>> Kỳ 1: “Người yêu lạ lùng nhất” của Trịnh
Chị Ngô Vũ Bích Diễm và Ngô Vũ Dao Ánh người gốc Hà Nội, lớn lên ở Huế, đi vào tình khúc như Trịnh Công Sơn (TCS) kể: “Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai. Sau một tuần lễ, tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo lệ thường, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn. Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” để viết nên bài Hạ trắng”.
Như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể, người mang bó hoa dạ lý hương đến bên giường bệnh TCS trưa ấy là Diễm. Như vậy bài Hạ trắng là bài TCS viết về cuộc chia tay mà chúng tôi gọi là bài Xin trả nợ người lần thứ nhất (cho Diễm). Còn bài Xin trả nợ người lần thứ hai (cho Dao Ánh) sẽ nói sau. Hồi ức trích dẫn trên do TCS đưa in trên tạp chí Thế giới m nhạc gần như liền mạch trong hai số tháng 3 và tháng 5.1997. Đến tháng 8 năm ấy, một người mà TCS quý trọng qua đời tại Sài Gòn: GS Đỗ Long Vân.
|
Không ít lần TCS đã kể với Dao Ánh về Đỗ Long Vân những ngày gặp gỡ Dran, Blao, Đà Lạt và Sài Gòn. Đỗ Long Vân dạy ở Đại học Huế, là tác giả của bản văn “lạ và đẹp như mơ” - theo cách nói của Nguyễn Quốc Trụ. Đó là: Vô Kỵ giữa chúng ta. Trong bản văn đó, cạnh những phân tích nền tảng về tiểu thuyết Kim Dung qua cơ cấu luận, Đỗ Long Vân đã dành những dòng viết về chữ “tình” mà TCS rất tâm đắc như sau: “nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm, đa tình? Người ta chỉ cần nhớ đến sự thủy chung của Hoàng Dược Sư với người vợ sớm qua đời, và tiếng sáo của ông trên nước biếc, khi một mình một chiếc thuyền, ông đi khắp bốn bể tìm con. Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong mỗi con người (...). Không thể tưởng tượng được chẳng hạn một cuộc yêu đương giữa người của Tà môn và của Chính giáo (…). Dĩ nhiên phải kể đến tất cả những sắc thái của tình yêu: tri kỷ như giữa Hoàng Dung và Quách A Tỷ.
Có những mối tình trưởng thành trong sự chia sẻ những nguy hiểm và gian khổ chung và những mối tình, như của Hân Ly với Vô Kỵ kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét đánh, như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như những nhan sắc khác đều bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng như A Chu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu một cái gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời. Cho nên A Chu có chết đi nhưng ảnh tượng nàng vẫn còn thao thức mãi trong lòng Kiều Phong. Hai tâm hồn gặp nhau, tương đắc, giao hội và không có gì có thể chia rẽ họ. Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Chu nhận cái chết để khỏi phải lên án người yêu của họ (...). Tình yêu không kể tới đạo lý. Nó không thể giải thích được. Ai biết đâu sự sa đọa của Dương Khang là cái đã cám dỗ Mục Niệm Từ, cái ngây thơ của Quách Tĩnh là cái cám dỗ Hoàng Dung, sự lơ đãng của Mộ Dung Phục là cái cám dỗ Vương Ngọc Yến? Tham vọng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không bao giờ biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu. Sự giá trị hóa cái Tình trong Kim Dung, tuy nhiên, chỉ là tỉ dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn”. TCS kể Dao Ánh nghe những ngày gặp Đỗ Long Vân (và họa sĩ Đinh Cường) ở một căn nhà trên Đà Lạt: “Anh Đỗ Long Vân từ dạo sau này ở Huế rồi lên đây vẫn còn miên man rơi vào những ưu tư không dứt. Anh ngồi hàng giờ đọc sách, rồi trầm ngâm rồi nói lẩm nhẩm một mình, rồi cười bâng quơ như một người đã vắng mặt trên hiện tại này”, song người vắng mặt đó vẫn có mặt, có tên giữa những ngày TCS và Dao Ánh đi về trong cõi mưa hồng... (còn tiếp).
... Có một vài giấc mơ quá mức huyền bí, không làm sao hiểu được, chúng giống như những câu đố. Nhưng những câu đố còn có thể giải đáp, chúng thì không. Bạn có thể cho chúng hàng trăm nghĩa khác nhau, nghĩa nào cũng được cả. Liệu Eurydice mong muốn trở lại trần gian, nếu nàng tìm thấy một chút bình yên, một chút hơi ấm ở địa ngục? Và Kafka thêm vô: âm nhạc, thứ đã nhất, đẹp nhất, được hát ở địa ngục, bởi những kẻ trầm luân. Liệu chúng ta có thể đọc Đỗ Long Vân, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, theo nghĩa trên không? Nguyễn Quốc Trụ |
Giao Hưởng - Dạ Ly
Bình luận (0)