Đánh tráo khái niệm

26/05/2018 07:31 GMT+7

Khái niệm, tên gọi... có thể đánh tráo, có thể đổi nhưng bản chất vấn đề và trách nhiệm của người lãnh đạo thì không thể đánh tráo, không thể qua được mắt dân.

Việc đổi từ trạm thu phí sang trạm thu giá đang gây bức xúc cho nhiều người. Không chỉ sai về ngữ nghĩa mà việc này còn có nguy cơ gây ra những hậu quả vô cùng lớn cho nhà nước và người dân.
Đầu tiên về mặt ngữ nghĩa. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, dịch vụ; còn phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả để bù đắp chi phí mang tính phục vụ khi cung cấp dịch vụ công. Người ta chỉ có thể thu phí chứ không thể thu giá nên đổi thu phí thành thu giá là sai hoàn toàn. Nhưng cái đáng lo ngại hơn là nếu chuyển thành "thu giá" và coi BOT là sản phẩm của doanh nghiệp như lời Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thì rất có thể, phí BOT sẽ còn bị đội lên trời. Bởi của doanh nghiệp, họ sẽ toàn quyền quyết định chứ không còn phụ thuộc vào sự quản lý và kiểm soát của nhà nước, dù đường là của nhà nước, của người dân.
Đáng nói là việc đánh tráo khái niệm kiểu thế này dường như đang thịnh hành. Chỉ vài ngày trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã khiến người dân bức xúc khi chuyển ngập thành tụ nước. Chuyện bắt đầu từ cơn mưa tối 19.5 khiến hàng loạt tuyến đường trên địa bàn TP ngập nặng; nhưng theo báo cáo của sở này thì chỉ có 10 tuyến đường ngập, còn lại là "tụ nước". Nhiều người dân ở các điểm "tụ nước" kêu trời khi "nước tụ" đến ngang xe, tụ ngập nhà phải tát cả đêm. Cũng giám đốc sở này cuối năm 2015 đã khiến dư luận dậy sóng khi cho rằng "các vụ việc kẹt xe kéo dài ở TP.HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được"! Với việc đánh tráo từ kẹt sang ùn ứ, sở này tổng kết trong 9 tháng năm 2015, TP.HCM không có vụ ùn tắc nào trên 30 phút mà chỉ có 18 vụ ùn ứ (?!); trong khi tắc đường, kẹt xe đã trở thành vấn nạn của TP.HCM cả thập niên và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đánh tráo khái niệm thực ra là để trốn tránh trách nhiệm, điều đó rõ như ban ngày. Hãy nhìn các vụ đánh tráo khái niệm gây ồn ào thời gian qua sẽ thấy, tất cả các khái niệm bị đánh tráo đều liên quan đến các vấn đề nóng trong xã hội nhưng bộ đó, ngành đó không giải quyết được, thậm chí ngày càng bế tắc, gây bức xúc cho người dân. Nhưng nếu người đứng đầu một bộ, một sở, một ngành mà đánh tráo khái niệm kiểu này thì hệ lụy là không thể đong đếm. Bởi họ chính là người lên, phê duyệt kế hoạch, dự án trong lĩnh vực họ phụ trách. Đơn cử nếu cho rằng TP chỉ ùn ứ - tụ nước là chính mà không phải ngập nước, kẹt xe thì chắc chắn giải pháp cũng chỉ xoay quanh việc giải quyết ùn ứ - tụ nước. Có lẽ nào vì thế, TP đổ rất nhiều tiền để giải quyết kẹt xe - ngập nước nhưng ngập - kẹt vẫn ngày càng trầm trọng?
Nếu không truy trách nhiệm thì rất có thể, việc đánh tráo trách nhiệm sẽ trở thành trào lưu và hệ lụy sẽ không thể đong đếm được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.