Đào ao “khủng” cứu vườn cây trái

07/07/2020 06:28 GMT+7

Nhìn vườn cây trái đang héo rũ vì nắng hạn , ông Ngô Tài (68 tuổi, ở xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đã quyết định đào một cái ao lớn ngay trong vườn để lấy nước cứu cây.

Đi vào vườn cây ăn quả rợp mát của ông Ngô Tài, chúng tôi cứ ngỡ lạc vào vườn cây ở miền Tây Nam bộ. Ở đây có từ sầu riêng, bưởi da xanh, đến bơ, hồ tiêu... mà theo chủ nhân chia sẻ, là công sức gầy dựng từ năm 2016. Dù đến nay một số loại cây mới bắt đầu cho trái, nhưng với ông Tài 2,2 ha vườn cây sẽ là “của dưỡng già” những năm tới.

Khu vườn nhiều tầng

Ông Tài kể, dù có vườn rộng 2,2 ha, nhưng năm 2016 ông chỉ trồng 200 gốc tiêu. Không lâu sau đó, H.Nghĩa Hành khuyến khích nông dân trồng cây ăn quả, được hỗ trợ giống cây. Đi nhiều nơi trong huyện, ông thấy nhiều người trồng cây quả lấy giống từ miền Tây Nam bộ phát triển tốt và cho thu nhập khá nên ông quyết định đầu tư trồng thêm cây ăn quả trên khu vườn của mình.
Đào ao “khủng” cứu vườn cây trái

Khu vườn nhiều loại cây trái của ông Tài

Có được sự hỗ trợ của huyện, ông Tài mạnh dạn mua 250 cây bơ về trồng. Sau một thời gian, thấy cây bơ phát triển tốt nên ông tiếp tục mua thêm nhiều giống cây khác về trồng đan xen theo kiểu vườn hỗn hợp. "Trồng nhiều loại cây thì khi cây này mất mùa hay mất giá, mình cũng còn những cây khác để bán, không bị mất trắng", ông Tài tính toán.
Cho đến thời điểm hiện tại, vườn của ông có gần 450 gốc tiêu, 70 cây sầu riêng, 80 cây bưởi da xanh, 40 cây mít và khoảng 170 cây bơ. Đó là chưa kể một số loại cây ăn quả như: xoài, mãng cầu, chanh... vừa được ông Tài trồng xen với hàng chục cây mỗi loại. Khu vườn hiện phần lớn là cây trồng khoảng 3 năm, một số cây lớn nhanh vượt kỳ vọng bắt đầu cho quả bói. Ông Tài cho biết mấy cây mít trồng mới có 1 năm mà đã cho quả, nhưng ngạc nhiên nhất là mãng cầu cho ra quả nhiều. Theo ông Tài, mô hình trồng nhiều loại cây ăn quả xen kẽ đã khá thành công vì cây phát triển tốt và rất lợi nước tưới.

Không còn sợ hạn

Mùa nắng năm nay, vườn cây có dấu hiệu xấu đi, lá cây bị cháy do nắng nóng kéo dài. "Vừa rồi bơ ra rất nhiều hoa, nhưng do thiếu nước tưới, hoa rụng tả tơi, chỉ đậu được số ít, xem như mất trắng", ông Tài nói.
Không chấp nhận nhìn cây trồng chết dần, ông Tài đã đào một ao nước "khủng" để có nước tưới. Nghĩ đến chuyện đào ao, ông Tài trằn trọc nhiều đêm mới quyết định làm. Vì đào ao lớn tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, nhưng chưa chắc đào xuống đã có nước. Trước đó, ông cũng từng đào 2 cái giếng và khoan 4 cái giếng khác, có cái sâu đến 105 m nhưng vẫn không đủ nước tưới. “Chỉ có cách đào ao lớn mới hy vọng cứu được vườn cây, cứu bao tâm huyết bỏ ra. May thay, khi đào tới độ sâu 10 m thì có nước”, ông Tài cho biết.

Bưởi da xanh cho lứa quả đầu tiên

Ao nước của ông Tài có diện tích lên đến 400 m2, mực nước trong ao nơi sâu nhất đến 2 m, chi phí đào ao là 20 triệu đồng. Trong hơn 10 ngày, cả gia đình ông và người làm thuê thay phiên nhau đào. Từ lúc đào xong ao, mảnh vườn nhà ông như được hồi sinh trở lại, cây cối tươi tốt hẳn lên nhờ được tưới nước đầy đủ.
Cho đến thời điểm này, ông Tài vẫn rất vui với quyết định đào ao của mình. "Ban đầu, nhiều người khuyên tôi không nên mạo hiểm, nhưng đào xong ao, nước đầy thì hầu hết bà con lại trầm trồ khen. Từ giờ tôi khỏi phải lo sợ không có nước tưới cây nữa rồi", ông Tài cười vui.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.