trị nhỏ, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập qua các kênh thương mại điện tử như Taobao, Lazada, Shopee... Với chính sách thuế mới, giá bán hàng chắc chắn phải cộng thêm thuế nhập khẩu theo khai báo hải quan của công ty chuyển phát nhanh và thuế VAT nên thời gian tới, giá bán lẻ qua kênh online sẽ được điều chỉnh tăng. Chị Trang dẫn chứng cuộn sợi đang bán giá 45.000 đồng, giờ đây có thể tăng lên 50.000 đồng, thậm chí 53.000 đồng/cuộn, nếu thêm cả có thuế nhập khẩu. "Việc giá tăng ảnh hưởng thế nào đến sức mua của khách hàng thì phải chờ thời gian. Nhưng chắc chắn phải điều chỉnh lại giá cả hàng loạt, không thể bán theo giá cũ được khi chi phí tăng", chị nói.

Tăng thu thuế hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm

Theo Bộ Tài chính, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về VN qua các sàn thương mại điện tử. Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy riêng trong năm 2023, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh đạt 27.700 tỉ đồng. Như vậy, nếu áp dụng mức thuế VAT 10%, ngân sách nhà nước có thể tăng thu khoảng 2.700 tỉ đồng mỗi năm.

Dẫn số liệu mới cập nhật trong năm 2024, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh thông tin: Bình quân mỗi tháng VN có khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD hàng hóa nhỏ xuyên biên giới không phải tính thuế. Với số lượng hàng hóa lớn như vậy, bình quân một ngày khoảng 500 triệu USD hàng hóa qua biên giới không tính thuế, thất thoát rất lớn. Trong khi đó, các DN sản xuất trong nước phải đóng thuế bình thường. "Rõ ràng, chính sách không theo kịp sự lớn mạnh của thương mại điện tử đã tạo sự bất bình đẳng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Chính việc không đánh thuế đó đang làm cho các DN trong nước giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí nhiều DN có nguy cơ lâm vào phá sản", ông đánh giá.

Từ đó, ông Thịnh nhấn mạnh việc đánh thuế theo quy định tại Quyết định 01/2025 tuy muộn, song đã tạo ra sự công bằng và phù hợp với chính sách cải cách thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ chính sách miễn thuế VAT cho hàng nhập khẩu có giá trị thấp. Tuy vậy, với DN trong nước, ông lưu ý đây cũng là cơ hội để chấn chỉnh lại giá cả bán ra một cách hợp lý và cạnh tranh sòng phẳng hơn.

"Lâu nay DN hay ca thán không bình đẳng do phải đóng đủ thuế. Nay hàng tiêu dùng nhập khẩu theo chuyển phát nhanh đã cộng các khoản thuế. Như vậy, giá bán hàng hóa trong nước không thể vẫn cao hơn hàng nhập khẩu nhỏ lẻ này được. Cơ hội cho sản xuất trong nước là có nhưng người tiêu dùng mới là đối tượng cuối cùng quyết định. Nếu hàng hóa trong nước không bảo đảm chất lượng mẫu mã như kỳ vọng, họ vẫn có thể chọn lựa đặt hàng qua online xuyên biên giới với giá nhỉnh hơn trước. Chính sách đánh thuế hàng có giá trị nhỏ nhằm mục đích không thất thoát nguồn thu, tạo sân chơi bình đẳng cho DN, còn lựa chọn mua hàng thế nào vẫn do người tiêu dùng quyết định", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nêu thực trạng DN Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới hoặc có kho ngay tại VN từ lâu. Vì thế, dù không được hưởng chính sách trợ giá, thuế nhập khẩu, thì hàng hóa từ Trung Quốc về VN vẫn còn nhiều lợi thế như hệ thống vận chuyển chuyên nghiệp, hiện đại, giúp giảm giá thành rất lớn. Thứ hai, Trung Quốc có thế mạnh về hàng điện tử, hàng thời trang cầu kỳ, làm kỹ về kiểu mốt, chất liệu cao cấp... trong khi VN chỉ có thế mạnh về hàng may mặc phổ thông, thực phẩm bản địa, mỹ phẩm từ thiên nhiên… "Phải tăng cường kiểm soát hàng lậu, hàng nhái, chính sách thu thuế đơn hàng có giá trị thấp mới đạt hiệu quả. Song song với việc đánh thuế đủ đối với đơn hàng có giá trị nhỏ, hàng hóa trong nước bắt buộc phải chủ động cải tiến nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì nhãn mác, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang thương mại điện tử...", ông Phú nhấn mạnh. 

Từ năm 2021, các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đã xóa bỏ quy định miễn thuế VAT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống; nước Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế VAT hàng giá trị nhỏ từ đầu năm 2021; Úc bỏ quy định về miễn thuế VAT đối với hàng hóa có giá trị từ 666 USD trở xuống; Singapore bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử từ đầu năm 2023; Thái Lan thu thuế VAT với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị từ ngày 1.5.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.