Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã đi vào sử sách với công lao to lớn: khai phá, ổn định vùng đất Đồng Nai - Gia Định, vừa mở mang bờ cõi vừa phát triển kinh tế, hành chính. Vở diễn mới này dù chỉ chọn một vài lát cắt vào giai đoạn cuối đời ông cũng đủ khắc họa chân dung yêu nước, thương dân, dũng lược, mưu trí, nghĩa tình trọn vẹn.
Điền Trung vai chúa Nguyễn Phúc Chu, Thanh Thảo vai Hồ Phi |
H.K |
Hay nhất là kịch bản đã lồng vào đó một câu chuyện vừa “trinh thám” vừa “ngôn tình”- một hư cấu hợp lý, hấp dẫn góp phần giữ chân người xem suốt hơn 2 tiếng đồng hồ. Nhân vật nàng gián điệp Huyền Thư được cài vào để hại Nguyễn Hữu Cảnh, rốt cuộc lại đem lòng cảm mến và yêu ông. Nàng hy sinh thân mình để lại một thông điệp hòa bình, chính là điểm nhấn đẹp nhất. Và cũng từ những lớp diễn với Huyền Thư mà nhân vật Nguyễn Hữu Cảnh thể hiện được nội tâm của mình, với nỗi nhớ nhà, nhớ quê, thủy chung, rung động… Ông cũng là một con người với bao khắc khoải, cảm xúc, chính là nơi để cải lương khai thác, bật lên tài năng ca diễn.
Nghệ sĩ Minh Trường (vai Nguyễn Hữu Cảnh) với giọng ca rất đẹp, ngoại hình chính nhân quân tử, lối diễn đằm thắm, sâu sắc, đã chinh phục hoàn toàn trái tim khán giả. Cô đào Nhã Thy trong vai Huyền Thư cũng xinh đẹp, ngọt ngào, thật xứng đào xứng kép.
Minh Trường và Nhã Thy trong vở Chân dung người mở cõi |
Vở diễn còn khắc họa cả hoàng gia chúa Nguyễn Phúc Chu đoàn kết, mưu lược, bày một kế sách để đánh tan kẻ địch, tạo sinh động, hấp dẫn từ đầu tới cuối. Và những gương mặt trẻ như Điền Trung, Thanh Thảo, Nhật Nguyên, Diệp Duy, Trọng Hiếu, Chí Dũng, Tấn Lộc…đã làm thành một dàn bao hùng hậu với khả năng ca diễn chỉn chu. Ngay cả thiết kế sân khấu và âm nhạc cũng lôi cuốn người xem.
Qua vở này cho thấy cải lương không cần quá dài, chỉ đúng 2 tiếng rưỡi thôi vẫn có thể chở được nội dung hấp dẫn và có đất cho nghệ sĩ thi thố tài năng ca diễn.
Bình luận (0)