Danh tướng Nguyễn Cư Trinh và những chuyện 'thâm cung' ít người biết

16/05/2020 11:02 GMT+7

Lâu nay danh tướng thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần là Nguyễn Cư Trinh chỉ được biết đến qua vài thông tin ít ỏi, vì vậy những tiết lộ của học giả Vương Hồng Sển về nhân vật này có nhiều thú vị.

Thông tin về vị danh tướng này, một số tài liệu lịch sử cho biết: Nguyễn Cư Trinh tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh, hiệu là Đạm Am, Đường Qua và Hạo Nhiên. Vai trò của vị tướng trấn giữ biên cương từng góp phần to lớn trong công cuộc Nam tiến của các Chúa Nguyễn là Nguyễn Cư Trinh được học giả Vương Hồng Sển nhận xét thấu đáo trong cuốn Chuyện cũ ở Sốc Trăng (NXB Trẻ vừa ấn hành): “Đánh giặc cũng giỏi mà chánh trị cũng hay, rất nhiều sáng kiến dùng kế tàm thực và đồn điền mở rộng bờ cõi, phòng thủ lâu dài. Về mặt thủy đạo, ông sai lập dọc theo sông Cửu Long, gần biên giới các đồn: Tân Châu đạo (Tiền Giang), Châu Đốc đạo (Hậu Giang) và Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), làm hậu thuẫn”.

Đường Nguyễn Cư Trinh đông đúc xe cộ tại Q.1, TP.HCM

Ảnh: Quỳnh Trân

Tình bạn thơ tri kỷ hiếm có
Theo trang Wikipedia: “Mạc Thiên Tứ, tự là Sĩ Lân (còn gọi là Mạc Thiên Tích), là danh thần đời chúa Nguyễn. Ông sinh năm Mậu Tuất (1708) và mất năm Canh Tý (1780). Ông là con Tổng binh Mạc Cửu - người được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu. Khi cha ông qua đời (1735), lúc ấy ông đã trưởng thành, nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc tấn công của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp”.
Cũng theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn di cảo mới xuất bản Chuyện cũ ở Sốc Trăng: “Từ khi đất Hậu Giang lọt về tay Mạc Thiên Tứ, có một “duyên tiền định” là cuộc gặp gỡ giữa một tổng binh tài năng kiêm văn võ, trấn ở Hà Tiên là một nơi xa xôi hẻo lánh và một ông quan do Chúa ở Huế sai vào, lãnh việc tẩy trừ giặc ở phương xa, quyền sinh sát trong tay nhưng giỏi thi thơ. Hai người thành một, xây dựng cõi nam được rực rỡ để lại cho đời sau hưởng và người đời sau vẫn ít nhắc công: Mạc Thiên Tứ và Nguyễn Cư Trinh”.

Đền thờ họ Mạc ở Hà Tiên

Ảnh: T.L

Nói về tài đánh giặc thắng như chẻ tre của Nguyễn Cư Trinh, học giả Vương Hồng Sển kể: “Mùa đông năm Quý Dậu 1753, Võ vương sai ông Thiện chính (có lẽ đó là ông Thiện chính Nguyễn Hữu Doãn, chứ không ai khác - Vương Hồng Sển), quan tham mưu tùng chinh là Nguyễn Cư Trinh chức Ký lục bố chánh, hai người được lịnh Chúa, cùng điều khiển binh sĩ năm dinh, đi đánh Nặc - Ông - Nguyên. Quân tiến đến Ngưu - Chữ (Bến Nghé) lập dinh trại, thâu nạp thêm sĩ tốt, tuyển binh trừ bị để làm kế khai thác.
Tới mùa hạ năm Giáp Tuất 1754, binh của ông Nguyễn Cư Trinh đi đến đâu giặc quy phục đến đó, hội quân với ông Thiện chính ở đồn Lô Yêm (vùng Đồng Tháp Mười). Từ đó tiến binh thắng phủ Lôi Lạp (Gò Công), Tầm Bôn (Tân An)…, nơi nơi đều xin quy hàng. Mùa xuân năm Ất Hợi 1755, ông Thống suất về đồn Mỹ Tho mang theo hơn 1 vạn quân Côn Man vừa thâu phục đến đất Vô Tà Ân (có lẽ Đồng Tháp Mười – Vương Hồng Sển), chẳng may bị quân của Nặc Nguyên núp ở đây đổ ra đánh úp. Nguyễn Cư Trinh đem quân giải vây, cứu thoát cho năm ngàn người đưa hết về núi Bà Đen (Tây Ninh)".

Người bày ra lệ, buộc khắc tên họ nơi mũi thuyền ghe

"Nguyễn Cư Trinh còn biết dùng phương pháp ‘di địch chế địch’ nên đặt người Côn Man giữ đất Tây Ninh và Hồng Ngự, làm trái độn giữa Cơ me và Việt, đến nay hai nơi này còn dấu vết người Chàm. Chính Nguyễn Cư Trinh dời dinh Long Hồ về đất Tầm Bào (Tân An, Tháp Mười)”, học giả Vương Hồng Sển viết trong sách di cảo.
Đặc biệt, sách của học giả Vương Hồng Sển còn tiết lộ Nguyễn Cư Trinh là người đã bày ra lệ, buộc thuyền ghe các hạt, bất luận lớn nhỏ xứ nào, đều phải chạm khắc tên họ, quê quán nơi mũi. Chủ thuyền ghe ghi vào bộ sổ quan sở tại cho tiện việc truy xét (nay còn lại thuyền ghe đục “mắt ghe” sơn màu sơn đỏ). 

Việc ghi thông tin trên mũi tàu, thuyền vẫn còn cho đến ngày nay

Ảnh: T.L

Một cảnh điển hình của tỉnh Gia Định xưa

Ảnh: Quỳnh Trân chụp lại từ sách ảnh Xứ Nam Kỳ

Cùng với Mạc Thiên Tứ giỏi về ngoại giao, có công lớn trong việc khai phá phương Nam và kinh bang tế thế, nhân vật Nguyễn Cư Trinh còn giỏi cầm binh ra trận cùng… thơ văn lẫy lừng. "Lúc còn ở Gia Định, ông thường xướng họa với thi xã tam hiền: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định đều là tôi huân thần nhà Nguyễn, có công xây dựng và đem văn hiến vào Nam. Và khi tới đất Hà Tiên, danh tướng Nguyễn Cư Trinh gia nhập Chiêu Anh quán, làm thơ cùng nhóm Mạc Thiên Tứ, hai người rất là tương đắc", di cảo Chuyện cũ ở Sốc Trăng của học giả Vương Hồng Sển bật mí thêm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.