Kiến nghị, đề xuất bỏ xăng dầu, điều hòa nhiệt độ ra khỏi danh mục hàng hóa áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng bất thành. Hồi tháng 8, góp ý cho Dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nhiều tổ chức, đại biểu Quốc hội, chuyên gia... tiếp tục lên tiếng nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm giữ 2 mặt hàng này trong danh mục đánh thuế. Mới nhất cuối tuần trước tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo luật này, một lần nữa việc đánh thuế TTĐB với xăng dầu, điều hòa nhiệt độ lại "làm nóng" nghị trường.
Thật ra, đến thời điểm này mà vẫn còn phải bàn cãi chuyện có nên đánh thuế TTĐB với 2 mặt hàng nói trên nữa hay không thì phải nói thẳng là quá lạc hậu. Đơn cử với điều hòa nhiệt độ, 27 năm trước, năm 1998 khi mặt hàng này được đưa vào danh mục áp thuế TTĐB, có thể gọi đó là hàng xa xỉ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, kinh tế đất nước đã thay đổi, thu nhập và đời sống của người dân đã tăng gấp nhiều lần thì điều hòa đã trở thành hàng hóa tiêu dùng thông dụng, thậm chí có thể coi là thiết yếu. Giờ mà gọi điều hòa là hàng xa xỉ thì đúng như đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví von "đẩy lùi sinh hoạt của VN về 40 - 50 năm trước". Hay với xăng, nếu lấy lý do đánh thuế để hạn chế sử dụng vì "cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050" thì xăng dầu đã chịu thuế Bảo vệ môi trường, đâu thể chồng thêm một loại thuế nữa? Và xăng dầu càng không thể được gọi là hàng xa xỉ để đứng chung với rượu, thuốc lá, du thuyền, máy bay, vũ trường, casino...
Nhắc lại để thấy, sau gần 30 năm, thuế TTĐB không còn phù hợp với xăng dầu và điều hòa và cần thay đổi từ lâu chứ không phải thảo luận, bàn cãi tới lui như bao năm nay. Điều khó hiểu là Bộ Tài chính, bất chấp các kiến nghị, đề xuất, phân tích của các bộ ngành liên quan, các đại biểu Quốc hội và thực tế kinh tế khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng, chi phí của doanh nghiệp bị đội lên, vẫn kiên quyết giữ quan điểm đánh thuế xăng dầu và điều hòa nhiệt độ.
Ở thời điểm hiện tại, các chính sách đều chủ trương khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp. Sửa đổi các luật về thuế càng phải chủ động vấn đề này, thậm chí phải coi đó là vấn đề cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn bởi tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế đã trải qua gần 5 năm khó khăn liên tiếp; sức người, sức của đều cạn kiệt. Nếu chưa thể "khoan được" thì ít nhất cũng bảo đảm sự công bằng, phù hợp bối cảnh mới chứ không nên và không thể duy trì quá lâu các ngưỡng thuế đã lạc hậu.
Cũng cần phải nhắc lại, thuế TTĐB do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán. Cũng có nghĩa rằng đánh thuế lên các mặt hàng thiết yếu chính là đánh thẳng vào túi tiền của người dân.
Thay vì tận thu, thiết nghĩ việc cải cách hay điều chỉnh chính sách thuế phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố nuôi dưỡng nguồn thu bền vững trong dài hạn và không làm triệt tiêu động lực đầu tư và lao động của người dân, doanh nghiệp.
Bình luận (0)